Doanh nghiệp
Tiếp tục kiến nghị giảm mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp
Nguyên Vũ - 22/04/2020 14:26
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 sẽ không đạt mục tiêu tăng 3,6 - 4%/năm như Quốc hội giao.
Những năm gần đây, khó khăn về kinh tế trong nước cũng như quốc tế gây ra nhiều tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp và tốc độ tăng trưởng ngành.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tại báo cáo vừa được gửi đến Quốc hội về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn.

Covid-19 tác động lớn

Liên quan đến một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội giao ngành nông nghiệp là phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành trong từng năm đạt 3,5 - 4%/năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình bày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần kiến nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu này.

Lý do là, những năm gần đây, khó khăn về kinh tế trong nước cũng như quốc tế gây ra nhiều tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp và tốc độ tăng trưởng ngành. Sản xuất nông nghiệp nước ta còn những yếu kém nội tại của một nền sản xuất nhỏ, trình độ thấp, khả năng cạnh tranh thấp; biến đổi khí hậu gây nên nhiều hình thái thời tiết cực đoan, dị thường (bão, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…); dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường.

Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhiễm và gây thiệt hại chưa từng có cho ngành chăn nuôi, làm giảm trên 1% giá trị tăng thêm của toàn ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, dịch bệnh xuyên biên giới bùng phát (như Covid-19) gây tác động lớn đến cả đầu vào sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản…; cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới ngày càng gay gắt, nên tăng trưởng ngành chưa thật vững chắc và còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Tại báo cáo này, Bộ trưởng khẳng định, mặc dù ngành nông nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, song kết quả tăng trưởng vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 4 năm 2016 - 2019 đạt 2,52%/năm, dự kiến năm 2020 đạt 2,9 - 3% và cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 2,71%/năm.

“Kết quả này vượt mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 do Chính phủ giao và ngành nông nghiệp đề ra, nhưng sẽ không đạt mục tiêu tăng 3,6 - 4%/năm do Quốc hội giao. Vì vậy, Bộ tiếp tục đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng ngành giai đoạn 2016 - 2020 xuống còn 2,6 - 3%/năm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo.

Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện

Bên cạnh rất nhiều khó khăn, bản báo cáo 30 trang của người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho thấy những kết quả tích cực.

Tại kỳ họp cuối năm 2019, sau khi tiến hành chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Quốc hội yêu cầu ngành nông nghiệp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Dù ngành nông nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, song kết quả tăng trưởng vẫn thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.

Kết quả, theo báo cáo, ngành nông nghiệp được cơ cấu lại trên cơ sở 3 trục sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương), sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.

Cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo 3 trục sản phẩm, phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, như lúa gạo ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long; chè ở trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Lâm Đồng; cà phê, cao su ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ; hồ tiêu ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ; điều ở Đông Nam bộ; rau quả, cá tra, tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung; rừng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ ở miền Trung, Tây Nguyên…

Ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết tiêu biểu như chuỗi liên kết cá tra ba cấp, chuỗi liên kết ngành hàng lâm sản chủ lực, chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo, đã góp phần củng cố các hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết, ổn định và mở rộng diện tích liên kết.

“Nông nghiệp đã duy trì tăng trưởng và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, tỷ lệ giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đã tăng từ 57% năm 2010 lên gần 80% năm 2018”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo Quốc hội.

Tin liên quan
Tin khác