Lợi nhuận Đạm Phú Mỹ vượt 4,11 lần kế hoạch đề ra sau 9 tháng. |
Biên lãi gộp tăng mạnh nhờ thị trường thuận lợi
Bình quân trong quý III/2021, Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí - CTCP (PVFCo, mã DPM - sàn HoSE) thu về 36,4 đồng lợi nhuận gộp từ 100 đồng doanh thu. Con số này ở cùng kỳ năm trước chỉ là 22% hay ở quý liền trước cũng chỉ là 32% dù doanh thu tăng vọt.
Riêng trong quý III, Đạm Phú Mỹ thu về 2.859 tỷ đồng doanh thu, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp tăng ấn tượng đã kéo theo khoản lợi nhuận gộp 1.041 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng và cao hơn 100 tỷ đồng so với quý liền trước.
Giải trình thêm về kết quả tăng trưởng quý này, ông Lê Cự Tân, Tổng giám đốc của Đạm Phú Mỹ cho biết giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón đã tăng so với cùng kỳ năm trước.
Phía công ty cũng cho biết tổng sản lượng sản xuất đạt trên 756.000 tấn phân bón và hóa chất các loại, vượt từ 3-11% so với kế hoạch từng mặt hàng trong 9 tháng, trong đó tăng trưởng ấn tượng nhất là sản lượng sản xuất NPK Phú Mỹ với 128.777 tấn, tăng 44% so với cùng kỳ, đồng thời, đã vượt 11% kế hoạch 9 tháng đầu năm và hoàn thành 86% kế hoạch năm 2021.
Sản lượng kinh doanh đạt trên 900.000 tấn phân bón, hóa chất các loại, nổi bật là kinh doanh NPK Phú Mỹ đạt gần 123.000 tấn, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 88% kế hoạch năm 2021.
Dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng, lợi nhuận quý III vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao. “Ông lớn” ngành phân bón báo lãi ròng 630 tỷ đồng trong quý III, gấp 3,45 lần cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm, quy mô doanh thu của công ty mở rộng thêm 32% lên 7.813 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp ở mức cao đã giúp doanh nghiệp thu lãi ròng 1.503 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, gấp hơn 2,5 lần cùng kỳ. So với kế hoạch đề ra đầu năm, Đạm Phú Mỹ hoàn thành được 94% mục tiêu doanh thu nhưng đã vượt gấp 4,11 lần kế hoạch lợi nhuận.
Hơn 43% tài sản của Đạm Phú Mỹ là tiền
Đến cuối quý III/2021, quy mô tài sản của Đạm Phú Mỹ tăng hơn 7,9% so với thời điểm đầu năm, đạt xấp xỉ 12.196 tỷ đồng. Triển vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp đã khiến cổ phiếu DPM có sự “thăng hoa” trên thị trường chứng khoán thời gian qua. Vốn hóa thị trường tại thời điểm ngày 21/10 đã đạt 18.392 tỷ đồng khi giá cổ phiếu đã vọt lên gấp 2,63 lần mức giá hồi đầu năm.
Trong cơ cấu tài sản, tiền và tương đương tiền chiếm tỷ trọng lớn (hơn 44%). Trong đó, tiền và tương đương tiền đạt gần 2.774 tỷ đồng còn các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 2.495 tỷ đồng. Lượng tồn kho thời điểm cuối quý III là 1.470 tỷ đồng, không tăng nhiều mà vẫn chỉ duy trì ngang với các kỳ trước (khoảng 1.400 tỷ đồng).
Nguồn vốn của công ty dựa chính vào phần vốn tự có. Tỷ lệ nợ vay đến ngày 30/9 chỉ mới xấp xỉ 25,6%. Trong đó, giá trị các khoản vay nợ ngân hàng là hơn 900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong tổng nguồn vốn. Nhờ kết quả khởi sắc các quý gần đây, phần lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 30/9 đã tăng lên 1.460 tỷ đồng, tương đương 37,3% quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp.