Sức khỏe doanh nghiệp
Giá khí giảm, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau “bội thu” lợi nhuận
Thanh Thủy - 30/07/2020 15:32
Doanh thu giảm nhưng vẫn chậm hơn tốc độ giảm của giá vốn, hai công ty đạm do PVN nắm quyền sở hữu chi phối đều báo lãi tăng mạnh.
Hai doanh nghiệp phân bón báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh

Lấy lại tăng trưởng nhờ giá khí giảm

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với lợi nhuận trước thuế thu về đạt gần 384 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Đồng thời, công ty cũng đã hoàn thành gấp 6,7 lần kế hoạch lợi nhuận thận trọng đề ra hồi đầu năm.

Phó tổng giám đốc Lê Ngọc Minh Trí cho biết chi phí khí giảm là nguyên nhân chính giúp giá vốn 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ. Trong khi doanh thu giảm hơn 188 tỷ đồng (-5,31%), giá vốn hàng bán lại giảm tới 273 tỷ đồng, tương đương mức giảm 9,35%. Chi phí tài chính cũng giảm được hơn gần 32%, chủ yếu nhờ tiết giảm chi phí lãi vay.

Dù việc chi cho hoạt động bán hàng tăng lên khá nhiều, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm vẫn tăng trưởng 36% trong riêng quý II và 18% ở nửa đầu năm 2020. Thu nhập ròng bình quân mỗi cổ phiếu đạt 617 đồng.

Kết quả kinh doanh của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã DPM) công bố trước đó cũng ghi nhận kết quả tương tự. Lợi nhuận sau thuế quý II đạt 308 tỷ đồng, ghi nhận mức cao kỷ lục trong 4 năm trở lại đây. Trong khi đó, quý II/2019 lại là kỳ kinh doanh u ám của Đạm Phú Mỹ với con số lợi nhuận đạt được chỉ vỏn vẹn hơn 36 tỷ đồng, thấp nhất từ năm 2009. Vì vậy, tăng trưởng lợi nhuận quý II xấp xỉ 10 lần cùng kỳ năm 2019. 

Khoản lãi hơn 300 tỷ đồng trong quý vừa qua cũng đóng góp chính giúp lợi nhuận nửa đầu năm của Đạm Phú Mỹ đạt 414,65 tỷ đồng, gấp 4,9 lần cùng kỳ và hoàn thành 95,6% kế hoạch.

Ngoài nguyên nhân chính từ giá nguyên liệu đầu vào, lãnh đạo Đạm Phú Mỹ còn cho biết lượng hàng bán Ure Đạm Phú Mỹ cũng tăng so với cùng kỳ là 83%. Khác với Đạm Cà Mau, doanh nghiệp này vẫn giữ được mức tăng trưởng doanh thu 2 con số. Tuy nhiên, điểm chung rõ ràng nhất nằm ở tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu. Biên lợi nhuận gộp của hai doanh nghệp phân bón này đều tăng, đạt 21,5% tại Đạm Cà Mau và gần 26,2% tại Đạm Phú Mỹ.

Tỷ suất lợi nhuận gộp/ doanh thu của hai doanh nghiệp phân bón đều tăng mạnh nhờ giá khí đầu vào giảm

Cửa sáng sau năm 2019 sa sút?

Một lý do cũng khiến Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong kỳ kinh doanh nay còn là mức nền thấp của năm trước. Lợi nhuận năm 2019 rơi xuống mức thấp kỷ lục trong các năm hoạt động của hai doanh nghiệp do phải dành thời gian để bảo dưỡng. Chi phí khí cũng làm tăng giá thành, thậm chí, như Đạm Cà Mau, có khoảng thời gian  nguồn khí được ưu tiên cho 2 nhà máy điện trong Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau sử dụng trước.

Theo đánh giá của Chứng khoán Phú Hưng, dù hai doanh nghiệp phân bón này đang được hưởng lợi từ giá dầu giảm, qua đó giúp giảm giá vốn và tăng biên lãi gộp, doanh thu có thể sẽ không được cải thiện. “Tình trạng dư cung trong thị trường phân Urê vẫn tiếp tục tiếp diễn. Ngoài ra, xâm nhập mặn có thể khiến diện tích trồng lúa có thể bị thu hẹp lại làm giảm nhu cầu sử dụng phân bón”, một báo cáo mới đây của công ty chứng khoán này cho hay.

Bên cạnh đó, suốt hơn 5 năm qua, mặt hàng phân bón vẫn nằm trong nhóm không được khấu trừ thuế đầu vào. Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế đã đưa sản phẩm phân bón vào nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT, thay vì chịu mức thuế 5%. Các doanh nghiệp cùng Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã đồng loạt đưa ra kiến nghị được sửa đổi Luật 71/2014/QH13 theo hướng đưa sản phẩm phân bón vào diện chịu thuế suất thuế GTGT như trước đây để doanh nghiệp phân bón trong nước có thể giảm giá thành sản xuất. Bất cập liên quan đến thuế suất thuế GTGT tính vào mặt hàng phân bón vẫn chưa có hướng gỡ. 

Tin liên quan
Tin khác