Ông Dennis Ng Teck Yow, Phó Tổng giám đốc Công ty Gamuda Land Việt Nam nhớ lại, cách đây khoảng 10 năm, Tập đoàn Gamuda bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam với dự án đầu tiên tại phía Nam của Hà Nội.
Ông Dennis Ng Teck Yow, Phó Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn. |
Ban đầu, doanh nghiệp đến từ Malaysia dự tính tìm kiếm đối tác Việt Nam để cùng hợp tác phát triển dự án hoặc là sẽ mua lại dự án của doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, kế hoạch sau đó đã được thay đổi.
“Chúng tôi đã quyết định tự phát triển dự án bởi đã có kinh nghiệm từ Malaysia trong chuyển đổi vùng ven thành phố để phát triển dự án bất động sản cao cấp”, đại diện của Gamuda Land nói và cho biết, khi đó có không ít ý kiến phàn nàn và hoài nghi về quyết định đó. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, Gamuda Land đã biến khu vực dự án trở thành một vùng đất vàng cho các nhà đầu tư.
Cũng theo vị này, cho đến nay, Gamuda Land đã có dự án ở nhiều nơi tại Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…Cho đến nay, doanh nghiệp chưa có sự hợp tác nào với doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, chuyện này có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới.
“Trong tương lai chắc chắn chúng tôi sẽ có đối tác là doanh nghiệp của Việt Nam. Hiện chúng tôi đang tìm kiếm”, đại diện Gamuda Land nói và cho biết, doanh nghiệp đang tiến hành cải tiến mô hình kinh doanh, tái cơ cấu lại trước khi tìm kiếm đối tác.
Một trong những lý do được đại diện Gamuda Land bật mí là thực tế cho thấy, nếu không tìm hiểu đúng dự án, dự án có cơ sở pháp lý chắc chắn (nhất là vấn đề quyền sở hữu đất) thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro.
Do đó, nếu có đối tác là doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ giảm được một số rủi ro nói trên. Ngược lại, đối tác sẽ dựa được vào tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm của Gamuda Land.
Mặc dù đánh giá cao tiềm năng của thị trường bất động sản ở Việt Nam song ông Dennis cho biết, Gamuda Land sẽ không thay đổi chiến lược phát triển của mình.
“Từ 3 năm trước, Gamuda Land đã phát triển các dự án bất động sản ở phân khúc cao cấp và đến nay sẽ vẫn tiếp tục với chiến lược này”, ông Dennis nói và cho biết, Gamuda Land đã cùng nhà tư vấn CBRE hoạch định hướng phát triển phù hợp với thị trường Việt Nam.
Cũng theo đại diện của Gamuda Land, doanh nghiệp này chưa tính đến việc có phát triển dự án ở vùng ngoại ô hay vùng lân cận của các thành phố hay không. Nhà phát triển bất động sản này quan tâm hơn đến việc tạo giá trị gia tăng cho dự án.
“Vấn đề không phải là 1m2 đất hiện có giá bao nhiêu mà quan trọng hơn là khả năng nó sẽ có giá bao nhiêu trong tương lai”, ông Dennis nói và cho biết, doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có cả công nghệ để chuyển đổi giá trị theo hướng tăng lên cho các dự án do Gamuda Land phát triển.
Toàn cảnh Diễn đàn M&A Việt Nam 2019. Ảnh: Lê Toàn |
Các diễn giả tại Diễn đàn M&A 2019 khá đồng thuận khi cho rằng, bất động sản sẽ tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn và sẽ thu hút cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Hình thức mua lại để hình thành liên doanh được thực hiện chủ yếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài, với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng các doanh nghiệp tại địa phương sở hữu quỹ đất lớn.
Dòng vốn mua lại công ty, đầu tư vào thị trường bất động sản sẽ phủ hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp.
Chi phí thực hiện thương vụ M&A tại các vị trí đẹp ở khu trung tâm các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội có thể gia tăng do sự khan hiếm về quỹ đất và các tài sản chất lượng tại các khu vực này…
“Sẽ có sự đột phá khi có sự tham gia nhiều hơn của các “tay chơi quốc tế” kết hợp với các chủ đất thực sự tại địa phương để tạo ra các thương vụ lớn”, Dennis Ng Teck Yow dự báo về xu hướng M&A bất động sản.
Một khía cạnh khác, theo đại diện của Gamuda Land, là không gian làm việc chung sẽ phát triển bởi cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đang lớn mạnh nhanh chóng. Hiện nay, doanh nghiệp đang tiến hành tìm kiếm các đối tác trong nước có thế mạnh về lĩnh vực này để cùng hợp tác, phát triển.