Thời sự
Tiếp tục nóng chương trình giáo dục phổ thông mới
Hải Hà - 27/12/2018 20:20
Mặc dù đã qua nhiều lần họp về chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng trong buổi họp báo công bố chương trình này chiều nay, 27/12, tại Hà Nội, những câu hỏi đặt ra xung quanh chương trình này vẫn rất nóng và nổi cộm.
Mặc dù đã trả lời khá nhiều câu hỏi xoay quanh chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng đại diện Ban soạn thảo và Bộ vẫn chưa làm thỏa mãn đại diện các cơ quan truyền thông

Tại buổi công bố này, hàng loạt câu hỏi đến từ đại diện các cơ quan báo chí đưa ra với đại diện ban soạn thảo chương trình và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan tới tính khả thi khi thực hiện chương trình, việc đảm bảo chất lượng liệu có đáp ứng khi giáo viên chỉ được trang bị kiến thức qua các chương trình đào tạo tập huấn, liệu chương trình có giảm tải được cho học sinh hay không hay tăng thêm khi có thêm nhiều môn học vừa lựa chọn, vừa bắt buộc, chương trình sẽ ảnh hưởng tới tình trạng thừa, thiếu giáo viên thế nào….

Trả lời câu hỏi liên quan tới chất lượng giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Bộ sẽ đào tạo giáo viên cốt cán theo chuẩn nghề nghiệp. Sau đó, đội ngũ này sẽ đào tạo giáo viên đại trà thông qua internet nhưng không phải đào tạo kiểu trực tiếp mà đội ngũ cốt cán này sẽ thảo luận, giải quyết khó khăn cho giáo viên còn giáo viên chủ yếu là tự học chứ không đào tạo theo kiểu F1, F2, F3 như trước kia.

“Chúng tôi sẽ lấy công nghệ thông tin làm nền tảng để giáo viên có thể học mọi lúc, mọi nơi, những giáo viên cốt cán ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và cả giáo viên đại trà những khu vực này cũng sẽ được hỗ trợ nhiều hơn”, ông Minh nói.

Tuy nhiên, ông Minh cũng khẳng định, nỗi lo nhất của ngành là chất lượng đội ngũ giáo viên vì số lượng lớn, việc thay đổi chất lượng không phải dễ. Do đó, Bộ sẽ vừa đào tạo, vừa xây dựng lại chuẩn giáo viên, năng lực quản lý, xây dựng bồi dưỡng thường xuyên gắn với mục tiêu, vị trí của giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu thông qua chuẩn nghề nghiệp.

Liên quan tới câu hỏi thừa, thiếu giáo viên khi có thêm nhiều môn học tự chọn từ chương trình giáo dục phổ thông, ông Mình cho rằng, nguồn giáo viên không thiếu mà có xu hướng giảm, những môn mới đã có nguồn giáo viên từ các trường sư phạm xây dựng theo lộ trình trước đó 4-5 năm.

Trả lời câu hỏi liệu học sinh các lớp trên có bắt kịp chương trình không nếu không được học từ đầu chương trình giáo dục phổ thông mới, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định: “Học sinh hoàn toàn có thể bắt kịp chương trình vì chương trình không phải dạy lại từ đầu mà kiến thức được kế thừa có chọn lọc, chỉ khác là thêm các môn học cần thiết và thay đổi cách dạy học để tăng tính thực hành”.

Trong khi đó, trả lời thắc mắc về việc có mâu thuẫn giữa lựa chọn của học sinh và khả năng đáp ứng từ phía nhà trường với những môn tự chọn, ông Thuyết cho biết, luôn luôn có mâu thuẫn giữa mong muốn và hiện thực.

“Chúng tôi mong muốn có sự phân hóa triệt để cao nhất theo nguyện vọng của học sinh nhưng thực tế không phải trường phổ thông nào cũng đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Do đó, các trường sẽ lựa chọn trên cơ sở tổng thể là tổng thể tổ hợp môn học đáp ứng nguyện vọng của đa số học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường”, ông Thuyết nói.

Liên quan tới tính khả thi của chương trình, ông Phạm Hồng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, chương trình kế thừa các điều kiện hiện có của các trường nên không làm phát sinh cơ sở vật chất các trường phổ thông.

Ông Anh cũng khẳng định có thể yên tâm về cơ sở vật chất ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, riêng với tiểu học từ năm 2014, Bộ đã chỉ đạo hỗ trợ những vùng khó khăn từ vốn ODA, đầu tư Chính phủ nhằm nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp từ 61,5% (năm 2014) lên 72,2% ở thời điểm hiện tại.

Ông Anh cũng cho biết, số phòng học/lớp học cấp tiểu học đạt 0,93 phòng học/lớp, chỉ khoảng 10% cơ sở giáo dục tiểu học không đảm bảo đủ học 2 buổi/ngày trong đó khó khăn nhất ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Nhưng ông Anh cũng khẳng định, phải tới năm học 2020-2021 chương trình mới được đưa vào thực hiện đầu tiên ở khối lớp 1 nên vẫn có lộ trình bên cạnh sự quyết liệt đầu tư của các tỉnh ở diện khó khăn trong xây dựng kiên cố hóa trường học ví dục như Lào Cai đã có kế hoạch đầu tư 380 tỷ cho xây dựng cơ sở vật chất trường học.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Trong đó, nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2)). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).

Nội dung giáo dục cấp Trung học cơ sở bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).

Nội dung giáo dục cấp Trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, chương trình giáo dục phổ thông mới đã đáp ứng nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW là "Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”.

Mục tiêu của chương trình này là chuyển từ chương trình đơn thuần truyền tải kiến thức sang chương trình tập trung trang bị năng lực cho người học theo hướng thực hành, đáp ứng nhu cầu phát triển của hội nhập với việc trang bị nhiều môn học cần thiết.

Với mục tiêu này, chương trình cũng sẽ phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Mặc dù vậy, một số câu hỏi trọng tâm vẫn chưa có lời giải liên quan tới ai sẽ là người viết sách cho chương trình giáo dục phổ thông mới hay cam kết của cơ quan chủ quản thế nào nếu triển khai trên thực tế không như kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác