Đại biểu Bế Minh Đức tham gia phát biểu. |
Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) với 140 vị đại biểu đăng ký phát biểu.
Và quy định tại Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng lại tiếp tục được mổ xẻ, tranh luận.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nói, Điều 79 quy định về các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, như vậy có thể vẫn chưa bao quát hết, chưa thể giải quyết triệt để một trong những bất cập lớn nhất đang đặt ra là khi Nhà nước thu hồi đất, người có đất được bồi thường theo bảng giá đất do nhà nước ban hành, trong khi các doanh nghiệp và người có đất thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn.
“Tôi mạnh dạn đề xuất với Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Điều 79 và các điều khoản liên quan trong Dự thảo Luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án”, ông Tuấn phát biểu.
Vị đại biểu Bắc Giang cho biết quan điểm trên xuất phát từ 4 lý do.
Một, với 31 trường hợp do nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều 79 phạm vi bao quát là khá rộng. Các trường hợp dự án phát triển kinh tế - xã hội còn lại thuộc diện thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không nhiều.
Hai, không có căn cứ cụ thể, thuyết phục đối với việc phân biệt trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất khác. Xét cho cùng, mọi trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều phải tuân thủ pháp luật, phải phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Ba, thực tế khi doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thường là đất nông nghiệp, sau đó chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án. Còn người có đất khi chuyển nhượng đất nông nghiệp thường đòi hỏi giá cao hơn, tương đương với loại đất khác. Như vậy, về bản chất có thể nói rằng người bán đang bán thứ mà mình không có, đây là điều vô lý.
Bốn, nếu quy định nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc bởi những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai hiện hành như đã phân tích ở trên. Đặc biệt, tình trạng đơn thư khiếu kiện sẽ giảm; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch hơn.
Cũng nêu ý kiến về điều 79, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị bỏ quy định việc nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ, tức là bỏ khoản 27 Điều 79.
Vì, dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ là dự án chủ yếu mang lại giá trị lợi nhuận cho nhà đầu tư. Do đó, nên áp dụng cơ chế tự thỏa thuận để đạt được sự đồng thuận giữa người dân và chủ đầu tư cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Đồng thời, để đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương quy định tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Đồng thời dự thảo luật cần quy định cơ chế để giải quyết trường hợp chủ đầu tư không thể thỏa thuận hết với các chủ sử dụng đất có liên quan.
Tranh luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu, Nghị quyết 18 có nêu là tiếp tục cơ chế thỏa thuận trong thu hồi đất, nhưng Nghị quyết 18 cũng không yêu cầu tất cả các dự án đều phải thỏa thuận.
Đại biểu Trịnh Xuân An tranh luận. |
Tất cả các khoản của Điều 79 đều là lợi ích công, nhưng quan trọng nhất phải phát huy được nguồn lực của đất đai và biến đất đai trở thành sức mạnh của nền kinh tế thì phải cho phép thu hồi đối với các dự án, ông An nêu quan điểm.
Vị đại biểu Đồng Nai đề nghị quy định thẳng trong Điều 79 là thu hồi đất những dự án có quy mô lớn từ 300 ha trở lên và là những khu đô thị, khu dân cư hiện đại.
“Những đô thị lớn, dự án lớn phải thu hồi thì mới làm được, còn nếu cứ nói là thỏa thuận mà không thể thỏa thuận được thì quy định đấy trở thành vô nghĩa. Không thể có một dự án hàng trăm héc - ta mà ta thỏa thuận với từng hộ dân một, từng người một được. Tất nhiên, lợi ích của người dân và doanh nghiệp phải hài hòa", ông An lập luận.
Cũng tranh luận về khoản 27 điều 79, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, nếu kiểm soát chặt quá có thể sẽ không khuyến khích nhà đầu tư và sẽ làm kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nếu buông lỏng thì có thể lợi ích siêu ngạch sẽ phục vụ cho thiểu số.
Để kiểm soát được thì không gì tốt hơn là đấu thầu. Để đấu thầu được thì phải thu hồi đất, nhà nước phải là chủ thể thì mới mang đi đấu thầu được. Nếu làm được như thế thì việc đền bù sẽ là nhà nước đền bù cho dân trong quá trình thu hồi. Lúc đấy sẽ tiếp cận được giá thị trường theo đúng tinh thần Nghị quyết 18. Như vậy, rất công bằng cho người sử dụng đất bị thu hồi, cho nhà đầu tư sau này và Nhà nước cũng tránh được thất thoát, ông Huân nói.