Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 chiều 14/6 |
“Chúng ta thấy chuyển đổi số len lỏi ở tất cả khía cạnh của cuộc sống, ai không bắt kịp sẽ đi sau, bị đào thải”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu bài phát biểu tại Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn công nghiệp 4.0 chiều 14/6 bằng hình ảnh sinh động về những cơ hội và cả thách thức đang diễn ra trên toàn cầu, do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0). Trong đó, lực lượng sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa sang giai đoạn mới: thâm dụng tri thức và đột phá đổi mới sáng tạo.
“Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển. Trước hết, không ngừng nỗ lực để tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng đánh giá, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức của kỷ nguyên số, tăng trưởng xanh.
“Đi cùng cơ hội là thách thức, nhưng chúng ta luôn bản lĩnh, không quá lạc quan với các điều kiện thuận lợi, nhưng cũng không quá bi quan với các thách thức. Vấn đề là dự báo, phát hiện kịp thời, phản ứng linh hoạt, hiệu quả hay không, phụ thuộc vào quản trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhất là các cấp chiến lược. Suy nghĩ như vậy để không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn”, Thủ tướng nhấn mạnh trong phát biểu tổng kết Diễn đàn.
Giai đoạn vừa qua, chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Một là, thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện; Hai là, chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước đã có nhiều kết quả tích cực; Ba là, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ rệt, với gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Bốn là, các cơ sở dữ liệu làm nền tảng để triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số tiếp tục được thúc đẩy triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ xây dựng chính phủ số.
Để tiếp tục thực hiện, Thủ tướng cho biết, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29 sẽ được Chính phủ sớm ban hành để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho từng cấp, ngành, cơ quan đơn vị để thực hiện cho được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Trong Chương trình hành động, trước mắt, trong giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ tập trung chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững.
Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các bon thấp; Cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong giai đoạn 2031 - 2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng lưu ý tới các nhiệm vụ như đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược... "Chuyển đổi số phải mang lại kết quả thực chất, những giá trị thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp. Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền và tiếp tục được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, với xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.
“Chúng ta phải cố gắng hơn, đi sau nhưng cố gắng về trước. Nhiệm vụ này là khó, là nặng nề", nhưng Thủ tướng cho rằng, "cần xác định như vậy để có động lực, để cố gắng hơn, nỗ lực hơn, quyết tâm hơn thì mới bắt kịp được các nước trên thế giới". Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh nhanh chóng thể chế hóa quan điểm nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình CNH, HĐH như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng...
Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt cũng được Thủ tướng nhắc tới như là một giải pháp để khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển.
Thực tiễn vừa qua cho thấy, doanh nghiệp lớn cũng cần, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không thể thiếu. Chúng ta cần linh hoạt trong phát triển, thích ứng nhanh để chuyển đổi chính sách, đảm bảo phù hợp tình hình, xoay chuyển trạng thái nhanh”, Thủ tướng xác định rõ.
Diễn đàn Công nghiệp 4.0 có chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, do ban Ban Kinh tế Trung ương với mục đích gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầt nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 29-NQ/TW).
Đồng thời với đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về “Định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”...