Nói về việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, nếu như một số bộ ngành khác chỉ cam kết cắt giảm 20% thủ tục hành chính thì năm 2021 ngành Y tế sẽ tạo đột phá bằng cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành Y tế hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.
Với việc hoàn thành trực tuyến hóa các thủ tục hành chính, hằng năm hàng trăm ngàn hồ sơ sẽ được nhận, trả, xử lý trực tuyến trên môi trường điện tử, tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, công việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức cũng trở nên thuận tiện, minh bạch, kịp thời hơn.
. |
Bộ Y tế cũng khai trương Cổng công khai giá, trên đó công khai kết quả trúng thầu, giá bán trang thiết bị, vật tư y tế để các đơn vị tra cứu và tăng cường minh bạch trong công tác đấu thầu.
Đến thời điểm hiện tại đã công khai 62.438 giá dược phẩm (công khai giá bán lẻ ở nhà thuốc); 17.066 trang thiết bị, vật tư y tế được công khai để tránh mua bán lòng vòng, thổi giá và công khai 93.253 kết quả đấu thầu.
“Tới đây chúng tôi yêu cầu Sở Y tế trên toàn quốc phải công khai tất cả các kế hoạch đấu thầu và tất cả các bệnh viện phải công khai giá dịch vụ y tế và từng bước tất cả các điểm bán lẻ dược phẩm, thực phẩm chức năng cũng phải công khai giá nhằm tạo thị trường kinh doanh lành mạnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Liên quan tới việc cung ứng thuốc phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, thống kê của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho thấy hiện đã có có 255 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP- WHO, trong đó có 6 nhà máy sản xuất vắc xin trong nước đã cung ứng được 10 loại vắc xin trong tổng số 11 vắc xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, 67 nhà máy có sản xuất thuốc từ dược liệu (trong đó có 39 nhà máy chỉ sản xuất thuốc từ dược liệu), 03 nhà máy sản xuất nguyên liệu thuốc.
Việt Nam cũng có 18 cơ sở có dây chuyền sản xuất thuốc đạt EU-GMP hoặc tương đương, 2 cơ sở có dây chuyền đạt PIC/S-GMP.
Ngoài ra, nhằm hạn chế tình trạng mua kháng sinh “dễ như mua rau” theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, với việc triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, hệ thống cung ứng thuốc phủ rộng khắp toàn quốc, mật độ trung bình đạt khoảng 1.600 người dân có 1 cơ sở bán lẻ thuốc.
Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường tiến hành thường xuyên, từ trung ương đến các địa phương; tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng trong các năm được duy trì ở mức thấp dưới 2%.
Với lĩnh vực thiết bị y tế, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế, cơ sở đã hoàn thành thí điểm đấu thầu tập trung cấp Bộ 4 nhóm vật tư y tế với 23 mặt hàng, giảm được 140 tỷ đồng (19,3%). Đồng thời mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá.
Ngoài việc cắt giảm thủ tục hành chính, theo ông Nguyễn Thanh Long, năm 2021 ngành Y tế tiếp tục thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh.
Theo đó, trong quản lý y tế, 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện; nhiều bệnh viện đã ứng dụng bệnh án điện tử, 8 bệnh viện đã công bố sử dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, 20 bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim.
Bộ Y tế cũng xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa - telemedicine, kết nối vạn vật y tế - IoMT. Bộ Y tế được xếp hạng thứ 4 về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019.
Tính đến thời điểm hiện tại, 100% văn bản của ngành Y tế đã được xử lý điện tử, 100% áp dụng chữ ký số. Trong lĩnh vực dịch vụ công, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, kết nối với Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia.. ..
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã phối hợp với cơ quan chức năng tạo lập được 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân. Bộ Y tế cũng đặt ra mục tiêu từ 1/7/2021, các cơ sở khám chữa bệnh ngoại trú chính thức áp dụng bệnh án điện tử, không dùng hồ sơ giấy.
“Hiện đã có trạm y tế xã có tới 78 quyển sổ, xã ít nhất cũng trên 30 quyển, mỗi ngày cán bộ y tế mất 75% thời gian trong ngày để ghi chép, chỉ có 25% thời gian dùng vào việc chuyên môn”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.