Y tế - Sức khỏe
Tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng nhờ đấu thầu thuốc tập trung
D.Ngân - 05/08/2022 21:54
1.337 tỷ đồng là số kinh phí tiết kiệm được nhờ công tác đấu thầu thuốc tập trung.

Sáng ngày 5/8, tại Bộ Y tế, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức công bố và trao quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023. 

1.337 tỷ đồng là số kinh phí tiết kiệm được nhờ công tác đấu thầu thuốc tập trung. 

Theo ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, cuối tháng 6/2022, Trung tâm tổ chức đấu thầu các gói thầu cung cấp 106 thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023.

Các thuốc tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia là những thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước, chủ yếu là các thuốc điều trị nhiễm khuẩn (kháng sinh - 44 thuốc), thuốc tiêu hóa (19 thuốc), thuốc tim mạch (16 thuốc), thuốc điều trị ung thư (11 thuốc), thuốc điều trị tiểu đường (7 thuốc) và 09 thuốc thuộc các nhóm điều trị khác. 

Trung tâm tổ chức đấu thầu rộng rãi với 3 gói thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế theo vùng, miền và đã thu hút được 72 nhà thầu tham dự, trong đó có 52 nhà thầu tham dự gói thầu số 1 cung ứng cho các tỉnh Miền Bắc;

50 nhà thầu tham dự gói thầu số 2 cung ứng cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; 55 nhà thầu tham dự gói thầu số 3 cung ứng cho các tỉnh miền Nam. 

Về kết quả, có 39 nhà thầu trúng thầu, trong đó có 27 nhà thầu trúng thầu gói thầu số 1, có 27 nhà thầu trúng thầu gói thầu số 2, có 24 nhà thầu trúng thầu gói thầu số 3. 

Ngày 3/8/2022, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã ban hành các Quyết định số 57/QĐ-TTMS, 58/QĐ-TTMS, 59/QĐ-TTMS phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023.

Tổng giá kế hoạch của các danh mục có đề xuất trúng thầu là 7.630 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu là 6.292 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá là 17,52% (tương đương với 1.337 tỷ đồng.
Gói thầu số 1: Cung cấp thuốc cho các tỉnh Miền Bắc giai đoạn 2022-2023 lựa chọn được 27 nhà thầu và 84 danh mục có đề xuất trúng thầu.
Giá kế hoạch là: 2.458 tỷ đồng, giá trúng thầu là: 2.033 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá 17,3% (tương đương 425 tỷ đồng);
Gói thầu số 2: Cung cấp thuốc cho các tỉnh Miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022-2023 lựa chọn được 27 nhà thầu và 84 danh mục có đề xuất trúng thầu.
Giá kế hoạch là: 1.564 tỷ đồng, giá trúng thầu là: 1.306 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá 16,5% (tương đương 258 tỷ đồng);
Gói thầu số 3: Cung cấp thuốc cho các tỉnh Miền Nam giai đoạn 2022-2023 lựa chọn được 24 nhà thầu và 86 danh mục có đề xuất trúng thầu.
Giá kế hoạch là: 3.607 tỷ đồng, giá trúng thầu là: 2.953 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá 18,1% (tương đương 654 tỷ đồng).

Các nhà thầu tham dự gói thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia là những nhà thầu lớn, có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có khả năng cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế trên toàn quốc. 

Theo đó, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia sẽ ký thỏa thuận khung, các cơ sở y tế ký hợp đồng trực tiếp với nhà thầu. Thời gian thực hiện thỏa thuận khung kể từ ngày ký đến hết ngày 31/8/2024. 

Thời gian thực hiện hợp đồng giữa các cơ sở y tế và nhà thầu từ ngày 1/9/2022 đến hết ngày 31/8/2024. 

Trong trường hợp cần thiết, các cơ sở y tế và nhà thầu thỏa thuận thời gian thực hiện hợp đồng trước ngày 1/9/2022 và hợp đồng có hiệu lực trong vòng 24 tháng kể từ ngày ký.

Cũng liên quan vấn đề đấu thầu thuốc tập trung, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số địa phương thời gian qua khiến người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của BHYT, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT.

Một trong những lý do là việc đấu thầu tập trung ở các cơ cơ sở y tế cả tại trung ương và địa phương khá chậm.

“Theo thống kê của chúng tôi, có những mặt hàng thuốc, vật tư y tế dù đã hết, chậm trên 3 tháng, có những tỉnh phải đấu thầu tập trung ở sở y tế như: Nghệ An, TP. HCM, Hà Nội. Tình trạng chậm trên 3 tháng chưa đấu thầu diễn ra khá phổ biến”, ông Đức thông tin.

Tuy nhiên, khi theo dõi chi phí bình quân của một đơn vị cấp thuốc cho người bệnh từ tháng 4 đến tháng 6 thì chưa có sự biến động quá lớn. 

Mức độ chênh lệch khoảng dưới 10.000 đồng/đơn thuốc, chiếm khoảng 5%. Điều này chứng tỏ tình trạng thiếu thuốc vẫn là đang cục bộ.

Bộ Y tế thì thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị. 

Thậm chí, ngay cả khi một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện.

Lại có những địa phương chỉ đấu thầu thuốc theo danh mục mà Bộ Y tế quy định cho địa phương mà không mở rộng. Thêm vào đó, trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, việc tập trung nhân lực cho công tác đấu thầu còn hạn chế. 

Những nguyên nhân này dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số tỉnh thành, khiến người bệnh BHYT phải tự mua thuốc bên ngoài dù đang khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Tin liên quan
Tin khác