Sáng 7/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và cho biết Cổng Dịch vụ công quốc gia khai trương ngày 9/12/2019.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết chiều 9/12, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (Dịch vụ công quốc gia). Đây là dấu ấn quan trọng trong mục tiêu, phương châm hành động của Chính phủ là “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”.
Họp báo giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia |
Giới thiệu về Cổng Dịch vụ công quốc gia, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho biết Cổng Dịch vụ công quốc gia có vai trò quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, đây là hệ thống kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp qua phương thức điện tử. Sau 9 tháng triển khai, việc thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia về cơ bản đã hoàn thành.
Chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, chức năng phản ánh ý kiến doanh nghiệp trong Cổng Dịch vụ công quốc gia là chức năng quan trọng để nâng cấp chất lượng phần mềm, qua đó tạo thuận tiện hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp.
Giao diện Cổng Dịch vụ công Quốc gia |
Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp các dịch vụ công, bao gồm 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố: Đổi giấy phép lái xe, Thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; Dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), Dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.
Bên cạnh đó, 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ cũng được triển khai là: Cấp Giấy phép lái xe quốc tế, Đăng ký khuyến mãi, Nhóm dịch vụ về Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại TP Hồ Chí Minh là Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải phòng là Đăng ký khai sinh…
Trong quý I/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.
Theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, qua tính toán với 8 nhóm dịch vụ công thiết yếu, có đối tượng người dùng cao được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong tháng 12/2019, dự kiến chi phí tiết kiệm được của người dân, doanh nghiệp khoảng 4.222 tỷ đồng/năm, trong đó, đóng góp từ lợi ích thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng/năm.
Về mức độ an toàn thông tin, ông Ngô Hải Phan cho biết, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ Quốc phòng, Công an, Thông tin - Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ... đã đánh giá và khẳng định hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) - đơn vị được Văn phòng Chính phủ giao xây dựng hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia cho biết, hệ thống hạ tầng cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam.