Người tiêu dùng trong nước ngày càng chuộng hàng nội địa. Ảnh minh hoạ |
Thắt chặt chi tiêu
Thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự thay đổi rõ ràng sau gần 8 tháng sống chung với Covid-19.
Duy trì sinh hoạt của gia đình có 6 thành viên, gồm bố mẹ ở tuổi nghỉ hưu cùng 2 con đang trong độ tuổi đến trường, chị Hoàng Thu Trang (phố Tô Hoàng, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã phải điều chỉnh hạ mức chi tiêu trong những tháng gần đây do Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình. Thu nhập của hai vợ chồng giảm 20% so với thời điểm trước dịch, nên chị Trang chỉ chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, học phí cho 2 con... “Những thú vui như đi nhà sách, xem phim, ăn nhà hàng…, gia đình tôi đã cắt giảm hết”, chị Trang nói.
Không riêng gia đình chị Trang, mà phần lớn các gia đình người Việt, đặc biệt là tại khu vực thành thị, đã và đang điều chỉnh theo hướng này.
Kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar World Panel đều cho thấy, người Việt có xu hướng thắt chặt chi tiêu vì họ thấy kiếm tiền khó hơn trước đây. Nhu cầu mở rộng tiêu dùng ngoài nhóm hàng lương thực, thực phẩm gần như không đáng kể. Nhu cầu về các sản phẩm như mỹ phẩm, thời trang hay chăm sóc sắc đẹp, hoạt động giải trí đã giảm trong thời gian qua và dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, hành vi mua sắm và cách thức tiêu dùng của người Việt buộc phải thay đổi để thích ứng với tình hình giảm sút thu nhập thời dịch bệnh. Thu nhập của nhiều hộ gia đình Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với mức giảm 15 - 50%, thậm chí nhiều hơn và tương lai càng khó dự báo, khiến họ phải cắt giảm chi tiêu.
Thông tin từ Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos (Pháp) cũng cho thấy, tác động của Covid-19 lên những gia đình có thu nhập trung bình - thấp của Việt Nam nặng nề hơn so với nhóm thu nhập cao. Khoảng 90% người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, thu nhập bị ảnh hưởng tiêu cực vì dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội. Gần nửa trong số đó bị giảm trên 20% thu nhập, chủ yếu tập trung ở nhóm lao động phổ thông.
Theo Ipsos, thu nhập bị ảnh hưởng khiến thói quen hàng ngày của người Việt thay đổi đáng kể. 17% hộ gia đình thu nhập thấp phải thắt chặt chi tiêu. Các khoản bị cắt giảm nhiều nhất là du lịch, ăn uống, quần áo... 30% người tiêu dùng chưa nghĩ thu nhập sẽ được cải thiện, có thể chưa quay trở lại với các thói quen chi tiêu như trước khi Covid-19 xuất hiện. Ước tính, 23% người Việt chưa có dự định tham gia trở lại các hoạt động tại nơi công cộng, đông người, được hiểu là các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí bên ngoài.
Số liệu về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng cho thấy rõ điều này, khi chỉ đạt 2,799 triệu tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng đạt 2,218 triệu tỷ đồng, tăng 3,58% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) lý giải, sở dĩ doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng là do tháng 7 là tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, khôi phục lại sức mua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Hàng Việt chiếm ưu thế trong giỏ hàng
Cùng với việc thắt chặt hầu bao, giảm chi tiêu những hàng hóa không thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh, người tiêu dùng Việt đã dành sự quan tâm lớn hơn cho hàng Việt.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retal xác nhận, người tiêu dùng trong nước ngày càng chuộng hàng nội địa và điều này càng thấy rõ trong giai đoạn hiện nay. Đơn cử, tại hệ thống BigC, tỷ trọng hàng Việt hiện đã chiếm tới 85% và mọi hoạt động hỗ trợ nhà cung ứng trong giai đoạn này đều được BigC dành cho các doanh nghiệp nội địa với mong muốn hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh nhất.
Theo Hãng Nghiên cứu thị trường Nielsen, 17% người Việt cho biết, họ chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa; 59% cho biết, họ chủ yếu mua hàng tiêu dùng nội địa. Những con số này cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu (tỷ lệ trung bình toàn cầu lần lượt là 11% và 54%).
Đặc biệt, người tiêu dùng Việt đang tìm đến sản phẩm được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Theo khảo sát, gần 69% người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn, vượt xa mức mức trung bình toàn cầu là 49%.
Một trong những lý do khiến người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam vì biết rõ nguồn gốc, thêm vào đó, họ mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Điều này mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất nội địa, nhưng cách thức chinh phục người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn này cũng rất khác, cần mẫn hơn, “năng nhặt chặt bị” hơn.
Ông Nguyễn Văn Thân, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Home Food (Hà Nội) với các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn cho biết, giá trị các đơn hàng của khách giảm đi thấy rõ, doanh thu bán lẻ của 3 điểm bán tại Hà Nội giảm khoảng 20% so với cùng kỳ. Dù vậy, doanh nghiệp luôn sẵn sàng phục vụ và gia tăng giá trị cho khách bằng các dịch vụ vận chuyển miễn phí, tăng ưu đãi, dù là ưu đãi nhỏ. “Đó là cách để doanh nghiệp và người tiêu dùng đi cùng nhau trong giai đoạn khó khăn”, ông Thân chia sẻ.
Covid-19 làm thay đổi hành vi thanh toán
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử kể từ khi Covid -19 diễn ra tăng hơn 150% so với năm 2019.
Shopee Việt Nam có tới 43,15 triệu lượt truy cập/tháng; Tiki đứng thứ 2 với gần 24 triệu lượt/tháng; Lazada có khoảng 19,76 triệu lượt truy cập/tháng; Sendo có khoảng 17,59 triệu lượt truy cập/tháng...