Viễn thông - Công nghệ
Tiêu thụ laptop gaming tăng mạnh
Thế Hải - 08/04/2021 06:38
Sự thay đổi xu hướng tiêu dùng cộng với dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến người tiêu dùng tại nhà nhiều hơn mang đến những cơ hội đầy bất ngờ cho các doanh nghiệp kinh doanh máy tính xách tay.
Quy mô thị trường laptop tại Việt Nam hiện khoảng 10.000 tỷ đồng ảnh: đ.t

Bất ngờ với doanh thu từ laptop gaming

Doanh số bán hàng của các nhà bán lẻ laptop gaming tăng trưởng cao từ đầu năm 2020 đến nay. “Năm 2020, hệ thống của chúng tôi đã bán ra hơn 20.000 laptop gaming. Đến hết tháng 3/2021, tiêu thụ laptop vẫn khởi sắc, trong đó, dòng laptop gaming chiếm 30% thị phần, dẫn đầu thị trường bán lẻ laptop gaming tại Việt Nam”, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng viễn thông - di động của FPT Shop chia sẻ.

Thời điểm năm 2017-2018, laptop gaming chỉ chiếm chưa đầy 10% thị phần laptop tại Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc (20 - 30%). Lý do một phần bởi sản phẩm trên thị trường không đa dạng, chủ yếu là các dòng máy tầm trung - cao cấp phục vụ các game thủ chuyên nghiệp. Còn hiện tại, với mức giá từ 15 triệu đồng, người dùng có thể dễ dàng chọn được nhiều mẫu laptop gaming. 

Thời gian tới, doanh thu của laptop gaming dự kiến chiếm đến 30% tổng giá trị thị trường laptop. So với năm 2019, lượng sản phẩm laptop gaming bán ra năm 2020 tăng 30% và vẫn tiếp đà tăng trong năm 2021.

Nhận thấy triển vọng từ mảng kinh doanh này, những tháng đầu năm 2021, các “ông lớn” như Dell, Asus, HP… đều tung ra thị trường các mẫu sản phẩm mới để phục vụ khách hàng tại nhiều thị trường có sức mua lớn, trong đó có Việt Nam.

Hãng Dell nhận định, châu Á đang là thị trường có sức tiêu thụ laptop gaming lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… - những nước có nền thể thao điện tử phát triển. Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng và phát triển rất nhanh, nên được Hãng ưu tiên tung hàng để tăng doanh số.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ cũng liên tục cập nhật và đưa các mẫu laptop gaming mới lên kệ sớm nhất. “Chúng tôi đã chủ động đưa về Việt Nam nhiều mẫu sản phẩm và bán độc quyền tại hệ thống như Microsoft Surface Pro 7 cùng chính sách 1 đổi 1 trong vòng 1 năm; Apple Macbook Pro M1 Ram 16GB…”, ông Kha nói.

Để cạnh tranh trong cuộc đua tăng doanh thu từ mảng laptop gaming, các nhà bán lẻ khác như Thế giới Di động, Hàng chính hiệu… cũng liên tục ra mắt sản phẩm mới.

Điểm cộng của những mẫu laptop gaming này là không chỉ phục vụ chơi game. Khách hàng trẻ tuổi sử dụng dòng máy cấu hình cao này cho nhiều mục đích quan trọng khác như học tập, lập trình, làm clip, giải trí… Những yếu tố cộng gộp này càng giúp doanh số tiêu thụ dòng sản phẩm laptop gaming tiếp tục chuyển động mạnh.

 

Dòng sản phẩm tầm trung chiếm ưu thế

Những năm trở lại đây, thị trường laptop gaming liên tiếp đón thêm nhiều mẫu mới nhất từ các nhà sản xuất như Dell, Acer, Asus, Apple..

Theo Công ty TNHH Công nghệ Hoàng Mai (quận Phú Nhuận, TP.HCM), sức tiêu thụ dòng laptop gaming tại hệ thống bán lẻ hàng công nghệ của doanh nghiệp đã tăng rất mạnh từ cuối 2019 đến nay, đỉnh điểm là năm 2020. Ngày càng có nhiều hãng tham gia sản xuất dòng laptop gaming, nên khách hàng có nhiều lựa chọn, trong đó, các dòng sản phẩm tầm trung với mức giá từ 16 đến 25 triệu đồng được tiêu thụ mạnh nhất.

Anh Nguyễn Trung Kiên, nhân viên tư vấn kỹ thuật tại Hangchinhhieu.vn cho biết, một chiếc laptop chơi game tốt phải thỏa mãn các điều kiện về CPU, ổ cứng, Ram, card màn hình, màn hình laptop... Các nhà bán lẻ đều có đội ngũ kỹ thuật viên tư vấn để giúp khách hàng có được những sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Theo Euromonitor, quy mô thị trường laptop tại Việt Nam hiện khoảng 10.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2020 - 2024, doanh thu laptop sẽ duy trì mức ổn định trên 10.000 tỷ đồng/năm; sản lượng tiêu thụ cho kênh doanh nghiệp lẫn mảng tiêu dùng cá nhân đều tăng trưởng.

Đó là lý do nhiều nhà bán lẻ như Digiworld, Thế giới Di động… đều xác nhận sẽ tập trung mạnh vào mảng kinh doanh laptop thông qua kết nối với các nhà cung cấp cho phép ký kết các hợp đồng phân phối độc quyền các mẫu laptop bán chạy để tối ưu hóa mảng kinh doanh này. Với riêng mảng laptop gaming, dự báo trong năm 2021, mức tiêu thụ tiếp tục tăng trưởng 2 con số, đạt khoảng 15 - 20%.

Tin liên quan
Tin khác