Nhãn, vải sẽ cho thu hoạch rộ từ tháng 5/2018 |
Sản lượng tăng vọt, địa phương lo tìm kênh tiêu thụ
Hiện nay, tại một số địa phương, diện tích nhãn sớm đã cho thu hoạch và dự kiến sẽ cho thu hoạch rộ vào tháng tới. Tại Hội nghị thúc đẩy chăm sóc, tiêu thụ nhãn, vải các tỉnh trọng điểm phía bắc niên vụ 2018 diễn ra sáng nay (18/4), nhiều địa phương cho hay, năm nay, nhãn và vải ra hoa và đậu quả từ gốc tới ngọn, khả năng sản lượng sẽ tăng vọt. Do thời tiết thuận lợi, tại một số địa phương, sản lượng tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Bắc Giang – thủ phủ vải- cho hay, năm nay, dự kiến sản lượng vài của Bắc Giang sẽ đạt 150- 180 nghìn tấn, tăng gần hai lần so với năm ngoái. Trong đó có 20% là vải thiều sớm. Được mùa là tin vui, song cũng là áp lực lớn của Bắc Giang trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ quả vải.
Tại Hưng Yên, Hải Dương, lượng nhãn, vải tăng lên khoảng 20% so với năm ngoái. Bài toán tiêu thụ đang được lãnh đạo các địa phương này hết sức quan tâm.
Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, năm nay, tỉnh sẽ tổ chức lễ hội vải Thanh Hà cuối tháng 5/2018, đồng thời bỏ kinh phí để hỗ trợ người dân xuất khẩu. Tuy nhiên, giá chiếu xạ còn cao, vận chuyển xa nên lượng xuất khẩu chưa được nhiều.
“Hải Dương rất cần các nhà khoa học vào cuộc để giúp Hải Dương bảo quản vải được lâu hơn, để tạo điều kiện xuất khẩu nhiều hơn. Đồng thời mong các công ty lớn như Hapro, Đồng Giao, Co.opmart, các doanh nghiệp lớn… giúp người dân Hải Dương tiêu thụ vải. Hiện nay nước ta có 90 triệu dân, chỉ cần mỗi người mua vài kg vải thị lượng tiêu thụ đã là rất lớn”, ông Cương đề nghị.
Tương tự Hải Dương, các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên cũng đang tích cực mời gọi doanh nghiệp, lên kế hoạch tổ chức các hội chợ, hội nghị xúc tiến để đẩy mạnh tiêu thụ nhãn, vải.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Bắc Giang cho biết, trong tháng 5 và tháng 6 tới đây, Bắc Giang sẽ tổ chức 3 hội nghị xúc tiến tại: Bằng Tường (Trung Quốc), Bắc Giang và Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm nay thời tiết rất thuận lợi cho nhãn, vải ra hoa, đậu quả. Nếu không có yếu tố bất thường sản lượng vải, nhãn năm nay sẽ tăng mạnh.
Tổng lực vào cuộc chống ép giá
Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho hay, do vải thường chín rộ, thời vụ thu hoạch ngắn trong khi khâu bảo quản khó khăn (chủ yếu là thùng xốp, bảo quản bằng đá) nên sức ép tiêu thụ là rất lớn.
Trước áp lực sản lượng tăng mạnh, Bộ NN&PTNT đang nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành địa phương để năm nay nhãn, vải đón một năm được mùa, được giá.
Được biết, hiện 50% sản lượng vải trong nước tiêu thụ nội địa và con số này đang có xu hướng gia tăng. Đến nay, vải thiều đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại mạng lưới các siêu thị lớn Metro, Co.opmart, Happro, BigC, …., các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội, TP.HCM... Trong khi đó, nhãn nước ta chủ yếu tiêu thụ nội địa tại các thành phố lớn Hà Nội,TP.HCM, Quảng Ninh.
Xuất khẩu vải tươi vài năm gần đây cũng được mở rộng đáng kể và đã đến được nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia các quốc gia trong ASEAN, Trung Đông... Hiện Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT... đang nỗ lực đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả vải, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật.
Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng thị trường xuất khẩu vải chủ yếu của nước ta vẫn là Trung Quốc. Chính vì vậy, giữ được thông suốt thị trường này là yếu tố quan trọng với tiêu thụ vải nước ta.
Hiện tại, nhiều địa phương khá lo lắng vì vừa qua, Cục Kiểm nghiệm, kiểm dịch xuất nhập cảnh Quảng Tây (GXCIQ) gửi văn bản thông báo nội bộ cho các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc với nội dung tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc với hoa, quả nhập khẩu trong đó có Việt Nam. Theo đó, từ 01/4/2018, doanh nghiệp Trung Quốc khi nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam phải xin giấy phép tại GXCIQ và cung cấp hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm.
Tuy vậy, đại diện tỉnh Lạng Sơn cho hay, quy định trên là do Trung Quốc đang thay đổi cơ chê quản lý, hợp nhất cơ quan kiểm dịch và hải quan. Thực tế, các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn thông quan bình thường sang Trung Quốc và không gặp trở ngại về các quy định truy xuất nguồn gốc xuất xứ cũng như kiểm dịch thực vật. Tuy vậy, Việt Nam cần lưu ý về bao bì đóng gói theo yêu cầu phía bạn để thuận lợi cho xuất khẩu.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn dự báo, năm nay xuất khẩu nhãn, vải sẽ gặp nhiều thuận lợi do phía Trung Quốc mất mùa hoa quả. Từ ra Tết đến nay, lượng hoa quả, trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, mỗi ngày khoảng 2.000 xe. Hiện Lạng Sơn đã “điều động” cả phía giao thông, công an, cảnh sát, bộ đội biên phòng... vào cuộc để hỗ trợ, đẩy nhanh thông quan nông sản.
Phát biểu tại Hội nghị sáng nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các tỉnh tăng cường sản xuất nhãn, vải theo hướng hữu cơ, đảm bảo các tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, nâng cao chất lượng để hướng tới các thị trường xuất khẩu. Dù dự báo vụ mùa bội thu, song Bộ trưởng cũng nhắc nhở các địa phương không được chủ quan, lơ là vì thời tiết có thể diễn biến bất thường.
Với quy định mới từ thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng khẳng định đây chỉ là sự thay đổi cơ chế giám sát của nước bạn chứ không gây khó khăn gì cho xuất khẩu nông sản nước ta. Dù vậy, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, xuất khẩu nông sản gắn với nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng là yêu cầu của Bộ với các mặt hàng nông sản, dù nước bạn có yêu cầu hay không.
Với sự vào cuộc tổng lực của cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp, người dân, Bộ trưởng nguyễn Xuân Cường hy vọng năm nay nhãn, vải sẽ vừa được mùa, vừa được giá.