Mức lỗ của TikTok tăng gấp 5 lần lên 644,3 triệu USD vào 2020. Ảnh: AFP |
Theo hồ sơ mà TikTok trình Cơ quan đăng ký doanh nghiệp Vương quốc Anh (Companies House) vào ngày 4/10, doanh nghiệp này đã mạnh tay đầu tư để mở rộng kinh doanh tại thị trường châu Âu, trong một nỗ lực cạnh tranh với nhiều đối thủ tên tuổi như Facebook, Instagram, YouTube, và Snap.
Mức lỗ của TikTok vọt lên 644,3 triệu USD trong 2020, gấp 5,4 lần con số 118,7 triệu USD vào năm 2019. Tuy nhiên, những kết quả này "phản ánh một giai đoạn kinh doanh tăng trưởng tốt", người phát ngôn của TikTok trả lời đài CNBC.
"Chúng tôi ghi nhận doanh thu tăng đáng kể nhờ cộng đồng người dùng phát triển mạnh, và chúng tôi đã tiếp tục đầu tư nhiều vào việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho thành công lâu dài", phía TikTok khẳng định.
Chi phí nhân sự là một trong những khoản chi lớn nhất của TikTok. Lượng nhân viên của TikTok tại thị trường châu Âu đã tăng thêm hơn 1.000 người, lên 1.924 trong năm 2020, từ mức 208 của năm 2019.
TikTok từ chối tiết lộ về tổng số nhân sự trên toàn cầu. Nhưng vào tháng 7 vừa qua, TikTok công bố ý định tăng nhân sự cho thị trường Mỹ lên 10.000 người, từ mức 1.400 như hiện nay.
Ngoài gánh nặng chi phí nhân sự, TikTok cũng chi những khoản lớn cho bán hàng và marketing. Tổng mức chi cho hai hạng mục này lên tới 344,9 triệu USD trong năm 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Lượng người dùng TikTok bùng nổ trong 3 năm qua. Tuần trước, ứng dụng video ngắn này tuyên bố đã đạt được mốc 1 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng, tăng 45% so với tháng 7/2020.
Tốc độ phát triển người dùng TikTok tăng chóng mặt. Vào tháng 1/20218, tổng số người dùng TikTok trên toàn cầu mới đạt khoảng 55 triệu. Con số này nhảy vọt lên 271 triệu vào tháng 12/2018 và tăng gấp 10 lần lên 507 triệu vào cuối năm 2019.
Mùa hè năm ngoái, TikTok cho biết lượng người dùng ứng dụng này thường xuyên đã đạt mốc 700 triệu.
Tuy nhiên, công ty này nhận thức được rằng đà tăng trưởng người dùng sẽ không thể kéo dài mãi, trong khi rủi ro kinh doanh luôn rình rập. Họ đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty công nghệ phát triển những nền tảng xã hội dựa trên nội dung số. Trên thực tế, Facebook và Snap đang là đối thủ lớn nhất của TikTok và tất cả đều đang tranh giành doanh thu quảng cáo.
Quy mô hoạt động tăng nhanh chóng khiến các nền tảng video trực tuyến như TikTok rơi vào tầm ngắm pháp lý của nhiều nước trong những năm gần đây. Tại mục "đánh giá rủi ro" trong hồ sơ trình Cơ quan đăng ký doanh nghiệp Vương quốc Anh, TikTok lưu ý rằng họ "là đối tượng chịu sự chi phối của các luật hiện hành và luật mới trong một khuôn khổ pháp lý có thể thay đổi".
Được phát triển bởi Công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance, TikTok đối mặt với nhiều sóng gió trong thời gian qua, đáng kể là việc chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép cấm cửa TikTok hoạt động tại thị trường này với lý lẽ rằng việc TikTok thu thập dữ liệu người dùng là rủi ro an ninh quốc gia đối với Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Trump khi đó đã ép buộc Tiktok phải bán mảng kinh doanh tại thị trường Mỹ cho doanh nghiệp Mỹ nếu muốn tiếp tục duy trì hoạt động rộng rãi ở thị trường. Ở thời điểm đó, Tập đoàn phần mềm Mỹ Oracle nổi lên như một "đối tác công nghệ tin cậy" của TikTok.
Tuy nhiên, khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống và lên nắm quyền Nhà Trắng, TikTok đã được phép tiếp tục hoạt động như bình thường.