Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 với mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam bao gồm hệ thống nhận diện thương hiệu quốc gia (biểu tượng, ngôn ngữ, hình ảnh nhận diện, công cụ quảng bá...), nghiên cứu, đánh giá khả năng cạnh tranh và định vị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, xác định thị trường trọng tâm, chiến lược cho phát triển thương hiệu gạo Việt Nam; xây dựng hệ thống tiêu chí, quy chế tổ chức quản lý, sử dụng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, đề án cũng góp phần hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo đối với một số doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm đánh giá toàn diện hiện trạng sản xuất, xây dựng thương hiệu của các địa phương, doanh nghiệp của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng phương án hỗ trợ phát triển thương hiệu quốc gia; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu mang thương hiệu quốc gia; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu quốc gia (áp dụng quy trình, tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến, đóng gói, xây dựng hệ thống quản trị thương hiệu, phát triển thị trường); hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu doanh nghiệp trong nước và quốc tế; tổ chức quảng bá, giới thiệu và xúc tiến phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm gạo mang thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam; tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến về thương hiệu gạo quốc gia đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và người sản xuất; xây dựng và tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu về thương hiệu gạo Việt Nam: chương trình truyền hình chuyên đề thương hiệu gạo; lễ hội lúa gạo Việt Nam; tuần lễ thương hiệu gạo Việt Nam...; hỗ trợ nâng cao kỹ năng phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối cho doanh nghiệp, các quy định về điều ước, hiệp định thương mại tự do; hỗ trợ xúc tiến, quảng bá và mở rộng kênh phân phối tại các thị trường xuất khẩu chiến lược, trọng tâm của gạo mang thương hiệu quốc gia; tổ chức đánh giá, dự báo thị trường thường niên để giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược và kế hoạch tiếp cận thị trường.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam là một phần quan trọng trong đề án triển khai. Yêu cầu về biểu trưng quốc gia gạo Việt Nam là thể hiện được bản chất, ý nghĩa và đặc trưng của thương hiệu gạo Việt Nam, không vi phạm các yếu tố về văn hóa, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam và văn hóa thế giới, không có những dấu hiệu chỉ dẫn không phù hợp về lịch sử, truyền thống, văn hóa và giá trị của sản phẩm gạo Việt Nam. Biểu trưng có tính khái quát cao, đạt được các yêu cầu về thẩm mỹ, khoa học, tính biểu cảm, dễ nhận biết và ấn tượng đối với người tiêu dùng thể hiện qua cách bố cục, mầu sắc, hình ảnh, đường nét …đồng thời kết hợp hài hòa giữa hình ảnh (phần hình) và tên gọi (phần chữ); không trùng lặp, sao chép với bất kỳ hình ảnh biểu trưng nào trong và ngoài nước.
Tham gia cuộc thi, mỗi cá nhân tổ chức có cơ hội giành giải Nhất trị giá 100 triệu đồng hoặc giải khuyến khích trị giá 15 triệu đồng/1giải. Mỗi cá nhân hoặc tập thể có thể sáng tác và gửi dự thi một hoặc nhiều mẫu dự thi, bao gồm: Mẫu thiết kế biểu trưng dự thi, 01 bản tóm tắt ý tưởng của biểu trưng, 01 Phiếu đăng ký dự thi theo mẫu. Hồ sơ gửi về Ban tổ chức qua hai cách: nộp trực tiếp cho Ban tổ chức hoặc gửi theo đường bưu điện theo địa chỉ: Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội). Thời gian nộp hồ sơ từ 26/4/2017 đến hết ngày 26/6/2017 và được tính theo dấu bưu điện của nơi nhận hồ sơ. Thông tin chi tiết truy cập website: www.mard.gov.vn và www.chebien.gov.vn.