Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT và lãnh đạo 19 tỉnh thành phố khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung chủ trì Hội nghị. Ảnh- Lê Tiên |
Tại Hội nghị, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực Miền Trung ước đạt khoảng 8,05%; Kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 6,950 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2018 ; thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước tới nay, đạt trên 57% dự toán trung ương giao. Tính đến hết tháng 6, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 100,73 nghìn tỷ đồng, bằng 57% dự toán trung ương giao (173,5 nghìn tỷ đồng), tăng 18% so cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt khoảng 165 nghìn tỷ đồng.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2019 của vùng ước đạt 1,38 tỷ USD, chiếm 7,5% cả nước (cả nước 18,4 tỷ USD). Trong đó, 117 dự án cấp mới với số vốn 1,14 tỷ USD, tăng 62% so cùng kỳ năm 2018; 22 dự án bổ sung số vốn 76,79 triệu USD.
Về đầu tư công, tổng vốn kế hoạch 2019 của Vùng đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 55.768 tỷ đồng, bằng 95,8% so với số vốn đã được Quốc hội thông qua (58.226 tỷ đồng). Số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa giao là 2.236,297 tỷ đồng; trong đó vốn các Chương trình mục tiêu là 955,49 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.431,807 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ KH&ĐT đã tiến hành đánh giá Chương trình và xây dựng Báo cáo đề xuất điều chỉnh chương trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh làm cơ sở tiếp tục giao các dự án nêu trên. Số vốn ngoài nước ODA chưa giao 1.431,807 tỷ đồng, nguyên nhân do một số dự án đang điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân toàn vùng đến 30/7/2019 là 22.853 tỷ đồng đạt 43,47%, cao hơn mức bình quân chung cả nước 36,16%. Đáng chú ý, nguồn cân đối ngân sách có tỷ lệ giải ngân đạt đạt khá 50,78%. Nguồn vốn TW hỗ trợ có mục tiêu có tỷ lệ giải ngân khá cao 49,85%, một số địa phương: Thanh Hóa, TP Đà Nẵng, Bình Định cơ bản đã giải ngân hết kế hoạch giao. Nguồn ODA giải ngân thấp, mới đạt 8,38% (thấp hơn tỷ lệ chung cả nước 11,78%).
Toàn cảnh Hội nghị. |
Theo Bộ KH&ĐT, một số nguyên nhân dẫn đến tính trạng giải ngân thấp, đó là do còn tâm lý chủ quan của một số địa phương về việc được chủ động kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm; nhiều địa phương chưa phân cấp triệt để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã (các CTMTQG nông thôn mới và CTMTQG giảm nghèo bền vững). Trên thực tế, tại nhiều địa phương, hàng năm HĐND cấp tỉnh vẫn thông qua kế hoạch vốn đầu tư từng dự án, công trình của từng xã, dẫn tới chậm giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2019…
Đối với nguồn vốn ODA, nhiều dự án đầu tư nguồn vốn ODA kế hoạch 2019 gặp vướng mắc liên quan đến ký kết, gia hạn các hiệp định và thỏa thuận vay lại vốn ODA, thuế nhập khẩu, kiểm soát chi tại Kho bạc nhà nước, thủ tục ghi thu - ghi chi với Bộ Tài chính, thực hiện kế hoạch đấu thầu mua sắm tập trung…
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, về cơ bản, các địa phương đã nghiêm túc triển khai công tác điều hành, chỉ đạo thúc đẩy giải ngân, ban hành các văn bản điều hành, phân công trách nhiệm cho Lãnh đạo tỉnh, các sở ban, ngành, UBND các cấp, các chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Kinh tế địa phương và lãnh thổ, thời gian qua, các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2019, Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết đối với kế hoạch vốn năm 2019 mới được giao; rà soát kết quả giải ngân chi tiết của từng dự án đến hết tháng 7 năm 2019 để có những chỉ đạo quyết liệt, cắt giảm vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ và có nhu cầu bổ sung vốn.
Đối với kế hoạch vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG): Các địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết đối với số vốn chưa phân bổ của các dự án. Thực hiện các Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc chỉ đạo từ nguồn 10% vốn dự phòng CTMTQG xây dựng nông thôn mới và các dự án khởi công mới được thực hiện theo cơ chế đặc thù không phải thực hiện quy định có quyết định phê duyệt dự án trước ngày 31/10/2018.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các địa phương đã có những tham luận phát biểu về công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2020, nêu ra những khó khăn thuận lợi trong khâu lập kế hoạch.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân – Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 phải vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời phải hướng tới mục tiêu nỗ lực, phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, nhất là việc đặt mục tiêu của năm 2020.
Về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ KH&DDT Nguyễn Đức Trung lưu ý, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, các địa phương cần lựa chọn các dự án ưu tiên, trọng điểm, có khả năng tạo động lực cho tăng trưởng của địa phương và của toàn vùng.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng, quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cơ bản sẽ căn cứ vào nội dung của Luật Đầu tư công sửa đổi. Nội dung của Luật Đầu tư công có nhiều điểm mới, đã sửa đổi, tháo gỡ, đơn giản hoá trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Đây sẽ là căn cứ để kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khả thi cao hơn giai đoạn trước.