Thời sự
Tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Huy Tự - 15/08/2019 09:26
Ngày 14/08/2019, tại TP Vĩnh Long, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, cả vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL đều có tiềm năng lợi thế vùng cần hỗ trợ bổ sung cho nhau, có vai trò rất quan trọng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Nếu như vùng Đông Nam Bộ với 6 tỉnh, thành phố có các lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển công nghiệp công nghệ cao…, chiếm khoảng 45% GDP, 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu cả nước thì vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố là vùng trọng điểm về nông nghiệp, lương thực và thuỷ sản, luôn giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng GRDP của cả 02 vùng đều đạt khá, bình quân từ 7,5 đến 7,9%, cao hơn bình quân của cả nước... Tuy nhiên điểm nghẽn chính ở các tỉnh, thành phố trong 07 tháng qua về phát triển kinh tế- xã hội chính là lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nếu không nói là rất chậm. Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ giải ngân đạt 25,355, còn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có đạt khá hơn nhưng cũng chỉ chiếm 38,59%, hầu như chưa có tỉnh, thành nào của 02 vùng đạt 50% so với kế hoạch đề ra. 

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng đã được chỉ ra: vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ và tái định cư chậm, nhiều địa phương chưa phân cấp triệt để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA kế hoạch 2019 cũng gặp vướng mắc liên quan ký kết, gia hạn các hiệp định và thỏa thuận vay lại vốn ODA, giải ngân vốn trái phiếu còn chậm hay còn lúng túng áp dụng về phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư theo nghị định 120/2018/NĐ-CP ngày 13/09/2018 của Chính phủ… là những rào cản chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KH- ĐT cho biết,  qua khảo sát thực tế một số tỉnh, thành phố trong hai vùng cho thấy, tuy có nhiều nguyên nhân tác động nhưng điểm nghẽn chính làm cho các địa phương không đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công chậm chính là còn vướng thể chế, làm chùn chân lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng địa phương khi triển khai dự án. Với trên 20 luật kinh tế đã ban hành, bình quân 01 dự án đầu tư công chịu tác động bình quân của 06 luật, mà các luật quy định lại khác nhau trong cùng một vấn đề. Rà soát, nghiên cứu và chỉnh sửa luật về đầu tư công, luật quy hoạch là vấn đề cấp thiết đang đặt ra cho những năm tiếp theo, nhằm tạo hành lang pháp lý đảm bảo hiệu quả và đúng quy định pháp luật. Do vậy, theo ông Trung, Hội nghị này cũng sẽ đề ra những giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn 2019, thu thập thông tin từ các tỉnh, thành trong vùng, tham mưu đề xuất Chính phủ giải quyết những vướng mắc thể chế phát triển bền vững và hiệu quả hơn.

Nhiều lãnh đạo địa phương cũng đồng tình với nhận định của Bộ KH-ĐT và thống nhất cần tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2019 và định hướng cho năm 2020

Ông Lữ Quang Ngời, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, cần có hướng dẫn rõ hơn về phương pháp, nội dung tích hợp trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương trong vùng, hay tháo gỡ điểm nghẽn về kết nối giao thông giữa TP. Hồ Chí  Minh với các tình vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nam Bộ cũng được đại diện tỉnh Bình Dương nêu ra tại hội nghị

Theo ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, giải ngân vốn đầu tư chậm cũng một phần do sự chuẩn bị dự án chưa kỹ càng, chưa cụ thể chi tiết, dẫn đến chất lượng không cao, khi được ghi vốn, giao vốn thì các địa phương mới bắt tay triển khai dự án, trong khi trình tự thủ tục triển khai thường mất thời gian do thủ tục quy định chồng chéo của các luật cũng là nguyên nhân chậm giải ngân. Đặc biệt, ông Mạnh nhấn mạnh đến liên kết vùng cần được phát huy vì nếu không sẽ chỉ dừng lại ở cơ chế sáng kiến tiểu vùng không mang tính ràng buộc giữa các địa phương trong liên kết kinh tế vùng

Đồng quan điểm trên, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, nếu không có quy hoạch vùng hoàn chỉnh, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, thì các địa phương không thể triển khai một cách đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tê- xã hội, nhất là kế hoạch kinh tế- xã hội 5 năm tới 2021- 2026. Hay liên kết vùng cần dựa trên 02 cơ chế: kết nối cứng (giao thông vận tải) và kết nối mềm (nguồn nhân lực, công nghệ, thương mại- dịch vụ đi kèm).

Bà Lê thị Minh Phụng, Phó Chủ tich UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị, để giải ngân vốn đầu tư công nhanh trong thời gian tới, thì Trung ương và địa phương cần phối hợp chặt trong hoàn thành việc phân bổ chi tiết đối với kế hoạch vốn 2019 mới được giao đợt 2, đưa vùng ĐBSCL vào vùng ưu tiên 1 nhằm tạo điều kiện để vùng phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho hay, qua Hội nghị này, Bộ KH-ĐT sẽ rà soát, thu thập thêm ý kiến, tham mưu, kiến nghị với Chính phủ về sửa đổi các luật , quy định của Luật đầu tư công, Luật Quy hoạch… phù hợp với tình hình thực tế, biến đổi khí hậu và mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của vùng và liên vùng, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, bố trí vốn đầu tư công theo nguyên tắc: công bằng nhưng không phải cào bằng và phải thể hiện tiêu chí ưu tiên cho vùng.

Tin liên quan
Tin khác