Doanh nghiệp
Tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Thế Hải - 10/12/2021 10:54
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 với chủ đề: “Xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế” tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
11 tháng 2021, ngành nông nghiệp đã về đích với giá trị xuất khẩu 43,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 sẽ được Bộ Công thương tổ chức vào ngày 15/12 tới, với chủ đề: “Xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế”.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đây là hoạt động thường niên của đơn vị nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hậu dịch Covid-19. Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. 

Những thông tin trao đổi tại diễn đàn không chỉ hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà còn gợi mở nhiều định hướng, giải pháp cho chính quyền các địa phương, hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao khả năng cung cấp hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển xuất khẩu bền vững.

Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2021 bao gồm 2 phiên thảo luận chính, với các nội dung: Cơ hội và thách thức của một số thị trường xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19; Chiến lược quốc gia của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) giai đoạn 2021-2025 và định hướng phối hợp với các đối tác về lĩnh vực thương mại tại Việt Nam; Định hướng, giải pháp xúc tiến xuất khẩu góp phần khôi phục và phát triển kinh tế.

Tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến xuất khẩu giảm sút mạnh trong các tháng quý 3. Tuy nhiên, từ tháng 10, hoạt động sản xuất đã bắt đầu hồi phục, tạo đà xuất khẩu tăng trở lại. 

Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tiếp tục có sự tăng trưởng do nhu cầu tăng trong dịp cuối năm, đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước (tháng 10 tăng 6,8% so với tháng 9) và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,5%).

Trong khó khăn, nhưng xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực vẫn giữ đà tăng trưởng khá, hết 11 tháng một số ngành đã cầm chắc "về đích" mục tiêu cả năm 2021. Đơn cử, 11 tháng, ngành nông nghiệp đã xuất khẩu 43,5 tỷ USD,  tăng 14,2% so với cùng kỳ. Kết quả này giúp ngành nông nghiệp về đích sớm, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu xuất khẩu nông sản năm 2021.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, dù có nhiều thời điểm xuất khẩu nông sản chững lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song tính đến hết tháng 11 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng chủ lực đều tăng mạnh.

Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 19,3 tỷ USD, tăng 13,7%; lâm sản chính thu về 14,3 tỷ USD, tăng 20,9%; thủy sản đạt trên 7,9 tỷ USD, tăng 3,5%; chăn nuôi đạt 393 triệu USD, tăng 4%...

Ngành dệt may cũng đạt gần 35 tỷ USD sau 11 tháng và dự kiến cán đích 39 tỷ USD, tương tự, da giày-túi xách tính toán sẽ tăng trưởng 5% so với 2020.

Đáng lưu ý là xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có một số thị trường các doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được những lợi thế của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, như xuất khẩu sang EU, Hàn Quốc...

Cụ thể, 11 tháng qua, xuất khẩu sang Mỹ đạt 84,77 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 50,47 tỷ USD, tăng 16,8%, EU  đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%, thị trường ASEAN ước đạt 25,89 tỷ USD, tăng 23,2%, Hàn Quốc đạt 19,98 tỷ USD, tăng 14,6%; Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%. 

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường, nhưng tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại, cộng với các FTA như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và đặc biệt là RCEP có hiệu lực từ đầu năm tới sẽ tiếp tục tạo đà thuận lợi cho xuất khẩu.

Tin liên quan
Tin khác