Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 30/5. Ảnh: Ngọc Thắng |
Kinh tế 2018 là bức tranh đẹp
“Kinh tế, ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp, toàn diện”, đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng hôm qua (30/5).
Trước đó, thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, năm 2018, toàn bộ 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% - mức cao nhất trong 11 năm gần đây.
Về kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2019, báo cáo cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%. Xuất khẩu 4 tháng đạt 78,8 tỷ USD, tăng 5,8%; xuất siêu 711 triệu USD…
Hầu hết các đại biểu trình bày tham luận tại phiên họp đều bày tỏ hài lòng và ấn tượng với những kết quả đã đạt được và cho rằng, kinh tế - xã hội đất nước đạt được những thành tựu trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Về ngân sách nhà nước - nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực để cân đối ngân sách; có nguồn thu để đáp ứng nhiệm vụ chi; kiểm soát bội chi, kéo nợ công ra xa mức trần.
Nỗi lo trả nợ, phát triển bền vững
Trong phần thảo luận tại tổ cũng về nội dung này trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại rằng, chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị trên thế giới có thể tác động xấu tới nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng lo ngại, diễn biến của giá dầu và việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay.
Những lo ngại này tiếp tục được các đại biểu đưa ra tại Hội trường Diên Hồng.
Dù đánh giá cao tình hình kinh tế, ngân sách năm 2018, nhưng đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng thẳng thắn nhận định, mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào, thay vì đổi mới công nghệ, tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Vì mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững, nên theo ông Hàm, quý I/2019, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Ngoài ra, ông Hàm cũng lưu ý, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Theo đó, nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000 - 40.000 tỷ đồng/tháng. Ông Hàm đề nghị ưu tiên, dồn nguồn lực vào các giải pháp quan trọng và chú tâm đến việc tổ chức thực hiện.
Cùng chủ đề “bền vững”, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, dù thu ngân sách tăng, nhưng chủ yếu do khai thác tài nguyên và giá dầu tăng, chứ không phải thu từ sản xuất - kinh doanh, bởi vậy, đây là những con số không bền vững.
Ông Thế cho biết, năm 2020 sẽ đến hạn trả nợ và theo tính toán, mỗi tháng phải tiết kiệm 21.000 - 27.000 tỷ đồng để trả nợ. “Với tình hình này, chúng ta có thể phải vay để trả nợ”, ông Thế nói.
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, “đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng bền vững vẫn là bài toán cần một lời giải căn cơ, toàn diện”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu để giữ lạm phát dưới 4% như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Bà Yến cho rằng, cần quyết định thời điểm tăng giá và theo lộ trình, điều chỉnh giá dịch vụ công phù hợp, tránh tác động đến CPI.
Các đánh giá của đại biểu Quốc hội cũng đồng nhất với nhận định trong báo cáo của Chính phủ. Theo báo cáo, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề. Về tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Chính phủ sẽ theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời.
Trong 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới, phát triển bền vững cũng được đề cập cụ thể. Theo đó, Chính phủ kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.