Chưa có tiền lệ
Trong số các cơ chế đặc thù áp dụng cho Dự án thành phần 1B, thuộc Dự án xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, Vành đai 3, TP.HCM (Dự án thành phần 1B) vừa được Bộ GTVT kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đáng chú ý nhất là đề xuất bảo lãnh rủi ro cho nhà đầu tư.
Cụ thể, để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đối với dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận áp dụng cơ chế bảo lãnh rủi ro doanh thu cho dự án (mức bảo lãnh doanh thu khi số thu thực tế <80% thì bù đủ 80%) theo hai cách.
. |
Cách một, Chính phủ sẽ hình thành Quỹ dự phòng tài chính để khi doanh thu giảm không như dự báo trong phương án tài chính thì sẽ dùng khoản này để bù cho doanh nghiệp dự án trả các khoản nợ; khi doanh thu tăng sẽ trích phần tăng để trả lại quỹ.
Cách hai, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ lựa chọn một tổ chức tài chính có uy tín (thông qua một ngân hàng thương mại) cung cấp bảo lãnh thanh toán cho bên ngân hàng cho vay để thanh toán cho doanh nghiệp dự án khi doanh thu giảm. Chính phủ sẽ chịu một khoản phí bảo lãnh cho tổ chức bảo lãnh. Điều đáng nói là, trường hợp bảo lãnh thanh toán kích hoạt thì sẽ thành khoản nợ mà Chính phủ Việt Nam phải hoàn trả.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, với tính toán lưu lượng đã được đơn vị tư vấn rà soát kỹ, thì khả năng doanh thu giảm không như dự báo là khó xảy ra và nếu có, giá trị sẽ không lớn.
Ngoài bảo lãnh doanh thu, Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị Chính phủ chấp thuận bảo đảm về rủi ro chuyển đổi ngoại tệ (không bao gồm bảo lãnh rủi ro tỷ giá) do thực tế thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn nước ngoài hiện nay, các nhà đầu tư gặp khó khăn khi chuyển đổi lợi nhuận từ tiền Việt (thông qua thu phí và kinh doanh) sang USD hoặc các đồng tiền khác, dẫn đến không đủ nguồn chuyển đổi hoặc có vướng mắc về thủ tục theo quy định của Việt Nam.
“Việc xác định cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ thanh toán các khoản nợ và chuyển lợi nhuận của nhà đầu tư ra nước ngoài để không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp dự án, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong quá trình khai thác”, lãnh đạo Bộ GTVT giải thích.
Được biết, trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT sẽ quy định chi tiết trong dự thảo hợp đồng BOT đính kèm hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.
“Trong bối cảnh rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư công trung hạn như hiện nay, việc áp dụng các đề xuất của Bộ GTVT dù chưa từng có tiền lệ để tăng sức hấp dẫn cho Dự án là hợp lý”, một chuyên gia đánh giá.
Lo ngại rủi ro
Dự án thành phần 1B là một trong những công trình PPP hạ tầng hiếm hoi tiến hành tuyển chọn nhà đầu tư qua đấu thầu. Tuy nhiên, sau 2 tháng kể từ khi phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, tại thời điểm đóng thầu lúc 9 giờ ngày 20/5/2016, không có bất kỳ nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý Dự án PPP (Bộ GTVT)
Trong 2 đợt bán hồ sơ mời sơ tuyển (bao gồm cả lần gia hạn cuối tháng 4), đơn vị đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP Cửu Long) đã bán được tổng cộng 6 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc và Việt Nam.
Kết quả này là điều khá bất ngờ đối với chính CIMP Cửu Long, bởi Dự án thành phần 1B luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư do đây là tuyến đường cửa ngõ huyết mạch, có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn của cả Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Trong khi đó, quy mô tổng mức đầu tư Dự án khoảng 4.000 tỷ đồng cũng không phải là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư.
Theo Bộ GTVT, các nhà đầu tư đều trả lời không tham gia vì quá nhiều rủi ro và cơ chế chưa phù hợp thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cảm thấy thất vọng khi hồ sơ mời sơ tuyển không có điều khoản cho phép bảo lãnh trong trường hợp chấm dứt hợp đồng sớm và rủi ro thay đổi tỷ giá, nhất là khi dự án được thực hiện bởi cả đồng nội tệ và ngoại tệ.
Đây là lý do khiến Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét chấp thuận áp dụng thí điểm các cơ chế chia sẻ rủi ro (không áp dụng rộng rãi) như đề xuất. Sau khi thực hiện thành công dự án thí điểm, giao các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu đánh giá tác động cụ thể của các cơ chế chính sách, từ đó hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để triển khai đầu tư các dự án PPP.
“Trường hợp không áp dụng các cơ chế thí điểm như trên, Chính phủ xem xét chấp thuận một gói tín dụng cho đầu tư hạ tầng hoặc Chính phủ trực tiếp vay, đầu tư và sau đó nhượng quyền thu phí (mô hình BLT). Đây cũng chính là mấu chốt thực hiện thành công các dự án PPP, trong đó có Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.