Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về Đại hội Tim mạch lần thứ 18 do Hội Tim Mạch học Việt Nam tổ chức ngày 5/10 tại Hà Nội.
Số người chết vì bệnh tim mạch cao hơn nhiều so với tổng số người chết vì ung thư, phổi tắc nghẽ mãn tính (COPD) và đái tháo đường cộng lại. |
Tại buổi họp báo, GS.TS.TTND. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, hiện nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Trong 30 năm qua, mô hình bệnh tật nói chung của Việt Nam đã thay đổi, các bệnh không lây nhiễm đang có khuynh hướng tăng lên như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và rối loạn tâm thần, trong khi các bệnh lây nhiễm đang có xu hướng giảm xuống.
Nếu như trước đây, ở các nước có thời tiết nóng ẩm nhiệt đới và nghèo hay có các trường hợp bệnh thấp tim là do thấp khớp sau đó biến chứng vào van tim thì hiện nay các ca bệnh này tại Việt Nam đã được giảm đi một cách rõ rệt.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong khi các bệnh van tim giảm đi thì các bệnh liên quan đến tim mạch của Việt Nam như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành hay nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cũng tăng.
GS. Nguyễn Lân Việt đã chỉ ra một phần nguyên nhân của tình trạng này là dinh dưỡng của bữa ăn chưa được chú ý, chúng ta thấy rằng, thực tế đời sống của nhân dân đã tăng lên, trẻ em ra đời được chăm sóc kỹ càng nên tỷ lệ trẻ béo phì cũng tăng lên.
Thói quen hút thuốc lá, rượu bia tùy tiện cũng là nguyên nhân gây ra xơ vữa động mạch. Một phần nguyên nhân khác là đã từ rất lâu, người dân ăn tinh bột nhiều quá tạo điều kiện tăng triglycerides trong máu sẽ làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Ngoài ra, nguyên nhân ít được nhắc đến nhưng xã hội phát triển thì những yếu tố sang chấn sang tâm lý, stress tăng lên.
Dù rất hiểm nguy, song theo chuyên gia, hiện người dân vẫn chủ quan với bệnh tim mạch và các bệnh liên quan, vì không gây ra đau đớn, vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường nên không được quan tâm đúng mức.
Trong số các bệnh lý không lây nhiễm thì tăng huyết áp là một mối lo lớn. Bệnh không chỉ xảy ra ở người già mà cả người trẻ. Theo điều tra của Viện, ở một số vùng, có tới 25% người dân mắc bệnh tăng huyết áp, nhưng cá biệt có một số vùng tăng đến 47%.
Tức là cứ có khoảng 4 người lớn, thì có 1 người tăng huyết áp như vậy là quá nhiều trong xã hội và từ tăng huyết áp gây ra rất nhiều biến chứng khác.
Trong số những người mắc huyết áp, tim mạch thì có tới 50% người không biết mình bị bệnh, 1/3 trong số người mắc bệnh không được điều trị và một nửa những người tăng huyết áp được điều trị không đạt huyết áp mục tiêu tức là dưới 140/90 mmHg.
Bổ sung vấn đề này, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, năm 2019 có gần 19 triệu ca tử vong thì 76% ca do bệnh không lây nhiễm, trong đó nguyên nhân tử vong hàng đầu là bệnh tim mạch - cao hơn 3 nguyên nhân còn lại là ung thư (1 triệu người), phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD - gần 2 triệu người), đái tháo đường (gần 3,3 triệu người).
Trong số ca chết vì bệnh tim mạch chủ yếu do bệnh động mạch vành, gây ra cái chết cho 9 triệu người. Điều đó cho thấy người chết do bệnh tim mạnh nhanh và nhiều hơn rất nhiều so với bệnh ung thư.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều người dân thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Vì vậy, bên cạnh bác sĩ điều trị thì truyền thông cùng với ý thức người dân có vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh không lây nhiễm và các bệnh tim mạch.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu mỗi người không kiểm soát các yếu tố gây bệnh lý tim mạch sớm và hệ lụy để lại rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng bản thân người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Ngoài ra, nhóm bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện và điều trị sớm trong những năm đầu sau sinh cũng chiếm tỉ lệ bệnh lý tim mạch không nhỏ ở người trẻ.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, số bệnh nhân mắc bệnh này đang có xu hướng ngày càng tăng.
Đáng lo hơn, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều người mắc bệnh khi đang còn trong độ tuổi lao động.