Thời sự
Tin đồn, tin thật và vai trò của báo chí
Hồ Quốc Tuấn - 21/06/2022 14:07
Sau vụ việc trái phiếu Tân Hoàng Minh, hành động thao túng giá cổ phiếu của FLC, tin đồn về những vụ bắt các lãnh đạo công ty niêm yết, lãnh đạo ngành chứng khoán lan khắp mạng xã hội.
Từ tin đồn đến tin thật là một khoảng cách rất lớn, nên không thể thiếu vai trò của các cơ quan báo chí chính thống để kiểm chứng tin đồn đó

1.

Một người quen gửi cho tôi đường dẫn tới trang mạng xã hội của một nhóm “tư vấn” mua bán cổ phiếu. Truy cập theo đường link để vào nhóm này, tôi thấy người ta đồn đủ thứ, như việc lãnh đạo các công ty niêm yết, lãnh đạo bộ, ngành có thể bị bắt. Trong số đó, có cả tin đồn về những người thuộc ban điều hành của một ngân hàng thương mại sẽ bị bắt vì “đầu tư trái phiếu”. Vốn quan hệ thân thiết với ngân hàng này, tôi biết được, ngân hàng không giữ loại trái phiếu nào như vậy.

Tin đồn là một phần của thị trường. Nhiều trang tin chuyên biệt về lĩnh vực tài chính ở nước ngoài khá đắt đỏ mà tôi đăng ký có hẳn mục “Tin đồn thị trường”, thu thập đủ loại thông tin đồn đoán về mua bán - sáp nhập, lợi nhuận, dự án... từ đủ nguồn. Một số tin đồn trong đó đã từng thành sự thật, còn lại đa số toàn là... “tin vịt”. Mục “Tin đồn thị trường” chủ yếu dành cho nhà đầu tư và chuyên gia phân tích có kinh nghiệm, để họ biết rằng, có câu chuyện đồn đoán như vậy và họ cần đi kiểm chứng.

Có thể thấy, từ tin đồn đến tin thật là một khoảng cách rất lớn, nên không thể thiếu vai trò của các cơ quan báo chí để kiểm chứng lại tin đồn đó, đăng tin/bài phân tích và giải thích cho đúng.

Vì lẽ đó, vai trò của báo chí ngày một quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều người đầu tư với tâm thế “không tin báo chí”, “chỉ tin vào tin đồn”. Báo chí phải đóng vai trò quan trọng hơn là một cơ quan chỉ thông tin lại những tin đúng và bác bỏ tin đồn. Không những vậy, báo chí còn phải đi trước làm truyền thông chính sách, giải thích rõ bản chất câu chuyện/vấn đề, tránh việc người ta đồn những chuyện vô lý như ngân hàng lấy hết vốn đi mua trái phiếu doanh nghiệp rồi đang thua lỗ nặng mà cũng có người tin.

2.

Sự phát triển của mạng xã hội mang đến mặt tích cực về kết nối con người, chia sẻ thông tin, nhưng mặt trái của nó là khuếch đại tin đồn, tin giả, tin “một nửa sự thật”. Mạng xã hội tạo ra một môi trường vô cùng phức tạp, song cũng rất hấp dẫn người dùng vì những câu chuyện ly kỳ, “thêm mắm, dặm muối” trên đó. Nó khiến các kênh truyền thông chính thống mất dần tính hấp dẫn với người dân và mở ra một môi trường mà người ta sẵn sàng ra quyết định dựa trên tin đồn thay vì tin thật.

Thực tế hiện nay đặt ra sứ mệnh cũng như thách thức rất lớn cho báo chí truyền thống là phải làm sao đưa được những phân tích thời sự, đúng lúc, nhưng phải chuyên sâu và tạo uy tín với người đọc.

Trong một nghiên cứu của Olivier Coibion, Yuriy Gorodnichenko và Michael Weber đăng tải trên trang web của Phòng Nghiên cứu quốc gia về kinh tế (NBER) - một tổ chức phi lợi nhuận uy tín chuyên tập hợp những nghiên cứu của các nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ, các tác giả chỉ ra rằng, theo mẫu dữ liệu của họ, thì người dân tin vào mạng xã hội và tin tức từ bạn bè, người trong gia đình (cho dù những người đó không phải chuyên gia và không hiểu gì về lĩnh vực kinh tế) hơn là các trang tin chuyên môn truyền thống. Người ta tin vào một tờ báo như USA Today hơn là Wall Street Journal!

Thực tế hiện nay đặt ra sứ mệnh cũng như thách thức rất lớn cho báo chí truyền thống là phải làm sao đưa được những phân tích thời sự, đúng lúc, nhưng phải chuyên sâu và tạo uy tín với người đọc. Những định kiến như “báo chí viết sai”, “không thể tin truyền thông” cần phải bị hạn chế và một trong những giải pháp là phải đảm bảo tính chính xác, kịp thời và có chiều sâu của thông tin.

Những tờ báo như New York Times, Economist hay Wall Street Journal có thể giữ người đọc là vì họ có những bài bình luận sắc sảo, có chiều sâu và đáng tin cậy để đối trọng lại với những tin đồn. Họ không đưa tin bác bỏ một tin đồn, để rồi chỉ một hôm sau, tin đồn đó trở thành tin thật. Thế nhưng, trong một thế giới ngày càng phức tạp như hiện nay, ngay cả những tờ báo uy tín này cũng đang đánh mất đi một bộ phận người đọc chỉ tin vào những câu chuyện “huyền thoại” hấp dẫn từ cộng đồng xung quanh họ. 

Đây là điều các cơ quan báo chí cần nhận ra và nỗ lực hơn nữa để trở thành một đối trọng với những tin đồn, tin giả. Chính phủ cũng cần nhận ra điều đó để đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác với cơ quan báo chí - truyền thông, chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đưa ra các chiến lược truyền thông chính sách phù hợp để giúp báo chí giữ được uy tín của mình về độ tin cậy và xác thực của thông tin. Có như vậy, xã hội nói chung và thị trường tài chính, đầu tư nói riêng mới có thể ít méo mó, không vận hành trên những niềm tin vào các câu chuyện hoang đường.

Tin liên quan
Tin khác