Chuyển động thị trường
"Tin dữ" cho khách hàng mong vay từ gói 30.000 tỷ đồng
Thuỳ Vinh - 28/03/2016 14:15
Mặc dù NHNN đã chính thức đề nghị Chính phủ gia hạn gói 30.000 tỷ đồng, nhưng nhiều khách hàng vừa đón nhận tin vui đã “vội buồn” vì các “thông báo lạnh lùng” mà họ nhận được ngay sau đó.
Đến nay, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 29.000 tỷ đồng, đạt 99%. Ảnh: Lê Toàn

Theo ghi nhận trên thị trường, hiện một số ngân hàng vừa có thông báo đến khách hàng về việc sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận sau ngày 1/6 nếu chưa có quyết định chính thức về việc gia hạn gói ưu đãi từ NHNN. 

Các ngân hàng có lý do để đưa ra thông báo này, đầu tiên là do chưa có quyết định chính thức thì còn có lý do quan trọng hơn là gói cho vay này khả năng sẽ… hết tiền vào thời điểm 1/6.

Theo thông tin vừa được Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016 diễn ra cuối tuần qua,  NHNN đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng.

Cùng tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ đã có văn bản gửi NHNN và Chính phủ đề xuất kéo dài gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho đến khi thực hiện hết hạn mức này và Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản thống nhất. Dự kiến, hết năm nay sẽ giải ngân xong gói 30.000 tỷ đồng.

Theo Thống đốc, đến nay đã ký kết hợp đồng tín dụng với số tiền là 29.600 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 21.000 tỷ đồng. Như vậy, giá trị đã ký kết hợp đồng đạt 99%, số giải ngân đạt 70% .

Điều này có nghĩa, trong gần 3 tháng còn lại (đến 1/6),  khả năng số vốn chưa giải ngân khoảng 9.000 tỷ đồng cũng khó khả năng còn tồn.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, nhiều chủ đầu tư đang “tăng tốc” thi công với tiến độ 5 ngày/tầng để chạy đua với mốc thời gian 1/6, giúp khách hàng được giải ngân trọn vẹn gói vay trước giờ G. 

Không nên gia hạn?

Trên thực tế, gói 30.000 tỷ đồng là gói tín dụng có ý nghĩa xã hội rất lớn, tuy nhiên do lần đầu tiên triển khai, nên có một số bất cập. Hai cơ quan có liên quan là NHNN và Bộ Xây dựng không ít lần phải ngồi với nhau tìm biện pháp tháo gỡ. Đây có thể là một lý do quan trọng mà NHNN muốn khoanh lại gói vay này.

Theo TS. Trần Du Lịch, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, tiếp tục thực hiện chương trình giải ngân gói 30.000 tỷ đồng là đúng, nhưng cần xem lại đối tượng “thu nhập nhấp”.

Theo TS Lịch, Nhà nước cần hướng đến việc xây dựng nhà ở xã hội để cho người thu nhập thấp thuê hơn là hỗ trợ cho mua nhà, để tránh việc lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng và hỗ trợ không đúng đối tượng. Còn đối tượng đã được vay, trong hạn mức được vay, chưa giải ngân hết nên giải ngân tiếp và lãi suất nên duy trì mức ưu đãi như ban đầu. Vì trước đây, với lãi suất 5%/năm, khách hàng mới dám vay gói 30.000 tỷ đồng mua nhà, nếu giờ thay đổi giữa chừng thì khác nào làm khó người dân.

Ông Lịch cũng chỉ ra bất cập của gói 30.000 tỷ đồng, đó là việc thế chấp hai lần tài sản được hình thành trong tương lai. Cụ thể, khi triển khai dự án, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thế chấp dự án cho ngân hàng, thì không thể để cho người dân thế chấp tiếp vay vốn.

Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế, gói 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức hơn 5%. Chính phủ chỉ đạo NHNN thông qua gói hỗ trợ kích cầu trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp, nhằm khơi thông “cục máu đông” trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế, sau một thời gian triển khai, không chỉ người thu nhập thấp, mua nhà ở xã hội được hưởng lãi suất ưu đãi 5%/năm, mà nhiều đối tượng, kể cả mua nhà ở thương mại cũng được vay gói vốn này.

Vì thế, nếu gia hạn, theo các chuyên gia, cần xem xét đối tượng, cũng như phân khúc căn hộ khách hàng được vay mua gói 30.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi.

Tin liên quan
Tin khác