Chuyển động thị trường
Người vay gói 30.000 tỷ đồng "bỗng dưng muốn khóc", vì đâu?
Thuỳ Vinh - 14/03/2016 14:07
Hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng lượng tiền giải ngân của không ít khách hàng vay gói ưu đãi lãi suất mua nhà 30.000 tỷ đồng khó kịp trước thời hạn kết thúc vào ngày 1/6 và người vay sẽ phải chịu lãi vay theo thỏa thuận thương mại.

Phần dư nợ vay giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ áp dụng lãi suất vay thương mại thông thường

Quy định này đã được NHNN đưa ra, trong khi không ít khách hàng cho biết, ngân hàng đã không tư vấn rõ ràng cho người vay! 

Ngỡ ngàng!

Theo hướng dẫn tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN về các thủ tục cho vay gói 30.000 tỷ đồng và hợp đồng tín dụng của các ngân hàng thương mại ký kết với khách hàng, có quy định chung những khoản tiền giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi lãi suất 5%/năm và phải chịu lãi suất thương mại.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định, điều này đã được quy định rõ kể từ khi gói 30.000 tỷ đồng được triển khai và cho biết, phần dư nợ vay được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước sẽ được áp dụng lãi suất vay vốn ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng, phần dư nợ vay giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ áp dụng lãi suất vay thương mại thông thường do khách hàng và ngân hàng cho vay tự thỏa thuận.

Mặc dù quy định NHNN đưa ra đã rõ ràng, song không ít khách hàng vay vốn ngỡ ngàng với thông tin này. Ông Nguyễn Văn Nên (Quận Bình Thạnh, TP. HCM) cho biết, ông đang phải chạy đôn chạy đáo nhờ chủ đầu tư đốc thúc phía ngân hàng giải ngân phần vốn còn lại, với kỳ vọng có tiền trả chủ đầu tư trước ngày 1/6 để được hưởng lãi suất ưu đãi.

Theo ông Nên, khoảng giữa năm 2015, ông có mua một căn hộ chung cư ở quận Thủ Đức cho con trai, với tổng giá trị 1 tỷ đồng. Do không có điều kiện để trả cùng lúc nên được chủ đầu tư tư vấn vay gói 30.000 tỷ đồng của ngân hàng.

Tiếp cận phía ngân hàng, nhờ đáp ứng đủ các điều kiện nên hợp đồng tín dụng đã được ký kết vào tháng 9/2015, với số tiền vay 600 triệu đồng trong 15 năm, nhưng mới giải ngân được hơn 250 triệu đồng.

Do theo hợp đồng, căn hộ sẽ được chủ đầu tư giao vào đầu năm 2017 nên tiền ngân hàng cũng sẽ được giải ngân theo tiến độ. Điều đáng nói là khi vay, ông Nên không được nhân viên tín dụng ngân hàng nói rõ sau thời hạn 1/6/2016, lãi suất vay phải theo thỏa thuận và áp dụng mức thương mại, thay vì mức ưu đãi 5%/năm.

Đến nay, ông lo lắng vì khoản vay 400 triệu đồng còn lại sẽ phải chịu mức lãi suất thương mại khá cao. Hiện lãi suất cho vay mua nhà được các nhà băng áp dụng bình quân 10-11%/năm. Mức 8-9%/năm chỉ là ưu đãi trong thời gian đầu 3-6 tháng. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục trả lãi suất thương mại, ông Nên khó có tiền trả tiếp các đợt sau.

Anh Trần Minh H, một khách hàng của TPBank cũng cho hay, anh đã ký hợp đồng tín dụng vay gói 30.000 tỷ đồng mua căn hộ Flora của chủ đầu tư Nam Long vào cuối tháng 7/2015, với tổng số tiền 400 triệu đồng, nhưng đến nay, TPBank mới giải ngân được khoảng 200 triệu đồng theo tiến độ xây dựng của chủ đầu tư. Do đó, anh H tỏ ra lo ngại cho khoản tiền còn lại phải chịu lãi vay thương mại cao. 

Biết trách ai?

Cứ tưởng đã ký hợp đồng tín dụng là yên tâm hưởng lãi suất 5%/năm cố định trong 15 năm, đến khi thời hạn giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng sắp kết thúc và khách hàng phải chịu mức lãi suất thương mại thì nhiều người vay mới tá hỏa, song không biết phải trách ai. Bởi hợp đồng tín dụng đã ký trên nguyên tắc thỏa thuận giữa bên cho vay - người vay.

Gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ đồng bắt đầu triển khai từ tháng 6/2013. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 31/12/2015, tổng số tiền đã cam kết là 26.999 tỷ đồng (đạt 90%), đã giải ngân là 17.711 tỷ đồng (đạt 59%).

Khi gói 30.000 tỷ đồng tăng tốc để về đích cũng là lúc một số ngân hàng ra thông báo về việc áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016. Lúc này, nhiều khách hàng mới hoảng hốt vì cứ tưởng lãi suất ưu đãi sẽ được hưởng trong suốt thời gian vay.

Hiện tại, một số dự án, chủ đầu tư đang có động thái gọi khách hàng và tư vấn ký phụ lục đẩy nhanh tiến độ thanh toán lên trước thời hạn kết thúc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy định, chủ đầu tư chỉ được phép huy động không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng; trường hợp bên bán, bên cho thuê mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng. Như vậy, nếu không bàn giao được nhà trước ngày 1/6 thì 30% khoản vay còn lại không thể hưởng lãi suất ưu đãi.

Theo đại diện NHNN, về dư nợ gói vốn trên đến thời hạn 1/6, NHNN sẽ chỉ căn cứ vào số giải ngân chứ không căn cứ vào số đăng ký. Tức là khi gói vay hết hạn, dù người dân đã đăng ký vay, nhưng không kịp giải ngân thì vẫn không được vay gói 30.000 tỷ đồng. Sau khi gói này hết hạn, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi đối với nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ.

Các luật sư cho rằng, chính sách hỗ trợ gói 30.000 tỷ đã rõ ràng ngay từ đầu. Các chủ đầu tư phải biết rõ, nhưng thông tin đã bị đánh lận mập mờ, khiến người mua nhà không hiểu một cách tường tận. Chẳng hạn, trong hợp đồng tín dụng vay 30.000 tỷ đồng của một số ngân hàng, tại điều khoản về lãi suất chỉ ghi chung chung: Mức lãi suất và phương thức điều chỉnh lãi suất đối với các khoản giải ngân trong khoảng thời gian được giải ngân để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của NHNN thì thả nổi theo thông báo của NHNN về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, theo Thông tư 11 và Thông tư 32 của NHNN (áp dụng không vượt quá thời điểm 1/6/2031).

Chính điều này khiến không ít khách hàng nhầm tưởng hợp đồng tín dụng được ký sẽ được hưởng mức lãi suất 5% cho dù giải ngân thời hạn nào.

Trong khi đó, khảo sát của ĐTCK tại một số ngân hàng có tham gia giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng cho thấy, sau gần 3 năm triển khai, tiến độ cho vay vẫn chậm. Đáng chú ý, một số NHTMCP tham gia giải ngân gói vốn trên cho hay, rất khó để giải ngân được vốn của gói này, bởi còn nhiều thủ tục vướng mắc. Điển hình như yêu cầu thu nhập 9 triệu đồng/tháng/khách hàng; mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tái cấp vốn 1,5%/năm là khá thấp, không đảm bảo chi phí hoạt động cho vay của ngân hàng. Trong khi, chi phí dự phòng chung, chi phí liên quan đến cho vay, theo dõi khoản vay,…lại đội lên rất lớn nên không đủ bù cho chi phí;...

Tin liên quan
Tin khác