Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng cho bất động sản và chứng khoán là hai lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, tín dụng bất động sản tăng 0,23% và tín dụng chứng khoán tăng 2,56% so với cuối năm 2023.
Trong báo cáo mới được công bố, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của NHNN cũng cho biết, tính đến 29/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,114 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20.700 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 1,86%).
Tín dụng bất động sản tăng trong quý đầu năm 2024 |
Trước đó, NHNN cho biết, dư nợ bất động sản đến cuối năm 2023 khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó vay kinh doanh bất động sản khoảng 1,09 triệu tỷ đồng; vay tiêu dùng, tự sử dụng trong lĩnh vực bất động sản 1,79 triệu tỷ đồng. So sánh 2 dữ liệu trên, trong 2 tháng đầu năm, riêng cho vay kinh doanh bất động sản đã tăng dư nợ thêm ước khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cao hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Theo số liệu của NHNN đưa ra, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 2/2024 đạt 13.467.585 tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2023, tương ứng mức thu hẹp gần 101.393 tỷ đồng. Nhưng đến tín dụng tăng trưởng dương trở lại trong tháng 3/2024, lũy kế đến gần cuối tháng 3/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 1,4%.
Thực tế cũng cho thấy, kết thúc quý I/2024, cho vay bất động sản vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng bất chấp thị trường còn nhiều khó khăn. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2024, tín dụng Techcombank tăng 6,4% lên 563,9 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng hơn 17.000 tỷ đồng, lên hơn 194.000 tỷ đồng. Đây cũng là mảng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này, tương đương 35,98%. Ngoài Techcombank, bất động sản cũng góp phần không nhỏ trong tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng khác.
Còn tại MSB, lĩnh vực cho vay bất động sản và cơ sở hạ tầng tăng từ 8,83% ở cuối quý IV/2023 lên 13,42% vào cuối quý I/2024, tương đương khoảng hơn 7.792 tỷ đồng. Trong khi đó, tại SHB, kinh doanh bất động sản cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, chiếm 16,65%.
Cho vay kinh doanh bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong dư nợ tín dụng của VPBank tính đến hết quý I/2024, với mức tăng từ 19,53% cuối quý IV/2023 lên 20,25% trong quý I/2024.
Nhưng không chỉ lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhiều ngân hàng cũng mạnh tay trong cho vay bất động sản tiêu dùng. Cut thể, VPBank cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở cũng chiếm tới 16,88% trong tăng trưởng tín dụng quý I/2024.
Tương tự, tại Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng giám đốc cũng cho vay, hiện dư nợ bất động sản khoảng 100.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ cho vay nhưng phần lớn là cho vay bất động sản cá nhân. Còn dư nợ cho vay bất động sản dự án của ngân hàng này chỉ có 9.000 tỷ đồng.
Về phía nhà điều hành, NHNN cũng đã có nhiều chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ tín dụng bất động sản, cho vay tiêu dùng (trong đó có cho vay bất động sản với khách hàng cá nhân), tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.