Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trực tiếp vốn vay cho bà con tại điểm giao dịch xã. |
Nhìn lại việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, điều mà Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng tâm đắc nhất chính là những hiệu ứng từ việc Ngân hàng tiếp tục chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu Đảng, Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện cơ chế chính sách, góp phần đưa nguồn vốn tín dụng ngày càng thâm nhập sâu rộng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống.
Khi chính sách chứa “tiếng lòng” của đời sống
Ông Hà Xao Xuyến, 62 tuổi, dân tộc Mường ở thôn Nhội, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ chia sẻ, trước đây, vợ chồng ông và 5 đứa con chỉ có 7 sào ruộng, lại ở vùng đất thường xuyên đối mặt với mưa lũ, nên dù chăm chỉ cấy hái, thậm chí tận dụng thêm khe suối, chân núi để dặm thêm lúa, nhưng một năm chỉ đủ ăn 9 tháng, 3 tháng còn lại đói nhiều, no ít vì phụ thuộc vào việc lên rừng tìm bương tre đi bán.
Những năm trước, tổ tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể đã nhiều lần đến vận động gia đình ông Xuyến vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển kinh tế, nhưng vợ ông lo ngại không dám vay. Mãi đến năm 2010, khi con cái đã dần trưởng thành, ông mới quyết tâm vay vốn hộ nghèo 30 triệu đồng mua cặp trâu sinh sản. 5 năm sau, ông bán bớt trâu trả nợ ngân hàng, xây được căn nhà nhỏ, nhưng kiên cố để che mưa nắng, bước ra khỏi cái nghèo đã vây bám quá nửa đời người.
Năm 2015, một lần nữa, ông Xuyến vay thêm 30 triệu đồng vốn cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để nuôi thêm trâu, trồng gần 1 ha chè. Mới đây, ông đầu tư 30 hộp ong nuôi và đã thu lần đầu được 40 lít mật. Cùng với đó là 4 con trâu và gần 1 ha chè đã đưa vào khai thác với sản lượng khoảng 8 tấn/năm.
Những dòng vốn nhỏ dần thẩm thấu trong đời sống, thậm chí lan tỏa ảnh hưởng ra cộng đồng như gia đình ông Xuyến đang từng bước đẩy lùi những khó khăn của huyện nghèo Tân Sơn (Phú Thọ) vốn thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, 6/17 xã và 99/195 khu dân cư đặc biệt khó khăn, dân số 81.700 người (20.772 hộ), trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 82,3%, chủ yếu là các dân tộc Mường, Dao, Mông.
Được biết, tổng doanh số cho vay trên địa bàn huyện Tân Sơn đạt hơn 304 tỷ đồng, với 9.102 lượt khách hàng vay. Nguồn vốn tín dụng chính sách từ năm 2016 đến nay đã hỗ trợ gần 2.000 hộ dân thoát nghèo, xóa được trên 240 căn nhà tạm, giúp trên 300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, gần 1.300 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, trên 500 lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số được vay vốn đi xuất khẩu lao động..., góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 26,38% năm 2016 xuống còn 17,6% đến năm 2018.
Những thông số giảm nghèo hiệu quả trên đã góp phần đưa Tân Sơn thoát ra khỏi 61 huyện nghèo cả nước năm 2018 và đã có 1 xã cán đích nông thôn mới.
Cần nguồn lực đủ mạnh để tối ưu hóa chính sách
Để thực hiện tốt hơn nữa chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội mong muốn các địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đề nghị các bộ, ngành cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã phê duyệt cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng với nhiều địa phương, Ngân hàng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, phải tính toán bố trí đủ nguồn lực, đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình.
Đồng thời, báo cáo Trung ương cho phép tăng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội phù hợp với tỷ lệ tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao, nhằm đáp ứng nguồn lực thực hiện chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay dài.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội bố trí, quy định một nguồn vốn riêng trích từ nguồn ngân sách Trung ương cho Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trong đó có khoản mục dành riêng quy định về nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
“Các chính sách đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác được xây dựng theo hướng tách bạch đối tượng thụ hưởng, giảm cho không đến cá nhân và tăng mức đầu tư, hỗ trợ qua tín dụng; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp với yêu cầu thực tiễn”, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng đề xuất.