Ngân hàng
Tín dụng chính sách giúp người nghèo làm giàu
Thanh Phương - 30/12/2017 19:25
Những khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hàng triệu hộ nghèo có điều kiện đầu tư sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và cho quê hương.

Làm giàu cho bản thân

Từng là hộ nghèo ở phường 5 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), gia đình chị Lý Thị Bích là điển hình của vay vốn thoát nghèo. Cách đây chục năm, hàng xóm không khỏi ái ngại với cảnh làm thuê cực nhọc của vợ chồng chị. Năm 2005, vợ chồng chị được Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Vũng Tàu cho vay ưu đãi chương trình vay hộ nghèo, vay giải quyết việc làm để làm ăn. Với mười mấy triệu trong tay, chị Bích mua cá nhỏ về phơi rồi bán lại. Dần dà, tích cóp được số vốn nhiều hơn, chị chủ động thu mua cá, chế biến, sau đó làm ăn lớn.

Chị Lý Thị Bích (áo đỏ) đã thoát nghèo, làm giàu nhờ nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo.

Từ thu nhập ban đầu chỉ vài triệu đồng, đến nay, gia đình chị Bích có thu nhập chừng 100 triệu đồng/tháng. Gia đình chị đang sở hữu 3 chiếc ghe lớn với tổng số tiền 7 tỷ đồng. Từ việc chỉ buôn bán quẩn quanh, nay chị Bích ký hợp đồng cung ứng hải sản tôm khô, cá khô với một số đầu mối ở Nha Trang, Khánh Hòa.

Gia đình chị Phạm Thị Thọ ở thôn 4A (xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) cũng là một điển hình về thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách. Với 3 con nhỏ, gia đình chị từng trải qua những ngày nghèo khó. Năm 2008, con trai lớn của chị thi đỗ Trường Cao đẳng Kinh tế, vì gia cảnh khó khăn, có lúc tưởng như phải bỏ cuộc. Nhưng nhờ chính sách cho học sinh, sinh viên vay vốn, gia đình chị được vay 22 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để con đến trường.

Năm 2010, chồng mất, chị Thọ làm ngày, làm đêm để nuôi con, nhưng cái nghèo vẫn quấn thân. Cho đến khi được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, chị đã mua đôi bò giống, 5 con lợn nái và hơn chục con gà. Ngay từ năm đầu tiên đã có lãi 16 triệu đồng, chị Thọ mở rộng khu chăn nuôi, mua thêm con giống, kinh tế gia đình được cải thiện. Rồi con thứ hai, con thứ 3 đều thi đỗ cao đẳng, đại học, chị lại được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn học sinh, sinh viên để các con chị đều được đi học.

Để thoát nghèo bền vững, chị mở rộng thêm kinh doanh chè khô. Với khoản vay ưu đãi 50 triệu đồng dành cho hộ mới thoát nghèo và một phần vốn tích lũy, chị Thọ mạnh dạn đầu tư, mở cửa hàng kinh doanh chè khô, với thương hiệu chè Đông Sơn. Đến nay, thương hiệu chè Đông Sơn đã lan rộng ra thị trường các tỉnh lân cận.

4,5 triệu hộ thoát nghèo

Trong 15 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã có 4,5 triệu hộ nghèo như gia đình chị Bích, chị Thọ thoát nghèo, làm giàu nhờ nguồn vốn chính sách. Nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã đến với 100% số xã, phường, thị trấn trong cả nước, chủ yếu tập trung cho các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp cho 82.892 lượt hộ nghèo của tỉnh thoát nghèo. Việc Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức giao dịch tại xã có ý nghĩa to lớn trong việc đưa nguồn vốn ưu đãi lan tỏa.

Được biết, hiện toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 82 điểm giao dịch xã. Đó là mô hình thu nhỏ của phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, là nơi để người dân được tiếp cận các dịch vụ, các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng. Tại điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng, các quy trình thủ tục, dư nợ của hộ vay được niêm yết công khai, người vay giao dịch trực tiếp với Ngân hàng vào ngày cố định hàng tháng để trả nợ, trả lãi và gửi tiền tiết kiệm... thuận lợi.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguồn vốn ưu đãi đã giúp người dân đầu tư phát triển, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 17 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Việc tổ chức giao dịch tại xã của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân. Mô hình tổ chức và hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn đã hỗ trợ hiệu quả cho từng hộ nghèo.

Sau 15 năm hoạt động, tổng doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với chương trình hộ nghèo đạt 156.779 tỷ đồng, tăng gấp 11,4 lần doanh số cho vay giai đoạn 1995 - 2002, chiếm 36,19% doanh số cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng quản lý.

Tổng cộng đã có 14,5 triệu lượt hộ được vay vốn, với mức dư nợ bình quân mỗi hộ được nâng từ 2,5 triệu đồng/hộ (năm 2002) lên 26,3 triệu đồng/hộ (năm 2017).

Tin liên quan
Tin khác