Ngân hàng
Tín dụng chính sách: Kênh chủ lực giảm nghèo bền vững
B.T - 19/08/2020 20:35
Trong 5 năm (2015 - 2020), những đột phá về chất đã đưa tín dụng chính sách xã hội trở thành một kênh chủ lực góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững.
Cần tăng cường nguồn lực địa phương hỗ trợ người lao động và đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Từ đổi mới phương thức lãnh đạo

Trong bối cảnh chuẩn hộ nghèo thành phố cao hơn mức bình quân chung của cả nước, nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân sách trung ương không thể bao phủ hết, Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội trong 5 năm 2015 - 2020 là 2.927 tỷ đồng, trong đó, ngân sách TP. Hà Nội chuyển bổ sung 2.562 tỷ đồng và ngân sách cấp huyện chuyển bổ sung 365 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác tín dụng luôn đạt mức tăng trưởng cao. Đến ngày 31/7/2020, tổng nguồn vốn huy động và quản lý tại Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội là 9.298 tỷ đồng, tăng 4.560 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng đạt 9.212 tỷ đồng, tăng 4.491 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ.

Trong 5 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội đã cho vay 16.123 tỷ đồng, với gần 561.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Qua đó, góp phần giúp trên 56.000 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 225.000 lao động; trên 17.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 0,42% (cuối năm 2019), phấn đấu đến cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.

Ở hội sở, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành hàng loạt nghị quyết, quy chế, quy định, chương trình… trong 5 năm qua, đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ mục tiêu được giao. Phương thức lãnh đạo được đổi mới với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung vào những lĩnh vực quan trọng; hướng về cơ sở, sâu sát cơ sở, giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

Đột phá trong thực thi nhiệm vụ chính trị

Sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo được mở rộng cả về quy mô, chất lượng, làm tiền đề để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị lớn. Đặc biệt, việc chủ động tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW đã đem lại một “làn gió mới” đối với tín dụng chính sách xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực, hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo thế và lực mới cho tín dụng chính sách xã hội.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hệ thống chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được hoàn thiện; nguồn lực được bổ sung, tăng cường tạo sự ổn định, giúp Ngân hàng Chính sách xã hội nâng cao năng lực tài chính, chủ động về nguồn vốn cho vay. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, cân đối, bố trí ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng bổ sung nguồn vốn cho vay tăng thêm 15.220 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng trưởng 33%/năm, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến ngày 31/7/2020 đạt 19.625 tỷ đồng.

“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban điều hành tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư tín dụng cho địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”, ông Dương Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết.

Trong 5 năm, vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 12 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 342.782 tỷ đồng; góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Qua đó, thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 346.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 7,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Những thành quả trên góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019).

Phát huy những kết quả đạt được, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục chủ động tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả hơn Chỉ thị số 40-CT/TW, tập trung huy động, khơi tăng nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tạo sinh kế, tạo việc làm cho hộ nghèo, đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tin liên quan
Tin khác