Vốn tín dụng chính sách được tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã xây dựng nông thôn mới. |
Vốn ủy thác tăng mạnh
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được triển khai, đã có 15.697 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác từ địa phương được huy động, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 31,3%, tăng gấp gần 4,1 lần so với giai đoạn trước, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng đến ngày 30/6/2020 đạt 19.505 tỷ đồng.
Đây là kết quả của sự chuyển biến từ tư duy nhận thức đến cách làm sáng tạo của các địa phương, với sự góp công không nhỏ của từng cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đơn cử, ở huyện Bác Ái (Ninh Thuận), nơi đồng bào Raglai chiếm trên 86% dân số và trên 99,31% hộ nghèo, tín dụng chính sách đã giúp cho 1.473 lượt hộ dân tộc thiểu số nghèo, 5.773 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, 2.521 lượt hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, tạo việc làm.
Việc lồng ghép triển khai và đánh giá Chỉ thị số 40-CT/TW tại các vùng “lõi nghèo” quốc gia như vùng Tây Nam bộ, Tây Bắc đã chứng minh hiệu quả của Chỉ thị khi đi vào cuộc sống, tạo ra những bước chuyển biến đột phá cho công tác tín dụng chính sách.
Nhiều địa phương đã nhận thức sâu sắc về vai trò chủ lực, trụ cột của tín dụng chính sách và từ đó dành nguồn lực lớn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... và nhiều địa phương khác.
Những tỉnh mà ngân sách địa phương còn khó khăn đã tìm ra những nguồn vốn mới để ủy thác với sự tham mưu kịp thời của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ví như thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) đã vận động huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay.
Tín dụng chính sách đến với 12 triệu lượt hộ nghèo
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động báo cáo các cơ quan chức năng để được bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, chủ động cho vay các chương trình chính sách. Hệ thống các chương trình tín dụng chính sách ngày càng hoàn thiện, một số chương trình mới được ban hành nâng cao mức vay đã giúp đẩy nhanh tốc độ thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, với trên 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Doanh số cho vay từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay đạt 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã xây dựng nông thôn mới..., góp phần giúp trên 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động; xây dựng trên 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...
“Với một nước còn đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp, những con số trên đã thể hiện sự cố gắng chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước, mà không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển, cũng như có mức thu nhập cao hơn nhiều so với đất nước chúng ta”, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, thời gian tới, tiếp tục tham mưu cho các cơ quan chức năng về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề nghị các địa phương tăng cường bổ sung nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác vay.
Ngân hàng Chính sách xã hội đang nghiên cứu xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2030; nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan, phát huy vai trò điều tiết của Nhà nước đối với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống...