Phát biểu tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chiều nay (4/10), Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay, tính đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm so với cùng kỳ năm ngoái và các năm, song điểm tích cực là tín dụng tháng sau cao hơn tháng trước và tín dụng các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.
Về lãi suất, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022).
Đại diện các doanh nghiệp nữ tại Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội doanh nhân nữ thái Nguyên, Tổng giám đốc công ty thương mại Thái Hưng cho đánh giá cao điều hành chính sách của NHNN, đặc biệt là lãi suất. Dù vậy, bà Vinh cho rằng, lãi suất cho vay không giảm đồng tốc với lãi suất huy động. Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động trên thị trường giảm đến 2% song lãi suất cho vay chỉ giảm 0,5-1%.
Theo đánh giá của bà Vinh, mặt bằng lãi suất hiện tại là mặt bằng lãi suất mà rất nhiều năm nay doanh nghiệp mới được hưởng. Lãi suất của một số ngân hàng trong nước thậm chí còn cạnh tranh được với lãi suất cho vay với các tổ chức nước ngoài. Trước đây, doanh nghiệp thường mua LC trả chậm để lãi suất rẻ nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức LC trả ngay vì lãi suất thấp.
Theo bà Vinh, doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với bốn vấn đề lớn, trong đó vấn đề lớn nhất là thị trường và đơn hàng. “Đơn hàng hiện đang rất yếu. Vấn đề lãi suất không phải là vấn đề lớn nhất lúc này”, bà Vinh khẳng định.
Ngoài vấn đề đơn hàng, vấn đề lớn thứ hai mà doanh nghiệp đang gặp phải là vấn đề pháp lý. Theo doanh nghiệp này, khâu cải cách thủ tục hành chính hiện nay đang rất chậm so với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, nhiều bộ luật chồng chéo nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Riêng với vấn đề vốn, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là các doanh nghiệp – đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ- chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Nói cách khác, vẫn còn khoảng cách giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cần ngân hàng tháo gỡ.
Riêng với vấn đề vốn, các doanh nghiệp kiến nghị NHNN cần hỗ trợ trong dự báo chính sách, đặc biệt là tỷ giá; duy trì được chính sách lãi suất ổn định lâu dài; có sự bình đẳng trong tiếp cận vốn giữa các doanh nghiệp…
Liên quan tới việc lãi vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay với các hợp đồng mới trung bình là 8%/năm, giảm 1% so với cuối năm ngoái. Nguyên nhân khiến lãi vay giảm chậm là do cuối năm ngoái, lãi suất huy động tăng cao, các ngân hàng vẫn tồn dư một lượng lớn lãi suất huy động giá cao này nên phải cân đối các nguồn vốn. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm thêm lãi suất với cả các khoản vay hiện hữu, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 30/9/2023 dư nợ cho vay đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022. Tình hình tín dụng trên địa bàn của một số ngành có xu hướng giảm: Tín dụng ngành nông lâm, thủy sản giảm 0,29% so với cuối năm 2022. Tín dụng ngành khai khoáng giảm 5,54%, chiếm tỷ trọng 1,57% đối với dư nợ tín dụng, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,09%, chiếm tỷ trọng 41,81%.Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 6,28%.
Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 14,45%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp nhà nước tăng 7,36%.