Ngân hàng - Bảo hiểm
Tín dụng đen bùng phát: Chuyên gia đề nghị hợp thức hóa cho dễ quản
Thùy Liên - 21/08/2018 12:53
Nỗi lo mỏng vốn của doanh nghiệp và sự bùng phát trở lại của tín dụng đen thời gian qua là một trong những chủ đề nóng được Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Chuyên đề Vốn – Tài chính thảo luận sáng nay (21/8).
Diễn đàn kinht ế Việt Nam - ViEF 2018 diễn ra sáng 21/8 tại Hà Nội

Phát biểu tại Diễn đàn sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn về tình trạng mỏng vốn của doanh nghiệp Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, do đó chi phí tài chính cao cộng thêm các chi phí khác khiến doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt. Theo số liệu đến 31/12/2016, có đến 53% hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận.

Thực tế, tình trạng mỏng vốn cũng là nguyên nhân khiến không chỉ người dân mà ngay cả một số doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải tìm tới tín dụng đen.  

Ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt cho hay, với kinh nghiệm tham gia cấu trúc nhiều doanh nghiệp, ông nhận thấy, một số DN khởi nghiệp mà không hề biết gì về vốn. Họ chỉ có 20-30% vốn tự có, khi không thể vay được anh em bạn bè và vốn ngân hàng, không phát hành được phiếu doanh nghiệp, họ phải tìm đến "tín dụng đen" với lãi suất cao ngất ngưởng. Thậm chí, có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn vay từ tín dụng đen chiếm tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh.  

Trong bối cảnh tiếp cận nguồn vốn ngân hàng còn khó khăn, ông Hùng kỳ vọng: “Bằng cách nào đó, Chính phủ có thể hợp thức hóa "tín dụng đen" để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có kênh tiếp cận vốn”.

Quả thực, tín dụng đen đã tồn tại ở nước ta hàng chục năm nay nhưng mọi biện pháp truy quét, xử phạt hầu như không có tác dụng. Nhu cầu thực tế của một bộ phận dân cư và doanh nghiệp quá lớn, cộng với lợi nhuận khổng lồ của hình thức cho vay ngầm này khiến tín dụng đen như vòi bạch tuộc, chặt chỗ này lại mọc chỗ kia.

Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến tín dụng đen nở rộ.

Thứ nhất,  nhu cầu vay tín dụng đen lớn, thủ tục vay nhanh gọn, đơn giản.

Thứ hai, nhiều người phải tìm đến tín dụng để trả nợ ngân hàng.

Thứ ba, công nghệ bùng nổ khiến tín dụng đen tiếp cận với người dân dễ dàng hơn.

Mặc dù vậy, ông Tuấn cho rằng, tín dụng đen không hoàn toàn xấu. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, tín dụng đen vẫn âm thầm tồn tại, xuất phát từ nhu cầu thực tế của một bộ phận người dân. Nhiều nước phải tính toán và cho phép tín dụng đen tồn tại ở một tỷ lệ nhất định.

Do đó, ông Tuấn cho rằng, cần phải  hợp thức hoá được tín dụng đen, đưa vào khuôn khổ để quản lý.

Tán thành ý kiến này, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia cũng cho rằng, tín dụng đen đã giúp một bộ phận người dân có thể vay được tiền. Tuy nhiên, chúng ta cần có chính sách để kiểm soát thị trường này một cách hiệu quả. Việc đưa tín dụng đen vào khuôn khổ có thể học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia, đơn cử như Hà Lan.

Dĩ nhiên, bên cạnh giám sát tín dụng đen, các chuyên gia cũng cho rằng, giải pháp quan trọng hơn cả là Nhà nước phải đa dạng hóa các kênh tín dụng chính thức và tuyên truyền để người dân biết nhiều hơn đến các kênh tín dụng chính thức này, từ đó có hẹp dần tín dụng đen.

Về phía doanh nghiệp, chuyên gia Ngân hàng Thế giới - ông A. Alatabani gợi ý, nếu không thể tiếp cận vốn ngân hàng, thay vì phải tìm đến tín dụng đen, doanh nghiệp có thể tìm giải pháp khác như: thuê mua tài sản, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, tìm vốn tại các fintech…   

Tin liên quan
Tin khác