Ngân hàng - Bảo hiểm
Tín dụng năm 2021 có thể tăng 15%
Hà Tâm - 17/11/2020 14:01
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được Quốc hội ở mức 6%, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10-15% là phù hợp.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được Quốc hội đặt ra ở mức 6%. Để thực hiện mục tiêu này, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10-15% là phù hợp. Dù tín dụng khởi sắc, song thách thức phía trước của ngành ngân hàng vẫn rất lớn.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

Theo mục tiêu vừa được Quốc hội đưa ra, tăng trưởng GDP năm 2021 là 6%. Theo ông, con số này có cao quá không và để phục vụ mục tiêu đó, tín dụng năm 2021 tăng trưởng bao nhiêu là hợp lý?

Tôi cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% cho năm 2021 là hơi khiêm tốn, mục tiêu 6,5-7% là hợp lý hơn. Dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp, chưa thấy rõ đỉnh dịch, song có 3 lý do để lạc quan.

Thứ nhất, các nước ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn trong chống dịch. Vắc-xin phòng bệnh cũng sắp được đưa vào sản xuất. Thực tế, thời gian qua, dù dịch bệnh chưa được khống chế, nhưng kinh tế thế giới vẫn đang dần phục hồi.

Thứ hai, năm 2020, Việt Nam dù ở nhóm nước ít ỏi có GDP tăng trưởng dương, song mức tăng tương đối thấp. Dựa trên nền thấp này, số liệu sẽ dễ được đẩy lên cao.

Thứ ba, kinh tế thế giới đang hồi phục hình theo hình chữ U, nhưng với Việt Nam đang theo hình chữ V.

Với những yếu tố trên, cộng thêm động lực tăng trưởng từ kinh tế số, tôi cho rằng, khả năng năm sau GDP có thể tăng 6,5-7%. Để thực hiện mục tiêu này, năm 2021, tín dụng tăng khoảng 10-15% là hợp lý.

Trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phục hồi tích cực, rủi ro với ngân hàng liệu đã hết?

Dù kinh tế phục hồi, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong năm 2021. Tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận có nguy cơ giảm.

Số liệu 9 tháng đầu năm nay của các ngân hàng niêm yết cho thấy, nợ xấu đã tăng khoảng 30%, dự kiến cả năm nay, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống sẽ ở mức 3% và năm tới có thể sẽ còn tăng do độ trễ tác động của nền kinh tế tới lĩnh vực ngân hàng. Theo tôi, nợ xấu năm tới có thể sẽ lên tới 3,5-4%.

Dù vậy, chúng tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉnh sửa Thông tư 01/2020/TT-NHNN về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp để nợ xấu không “bám chắc” vào nền kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng. Tất nhiên, thời hạn của Thông tư 01 cũng không nên quá dài vì sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại.

Bên cạnh rủi ro nợ xấu, các ngân hàng cũng đang rất lo lắng trước áp lực tăng vốn. Việc Quốc hội và Bộ Tài chính đồng ý gỡ khó cho việc tăng vốn của khối ngân hàng nhà nước vừa qua đã giải quyết dứt điểm câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng này chưa, thưa ông?

Tăng vốn sẽ còn rất áp lực trong dài hạn với các ngân hàng, nhất là các ngân hàng có vốn nhà nước. Giai đoạn trước đây, trung bình mỗi năm, tổng tài sản của các ngân hàng có vốn nhà nước tăng 15-17%, còn giai đoạn từ nay về sau tăng khoảng 10-12%. Khi tổng tài sản (bao gồm tín dụng, đầu tư) tăng, thì vốn chủ sở hữu cũng phải tăng tương ứng để ngân hàng đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR). Ví dụ, tổng tài sản tăng 10-12%, thì vốn chủ sở hữu cũng phải tăng ít nhất 7-8%.

Do đó, tăng vốn là đòi hỏi liên tục với các ngân hàng. Vừa qua, Bộ Tài chính, Quốc hội đã gỡ khó phần nào việc tăng vốn cho 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, song các ngân hàng này vẫn sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để có thể tăng vốn chủ sở hữu giai đoạn tới.

Thông thường, có 5 biện pháp mà các ngân hàng sử dụng để tăng vốn là: tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận để lại, cổ tức nhà nước để lại, phát hành trái phiếu, bán cổ phiếu cho đối tác chiến lược hoặc nhà đầu tư nước ngoài…

Thời gian qua, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này chưa sôi động, chủ yếu các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Song về tiềm năng thị trường, tôi cho rằng, vẫn rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng Việt Nam. Một số thương vụ diễn ra đầu năm nay (như Aozora mua 15% cổ phần OCB) là ví dụ điển hình. 

Bên cạnh các rủi ro, thách thức, đâu là các cơ hội cho ngân hàng năm 2021?

Chúng ta đã thấy, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế, song lại là chất xúc tác khiến kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn. Trong lĩnh vực ngân hàng, từ đầu năm đến nay, dịch vụ ngân hàng số phát triển rất mạnh, thanh toán qua mobile banking tăng tới 180%, số lượng thanh toán qua thẻ ngân hàng tăng gần 30%... 

Bên cạnh đó, Covid-19 đã đẩy mạnh xu hướng fintech, bigtech thâm nhập thị trường tài chính, tạo sức ép cạnh tranh khiến ngành ngân hàng phải đẩy nhanh tiến trình số hóa. Hành vi mua sắm, tiêu dùng của khách hàng cũng thay đổi.

Rõ ràng, dịch bệnh là cơ hội để các ngân hàng tái cấu trúc hoạt động, danh mục đầu tư, danh mục sản phẩm - dịch vụ, tăng cường đổi mới sáng tạo, thiết kế sản phẩm - dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.

Tin liên quan
Tin khác