Tín dụng ngoại tệ tăng
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, trong trung và dài hạn NHNN đang theo đuổi mục tiêu chống đô-la hóa trong nền kinh tế. Tuy nhiên, những năm qua NHNN đã có những đợt gia hạn cho vay ngoại tệ nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế trong ngắn hạn. Bởi hiện lãi suất cho vay bằng ngoại tệ chỉ bằng 1/2 so với lãi suất cho vay VND. Thậm chí, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đang cho vay ngoại tệ với lãi suất 2%/năm, nhưng kỳ hạn vốn vay ngoại tệ lại chủ yếu ngắn hạn đáp ứng các nhu cầu mua nguyên liệu cho hàng xuất khẩu nên tính an toàn trong tương quan giữa hai đồng tiền được đảm bảo.
Nhiều tổ chức tín dụng đang cho vay ngoại tệ với lãi suất 2%/năm. Ảnh: Đức Thanh |
Thế nhưng, dù huy động tiền gửi bằng ngoại tệ giảm, cho vay bằng ngoại tệ vẫn tăng trưởng mạnh thời gian qua, khiến nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo những rủi ro khi doanh nghiệp quá dựa vào nguồn tín dụng bằng USD mà cần phòng ngừa. Tại BIDV, tiền gửi bằng USD giảm 6,05%, cho vay bằng USD tăng 4,01% so với đầu năm. Kết thúc quý I/2018, tiền gửi bằng USD lại giảm 8,99%, trong khi cho vay tăng 8,19% so với đầu năm. LienVietPostBank cũng có lượng tiền gửi bằng USD tính đến cuối quý I/2018 giảm 14,01% so với đầu năm, nhưng cho vay tăng mạnh đến 17,08% so với đầu năm... Vietcombank (VCB) có lượng tiền huy động tăng trưởng dương với mức tăng 0,5% so với đầu năm, tuy nhiên, cho vay bằng VND của ngân hàng chỉ tăng 5,3% so với đầu năm; trong khi đó, cho vay USD và các ngoại tệ khác tăng 11,5% so với đầu năm.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối tháng 4/2018, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 3,5% so với cuối năm 2017. Trong đó, huy động bằng VND tăng 3,7%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, tín dụng cho vay bằng ngoại tệ tăng là do các doanh nghiệp chuộng vay ngoại tệ, vì lãi suất cho vay VND cao gần gấp hơn hai lãi suất cho vay USD. Tuy nhiên, trước xu hướng tín dụng tăng mạnh giới phân tích cho rằng, là một trong những nguyên nhân góp phần tác động lên tỷ giá bên cạnh việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vừa tăng lãi suất USD lên 2% trong ngày 14/6/2018.
Các chuyên gia kinh tế - tài chính cũng đưa ra khuyến cáo, dù tín dụng ngoại tệ đang tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp hút được nhiều vốn rẻ, nhưng cũng cần thận trọng khi lộ trình tăng lãi suất của Fed sẽ còn 2 lần trong năm nay.
Gia hạn cho vay USD đến 2018
Có thể, doanh nghiệp đã vui mừng khi chính sách cho vay ngoại tệ đã chính thức được nới thêm 1 năm nữa, thực hiện đến ngày 31/12/2018 theo Thông tư 18/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN được NHNN ban hành vào cuối năm 2017. Điều này đồng nghĩa với việc, chi phí vay vốn của doanh nghiệp sẽ không bị đội lên. Thông tư 18 quy định, cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với người cư trú tại Việt Nam để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Thông tư cũng nêu rõ, khi được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân khoản vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch bằng ngoại tệ.
Việc xác định sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ ngắn hạn, ít nhất tiếp tục triển khai trong năm 2018, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu. Còn định hướng chung và lâu dài là vẫn tiếp tục hạn chế kênh tín dụng này theo lộ trình từng bước chuyển từ quan hệ vay mượn sang mua bán. Chủ trương của NHNN là sẽ tiếp tục chọn lọc đối tượng vay ngoại tệ, dù vẫn gia hạn cho vay ngoại tệ. Đồng thời, với lãi suất huy động USD vẫn kiên định giữ mức 0%, nhằm chống tình trạng đô-la hóa, giảm găm giữ ngoại tệ.
Việc Fed tăng lãi suất sẽ có tác động đến các doanh nghiệp đang vay vốn bằng đồng USD, đặc biệt là các doanh nghiệp vay USD với lãi suất thả nổi. Khi đó, chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên, doanh nghiệp có thể sẽ gặp vấn đề về thanh khoản. Mặt khác, tỷ giá tăng vào cuối năm là mang tính chu kỳ, khi việc thanh toán cho đối tác nước ngoài đến hạn. Trong những ngày qua, tỷ giá tiếp tục biến động, giá USD tại ngân hàng đã gần chạm ngưỡng 23.000 đồng/USD. Còn ở thị trường tự do, tỷ giá đã vượt ngưỡng trên và xu hướng vẫn tiếp tục nhích lên.