Ngân hàng - Bảo hiểm
Tín dụng ngoại tệ: Mở mà vẫn chặt
Thùy Vinh - 10/06/2016 09:43
Sau 2 tháng ngưng cho vay, từ ngày 1/6/2016, thời điểm Thông tư 07/2016/TT-NHNN (Thông tư 07) có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại cho vay USD ngắn hạn trở lại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cần vốn để trang trải chi phí sản xuất, chế biến trong nước.

Theo Thông tư 07, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Thông tư 07 quy định, các khách hàng này phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.

Những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu có nhu cầu vốn vay chủ yếu chọn vay ngoại tệ để tránh chi phí lãi cao.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tái cho vay ngoại tệ là cần thiết. Tình hình thị trường khó khăn đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nhu cầu vốn của doanh nghiệp không tăng, mà có xu hướng giảm. Vì thế, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu chỉ chọn vay vốn bằng ngoại tệ, bởi so với vay VND, chi phí lãi suất vay ngoại tệ rẻ hơn 2/3.

“Đó cũng là lý do để một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu hồ hởi khi đón nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp cần vốn sản xuất, chế biến để xuất khẩu”, vị giám đốc trên nói.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho rằng, dù lãi suất cho vay VND đã giảm so với 2 năm trước, nhưng áp lực lãi suất vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp. Vì thế, những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu có nhu cầu vốn vay chủ yếu chọn vay ngoại tệ để tránh chi phí lãi cao. 

Trên thực tế, 2 năm qua, việc Ngân hàng Nhà nước cam kết ổn định tỷ giá có phần nào không thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng đổi lại, các doanh nghiệp không lo ngại rủi ro biến động tỷ giá, lãi vay chỉ 3-4%/năm.

Dư nợ tín dụng ngoại tệ vẫn tăng trong những năm gần đây, chỉ mới bắt đầu giảm từ quý I/2016. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 4/2016 giảm 3,56% so với đầu năm. Huy động vốn bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn cũng giảm 4,52%, một phần do lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ đã được đưa về bằng 0%.

Trước khi Thông tư 07 được ban hành, các doanh nghiệp và ngân hàng đều thấp thỏm chờ quyết định mới từ Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cũng từng nhiều lần có công văn dừng cho vay ngoại tệ, sau đó vẫn tái mở, nhưng đối tượng được vay luôn có phần hạn chế. Lần này cũng vậy, Ngân hàng Nhà nước mở lại tín dụng ngoại tệ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được vay.

Do đối tượng vay ngoại tệ bị co hẹp, nên nhiều doanh nghiệp lo lắng, tranh thủ đi vay và mua USD khiến tỷ giá có dấu hiệu nhích nhẹ. Tuy nhiên, xuất khẩu, kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và dự trữ ngoại tệ đều tăng mạnh sẽ giúp tỷ giá thời gian tới tiếp tục ổn định, ngay cả khi tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng. Ngân hàng Nhà nước dự tính sẽ giữ ổn định tỷ giá với biến động năm 2016 ở khoảng 2%.

Một số chuyên gia tiền tệ cho rằng, tín dụng ngoại tệ tăng mạnh sẽ gây áp lực nhất định với thanh khoản ngoại tệ, nên cần thiết phải hạn chế đối tượng, kể cả khi mở lại tín dụng ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, việc cho phép ngân hàng được cho vay ngoại tệ, sau đó chuyển đổi sang tiền đồng, sẽ gây ra nguy cơ tiềm ẩn về tỷ giá, khi các khoản vay này đến kỳ đáo hạn, nhất là khi tiền gửi USD giảm.

Tin liên quan
Tin khác