Ngân hàng
Tín dụng sẽ cải thiện chậm trong nửa cuối năm 2020
Thùy Vinh - 05/08/2020 08:57
Tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng chưa thoát khỏi tình trạng âm trong nửa đầu năm nay, song tiếp tục lo ngại trước làn sóng dịch Covid-19 tái diễn sẽ tác động lên dư nợ cho vay.

Tín dụng tăng chậm nửa đầu năm

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của SeABank cho thấy, tính đến ngày 30/6, cho vay khách hàng lại giảm nhẹ 1% so với đầu năm nay, ghi nhận 98.004 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của Saigonbank giảm gần 10% so với đầu năm nay, xuống còn 20.569 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,79%, đạt 14.151 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng của Eximbank đến hết tháng 6/2020 giảm đến 9%, chỉ còn 103.529 tỷ đồng, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh – Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, nửa đầu năm nay Ngân hàng đã tái cơ cấu được khoảng 6% trên tổng dư nợ cho vay (tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận), nên không được thu hồi lãi dự thu.

Tại các nhà băng quy mô lớn hơn, tăng trưởng dư nợ tín dụng nửa đầu năm nay cũng ở mức khiêm tốn. Tại ngày 30/06/2020, tổng tài sản của BIDV giảm nhẹ 3% so với đầu năm, ghi nhận hơn 1.4 triệu tỷ đồng.

Cho vay khách hàng chỉ xấp xỉ đầu năm nay, đạt gần 1.14 triệu tỷ đồng. Tiền vàng, gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng 90% (83,463 tỷ đồng), tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 80% (28,062 tỷ đồng).

Đến ngày 30/06/2020, tổng tài sản của VietinBank xấp xỉ đầu năm, đạt hơn 1.2 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm mạnh 48% (12,877 tỷ đồng), chứng khoán kinh doanh giảm 52% (1,939 tỷ đồng).

Cho vay khách hàng đạt 941,488 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với đầu năm 2020, chủ yếu là cho vay các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Thực tế, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí phải dừng, do đó cầu vốn vay giảm mạnh.

Báo cáo của NHNN về tình hình thực hiện chính sách tiền tệ cho thấy, trong tháng 7/2020, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng phù hợp với nhu cầu vốn của nền kinh tế. 

Tính đến ngày 28/7, huy động vốn tăng 5,31%, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%).

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị Hội nghị với các địa phương về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 ngày 02/07/2020, Thống đốc NHNN - Lê Minh Hưng cho biết, nhu cầu tín dụng thời gian qua rất yếu, đặc biệt là trong tháng 4 – 5/2020, tuy nhiên đã phục hồi tốt hơn trong tháng 6/2020.

Cụ thể, vào tháng 3 tín dụng tăng khoảng 1.13%, tháng 4 tăng 0.12%, tháng 5 tăng 0.53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1.28%.

Tính đến ngày 30/06/2020, tín dụng tăng trưởng 3.26% so với đầu năm, đây cũng là mức tăng thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Sẽ cải thiện chậm trong nửa cuối năm 2020

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo cập nhật tình hình vĩ mô tháng 7/2020 cũng đề cập, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, thể hiện qua mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì mức thấp kỷ lục (0,15- 0,3%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần).

BVSC kỳ vọng tín dụng trong nửa cuối năm 2020 sẽ cải thiện so với 6 tháng đầu năm. Tuy vậy, mức độ cải thiện sẽ không quá lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng sản xuất.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2020 của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) vừa thực hiện cho biết, tình hình kinh doanh toàn hệ thống đã sụt giảm 2 quý liên tiếp gần đây, điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng, cũng như nhu cầu của nền kinh tế đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng suy giảm rõ rệt, trong khi mức độ rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tăng lên.

Các TCTD đã hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2020 ở 2 kỳ điều tra liên tiếp.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 3,5% trong quý III/2020 và tăng 10,5% trong năm 2020, giảm mạnh so với kỳ vọng tương ứng 13,1-14,1% của 2 kỳ điều tra trước.

Bên cạnh đó, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao dự kiến ảnh hưởng lớn tới thu nhập và lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong năm 2020.

Vì vậy, kết quả hoạt động kinh doanh trong quý II/2020 tiếp tục được đánh giá suy giảm hơn (26,4% TCTD nhận định "suy giảm” so với 16,4% TCTD có cùng đánh giá tại kỳ trước).

Tỷ lệ TCTD nhận định kết quả hoạt động kinh doanh trong quý III “cải thiện” hơn so với quý trước giảm mạnh từ mức 65,7% tại thời điểm tháng 12/2019 và 47% tại thời điểm tháng 3/2020 xuống mức 32% tại kỳ điều tra này; có 15,3% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh sẽ suy giảm.

Tuy nhiên, có 54,3% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2020 cải thiện hơn so với quý II/2020.

Song, điều đáng chú ý là kỳ vọng bình quân của toàn hệ thống về mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh so với các mức kỳ vọng ghi nhận tại cuộc điều tra trước.

Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt phân tích, trong các tháng cuối năm 2020, tín dụng được dự báo sẽ tăng nhanh hơn 6 tháng đầu năm nhưng mức độ tăng sẽ chỉ ở mức vừa phải. Tăng trưởng tín dụng cho cả năm được dự báo ở quanh mức 10%.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cũng đưa ra nhận định, nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi, song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn, dự kiến từ 9-10%”

Tin liên quan
Tin khác