Ngân hàng - Bảo hiểm
Tín dụng tăng cao, ngân hàng báo lãi khủng
Vân Linh - 18/07/2019 13:21
Room tín dụng phân bổ đầu năm khá eo hẹp, song không ít ngân hàng đạt mức tăng trưởng cao về dư nợ cho vay trong hai quý đầu năm nay, tác động tích cực lên lợi nhuận.
Các ngân hàng đạt mức lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm nay là do tín dụng tăng trưởng ở mức cao.

Lợi nhuận khủng

Các ngân hàng ACB, VIB, MB, Vietcombank... vừa hé lộ mức lợi nhuận ấn tượng trong 2 quý đầu năm nay. Trong đó, Vietcombank đạt 11.280 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 40,7% so với cùng kỳ, thực hiện 55% kế hoạch năm. VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế kỷ lục 1.820 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. ACB cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt 3.620 tỷ đồng so với chỉ tiêu cả năm là 7.200 tỷ đồng.

Lợi nhuận đạt mức cao không chỉ đến với các ngân hàng lớn, mà với cả ngân hàng nhỏ, ngân hàng vừa hoặc đang tái cơ cấu. Chẳng hạn, TPBank ước lãi trước thuế 1.620 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm, tăng 58% so với cùng kỳ, tương đương 51% kế hoạch năm 2019. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Sacombank cũng tăng 58%, lên 1.456 tỷ đồng. Trong khi đó, SCB lãi 93 tỷ đồng trước thuế; Kienlongbank lãi 148,5 tỷ đồng, thực hiện 48% kế hoạch cả năm.

Bình luận về bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong 2 quý đầu năm nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, các ngân hàng đạt mức lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm nay là do tín dụng tăng trưởng ở mức cao. Trong đó, không ít ngân hàng vượt room tín dụng được cấp từ đầu năm. Cụ thể, Vietcombank có dư nợ tăng 9,6% trong hai quý đầu năm nay; VIB tăng 19%; OCB tăng trưởng tín dụng 18%.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đã đẩy mạnh tăng nguồn thu từ dịch vụ, thay vì chỉ trông chờ vào tín dụng. Tại Vietcombank, VIB và MB, tỷ trọng thu dịch vụ tăng mạnh, chiếm tới vài chục phần trăm tổng doanh thu, từ đó làm gia tăng lợi nhuận. Cùng với đó, việc xử lý tốt các khoản nợ xấu sau khi đã trích lập dự phòng cũng khiến các nhà băng “dôi” ra một khoản đáng kể.

Theo nhận định của TS. Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM), việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt tăng trưởng tín dụng, hạn chế tín dụng ở một số lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, đầu tư chứng khoán… sẽ khiến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đã phải tính toán cắt giảm chi phí, đẩy mạnh mảng bán lẻ, tăng thu từ dịch vụ nhằm giảm phụ thuộc vào tín dụng.

Tín dụng cao, nợ xấu giảm

Sở dĩ Sacombank đạt mức lợi nhuận khá cao trong 6 tháng đầu năm nay là do tín dụng tăng, Ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Cụ thể, nửa đầu năm 2019, Sacombank huy động từ tổ chức kinh tế, dân cư gần 398.000 tỷ đồng; cho vay đạt hơn 279.000 tỷ đồng. Danh mục cho vay được cơ cấu theo hướng giảm cho vay kinh doanh bất động sản, tăng cho vay sản xuất - kinh doanh, phát triển tín dụng tiêu dùng, tín dụng xanh. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,11% xuống 1,96%. Lũy kế từ khi triển khai đề án thu hồi nợ đến nay, Sacombank thu hồi được gần 35.700 tỷ đồng.

Tại TPBank, dư nợ cho vay đạt 95.400 tỷ đồng, tăng 13%. Ngân hàng này tiếp tục định hướng bán lẻ, nhất là phân khúc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ nợ xấu của TPBank đến cuối tháng 6/2019 được kiểm soát ở khoảng 1,47 %.

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của ACB đạt 352.000 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng thêm 21.000 tỷ đồng, cho vay bán lẻ khoảng 130.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50% dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu hiện tại của ACB là 0,7%. Tính đến ngày 30/6, ACB tăng trưởng tín dụng đạt 9%, tương đương tăng thêm 20.000 tỷ đồng. ACB cho biết, đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng room tín dụng từ 13% lên 17%.

Ngoài ACB, VPBank cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 16%, Techcombank được nới hạn mức tín dụng từ 13% lên 17%, MB được chấp thuận tăng chỉ tiêu tín dụng từ 13% lên 17%. OCB đã hoàn tất Basel II, nên mong muốn được nới thêm room tín dụng lên mức 30%.

Mặc dù các ngân hàng kỳ vọng được nới room, song Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ kiểm soát mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm nay.

Không ít ngân hàng đã cạn room tín dụng sau 2 quý đầu năm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đã đạt 7,33%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 ở mức khoảng 14% là hoàn toàn khả thi. Không ít ngân hàng đã cạn room sau 2 quý đầu năm và đang xin nới room.

Tin liên quan
Tin khác