Tín dụng TP.HCM tháng 7/2021 vẫn tăng mạnh chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp ngoại tại khu công nghiệp, khu chế xuất. |
Tín dụng tăng mạnh tại TP.HCM, Hà Nội
Chưa có báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng 8 tháng đầu năm, song con số vừa được Cục Thống kê Hà Nội và Cục Thống kê TP.HCM công bố, tín dụng tại hai đầu tàu kinh tế của cả nước vẫn tăng khả quan, bất chấp giãn cách xã hội lan rộng.
Điểm khác biệt lớn nhất trong hoạt động ngân hàng giữa Hà Nội và TP.HCM từ đầu năm đến nay là huy động tiền gửi. Báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê Hà Nội công bố cho thấy, tính đến hết tháng 8/2021, huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng trong tháng 8/2201 tăng 3,6% so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng tới 9,2%. Trong khi đó, tại TP.HCM, huy động vốn từ đầu năm đến tháng 7/2201 chỉ tăng 0,7%.
Về tín dụng, tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố Hà Nội đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 8,3% so với cuối năm 2020.
Trong khi đó, theo số liệu kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 mà Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố, số liệu về tín dụng mới chỉ được cập nhật 7 thán đầu năm. Theo đó, tính đến ngày 1/8/2021, tín dụng toàn địa bàn đạt 2.681.490 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. TP.HCM bắt đầu giãn cách xã hội từ cuối tháng 5/2021. Như vậy, bất chấp giãn cách, tín dụng TP.HCM vẫn tăng mạnh là dấu hiệu đáng mừng.
Về cơ cấu, dư nợ tín dụng của khối ngân hàng nhà nước đạt 797.850 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng dư nợ toàn hệ thống, giảm 0,7% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng của khối ngân hàng cổ phần đạt 1.452.150 tỷ đồng, chiếm 54,2% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng của khối ngân hàng nước ngoài, liên doanh đạt 431.490 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Phân theo loại tiền tệ, dư nợ tín dụng bằng VND đạt 2.488.860 tỷ đồng, chiếm 92,8% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 192.640 tỷ đồng, chiếm 7,2%, giảm 0,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ.
Phân theo thời hạn cho vay, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng phân theo thời hạn cho vay, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 1.220.890 tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng dư nợ tín dụng, giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020; dư nợ trung hạn, dài hạn đạt 1.460.600 tỷ đồng, chiếm 54,5% tổng dư nợ, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Vốn chảy vào đâu?
Báo cáo của Tổng cục Thống kê Hà Nội cho biết, tín dụng tăng mạnh là do các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng. Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới, tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 58.000 khách hàng với dư nợ 74.900 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 178.000 khách hàng với dư nợ 254.200 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 965.500 tỷ đồng cho hơn 97.700 lượt khách hàng.
Trong khi đó, tại TP.HCM, tín dụng chủ yếu chảy vào các khu chế xuất, khu công nghiệp - cứ điểm sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đơn hàng xuất khẩu vẫn tăng trưởng tích cực nên nhóm doanh nghiệp nước ngoài vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động, cầu tín dụng tăng đều đặn. Tuy nhiên, nhóm khách hàng này chủ yếu của khối ngân hàng ngoại tại Việt Nam.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, dư nợ tín dụng tại các khu công nghiệp - khu chế xuất gắn liền với hoạt động của các ngân hàng ngoại ở Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng ngoại vẫn ổn định ở mức 5,35%. Riêng tháng 7/2021, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng ngoại ở TP.HCM lên đến 2,2%, cao hơn mức tăng tín dụng chung trên địa bàn.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm 2021 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 4% và nhập khẩu giảm 2,8%. Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - động lực chính trong tăng trưởng xuất nhập khẩu của thành phố – có kim ngạch xuất khẩu tăng 12,6% và nhập khẩu tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tín dụng với nhiều ngành kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thiết bị khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế cho chống dịch… cũng tăng trưởng tích cực.