Ngân hàng - Bảo hiểm
Tín dụng tăng, ngân hàng chạy đua huy động tiết kiệm
Thùy Vinh - 26/11/2016 10:29
Tín dụng đã tăng khá trong 3 quý đầu năm và dự báo còn tăng trong những tháng còn lại của năm 2016 cũng như đầu năm 2017, nên các ngân hàng phải chạy đua huy động tiết kiệm, đảm bảo thanh khoản tốt nhất.

Báo cáo tài chính 3 quý đầu năm nay của các ngân hàng cho thấy, tăng trưởng dư nợ tín dụng của hầu hết các ngân hàng đều cao hơn huy động vốn. Là một trong những ngân hàng quy mô và luôn có thế mạnh trong huy động tiết kiệm, nhưng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lại có tốc độ tăng trưởng cho vay trong thời gian qua cao hơn huy động vốn. Cụ thể, dư nợ cho vay của Vietcombank trong 3 quý vừa qua đạt 447.000 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, huy động tiền gửi đạt 573.000 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), trong 9 tháng đầu năm 2016, tốc độ huy động vốn tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên huy động đến đâu ngân hàng đều cho vay hết đến đó. Minh chứng là hai chỉ tiêu huy động và cho vay đều đạt 625.000 tỷ đồng tính đến hết quý III/2016.

Lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm ở các nhà băng nhỏ luôn được niêm yết ở mức cao và tăng dần trong thời gian gần đây

Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), tín dụng tăng 21,5% trong 9 tháng đầu năm nay, với dư nợ hơn 135.600 tỷ đồng, trong khi huy động tiền gửi khách hàng tăng 14,95%, đạt 163.514 tỷ đồng. Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), kết thúc 3 quý đầu năm nay, cho vay đạt 159.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền gửi của khách hàng đạt 201.000 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Lãnh đạo ACB cho biết, kế hoạch tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng trong năm nay sẽ đạt mức 18%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của ngành.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đến cuối tháng 9/2016 đạt 11%, với dư nợ gần 130.000 tỷ đồng, nhưng huy động tiền gửi tiết kiệm chỉ tăng 9%. Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), tính đến hết quý III/2016, dư nợ cho vay đạt 53.374 tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm, trong khi huy động vốn nhích hơn chút đỉnh, tăng 12,1%, đạt 59.779 tỷ đồng…

Thực tế nêu trên phần nào cho thấy nguyên nhân của tình trạng lãi suất huy động nhích dần và các nhà băng tăng cường khuyến mãi tiết kiệm trong thời gian qua. Thậm chí, ngay ở nhóm ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, vốn mới đạt hơn 3.000 tỷ đồng, thị phần huy động vốn còn hạn chế, nhưng tăng trưởng dư nợ tín dụng cũng đạt mức khá cao trong 9 tháng hoạt động vừa qua.

Cụ thể, dư nợ cho vay của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) đạt 26.500 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2016, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tiền gửi của khách hàng đạt 30.200 tỷ đồng, chỉ tăng 23,7%. Dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt gần 37.800 tỷ đồng tính đến hết tháng 9/2016, tăng 33,8% so với cuối năm trước; còn huy động tiền gửi đạt gần 45.800 tỷ đồng, tăng 15,9%.

Vì thế, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm ở các nhà băng nhỏ luôn được niêm yết ở mức cao và tăng dần trong thời gian gần đây. Mức cao nhất được áp dụng hiện nay là khoảng 7,8-8%/năm cho kỳ hạn 15 tháng tại VietA Bank và Ngân hàng Bản Việt.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, lãi suất huy động khó kỳ vọng giảm, dù lãi suất cho vay đang được các ngân hàng nỗ lực điều chỉnh. Một khi tín dụng cải thiện, các nhà băng sẽ tranh thủ mở rộng hoạt động cho vay, bù đắp cho khoảng thời gian khó khăn vừa qua. Vả lại, cầu vốn tăng vào cuối năm là dịp để các ngân hàng tăng thanh khoản, đáp ứng tốt cầu trong mùa cao điểm, nhất là đối với khách hàng doanh nghiệp.

Vì vậy, không chỉ tăng huy động ở thị trường một (dân cư, tổ chức kinh tế), mà nhu cầu vốn trên liên ngân hàng (thị trường hai) cũng có dấu hiệu nóng trở lại. Từ đầu tuần này, lãi suất VND trên thị trường hai liên tục tăng, trạng thái dư thừa vốn của hệ thống không còn dồi dào như trước.

Theo cập nhật từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) đến ngày 15/11, lãi suất VND đã ghi nhận sự bứt phá rõ rệt trên thị trường liên ngân hàng, bỏ xa vùng lãi suất thấp dưới 1%/năm trong những tháng trước. Lãi suất giao dịch tại kỳ hạn qua đêm đã lên 1,9%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 2%, 2 tuần 2,22%, 1 tháng 2,48%. Đây là những mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 6/2016.

Tin liên quan
Tin khác