Ngân hàng - Bảo hiểm
Tín dụng tiêu dùng tăng gần 30%
Thùy Liên - 11/06/2017 08:02
Trong đó, khoảng 53% là cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2017.

Theo báo cáo,  cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016 và chiếm tới 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng. Cuối năm 2016, con số này là trên 49%.

Tính chung toàn hệ thống, tín dụng tháng 5 tăng trưởng khả quan, 5 tháng đầu năm tăng 6,8% trong khi cùng kỳ chỉ tăng 5,7%. Trong đó, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn thay đổi theo hướng giảm tín dụng trung, dài hạn. Uớc tính tỷ trọng tín dụng ngắn hạn là 45,4% (cuối năm 2016 là 44,9%). Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn giảm xuống còn 54,6% so với cuối năm 2016 là 55,1%.

Tín dụng tiền đồng gần 92%, tín dụng ngoại tệ giảm nhẹ, chiếm 8,2% tổng tín dụng (cuối năm ngoái là 8,4%).

Đến hết quý 1/2017, khu vực ngân hàng vẫn tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, chiếm gần 60% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường tài chính.      

Về thanh khoản, thời điểm này, khó khăn về thanh khoản đã nhẹ bớt, bằng chứng là  tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của toàn hệ thống tại tháng 5/2017 chỉ khoảng 87%, giảm nhẹ so với trước (huy động 10 đồng cho vay 8,7 đồng).  Lãi suất liên ngân hàng cũng đã giảm về 4-4,2% thay vì chạm mốc 5% những tháng trước đó.

Trong tháng 5 vừa qua, NHNN cũng hút ròng tiền gửi trne thị trường mở. Cụ thể, NHNN đã hút rọng hơn 28 nghìn tỷ đồng riêng trong tháng 5, còn tính từ đầu năm thì đã hút gần 9 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù vậy, thanh khoản nhẹ không hẳn do các ngân hàng khỏe lên. Theo UBGSTCQG, thanh khoản ngân hàng tốt là nhờ sự hỗ trợ thêm từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tăng tăng mạnh trong bối cảnh giải ngân đầu tư ngân sách chậm. Tiền gửi đến cuối tháng 4/2017 của Kho bạc Nhà nước là 122 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 28,4% so với đầu năm.

Tin liên quan
Tin khác