Tín dụng từ đầu năm đến nay đã phục hồi mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và gần về mức như trước Covid-19. Ảnh: Đ.T |
Lo vốn đi vào đảo nợ, chứng khoán, bất động sản
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến cuối tháng 5/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 4,9%. Như vậy, tín dụng đã phục hồi mạnh so với cùng kỳ năm 2020 (2%) và gần về với mức bình thường so với thời điểm chưa xảy ra Covid-19 (tín dụng 5 tháng đầu năm 2019 tăng gần 6%).
Mặc dù các ngân hàng TMCP chưa công bố báo cáo tài chính, song nhiều ngân hàng cho biết, tín dụng 5 tháng đầu năm tăng trưởng rất khả quan và đề xuất nới room tín dụng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, đến ngày 20/5/2021, Vietcombank đã sử dụng hết hơn một nửa hạn mức tín dụng cả năm và đang mong được NHNN nới room tín dụng năm nay từ mức 10,5% lên 14%.
Ngoài Vietcombank, nhiều ngân hàng khác cũng dự kiến “xài” hết ít nhất 2/3 room tín dụng được cấp trong cả năm và đã nộp đơn lên NHNN kiến nghị được nới room tín dụng.
Câu hỏi đặt ra là, tín dụng tăng gần 5% trong 5 tháng đầu năm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng khá nặng nề của dịch bệnh liệu có bất bình thường? Có hay không hiện tượng vốn chảy vào chứng khoán, bất động sản, hay ngân hàng bắt tay doanh nghiệp cho vay đảo nợ?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, với dự báo GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,8%, tín dụng tăng 5% là hợp lý, vốn ngân hàng đã giúp GDP tăng trưởng. Vấn đề là chất lượng tín dụng, dòng chảy tín dụng có được nắn đúng hướng hay không. Khó có thể loại trừ, một phần tín dụng đã được đưa vào các doanh nghiệp khó khăn, nợ xấu.
“Tín dụng cũng chưa thể đi vào sản xuất - kinh doanh bình thường như giai đoạn 2017 - 2018 bởi hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị tắc, thu hút vốn FDI cũng đang chậm lại. Vì vậy, tín dụng hiện nay, ngoài chảy vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, thì một phần vẫn chảy sang các doanh nghiệp kẹt nợ, phải vay để trả nợ”, ông Hiển nhận định.
Vốn chảy ào ạt vào bất động sản, chứng khoán: Không phải chỉ từ ngân hàng
Tín dụng đang phục hồi khả quan, song từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản nhiều lần lên cơn sốt nóng, trong khi thanh khoản thị trường chứng khoán đang cao kỷ lục. Có ý kiến cho rằng, dòng tiền đang chảy từ tín dụng ngân hàng sang các kênh đầu tư rủi ro, thay vì đi vào sản xuất - kinh doanh.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN đang kiểm soát rất chặt tín dụng bất động sản và chứng khoán. Việc nguồn vốn ồ ạt vào hai thị trường này trong nửa đầu năm nay, theo ông Thịnh, không phải từ tín dụng, mà từ kênh khác (tiết kiệm cá nhân, vay margin công ty chứng khoán…).
“Nền kinh tế đã phục hồi khá tốt nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, cộng thêm sự hỗ trợ của Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, nên cầu tín dụng đã tốt hơn trước rất nhiều. Trong bối cảnh NHNN đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng rủi ro, tôi cho rằng, dòng tín dụng đang đi đúng vào sản xuất - kinh doanh”, ông Thịnh nhận định.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo các ngân hàng Agribank, Vietcombank cũng khẳng định, tín dụng đang chủ yếu rót vào lĩnh vực ưu tiên. Tại Agribank, cho vay bất động sản chỉ chiếm hơn 1,3% tổng dư nợ. Còn tại Vietcombank, con số này cũng không lớn, tập trung cho cá nhân mua nhà.
Đại diện Vietcombank khẳng định, nguyên nhân khiến tín dụng tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm là do Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh và triển khai tiêm vắc-xin, khiến người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh. Tại Vietcombank, tín dụng 5 tháng đầu năm tập trung cho vay cá nhân tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh, cho doanh nghiệp vay sản xuất hàng thiết yếu như năng lượng tái tạo, dệt may, da dày phục vụ xuất khẩu, thương mại xăng dầu…
Nhìn dòng tiền chảy vào chứng khoán cao kỷ lục (thanh khoản mỗi phiên xấp xỉ 1 tỷ USD), nhiều người cho rằng, tiền chảy từ tín dụng ngân hàng sang chứng khoán. Tuy vậy, lãnh đạo NHNN khẳng định, NHNN đã đưa ra hạn mức với tín dụng chứng khoán, ngân hàng không phải muốn cho vay là được. Trên thực tế, dư nợ cho vay chứng khoán của hệ thống vẫn chỉ dưới 1%, còn xa hạn mức cho phép.
Riêng với tín dụng bất động sản, NHNN khẳng định, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bất động sản đã thấp hơn nhiều so với những năm trước đây, đạt 1,88 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 4/2021 và cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu vay, mua nhà của người dân. Tín dụng bất động sản kinh doanh (mang tính đầu cơ) chỉ chiếm 35% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, những ngân hàng có hiện tượng tăng mạnh cho vay bất động sản đều bị NHNN có biện pháp mạnh tay.
Với biện pháp quản lý mạnh tay của NHNN, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, các ngân hàng đang thận trọng hơn với tín dụng bất động sản. “Tín dụng bất động sản đang bị NHNN kiểm soát chặt, dòng tiền đổ vào chứng khoán cũng chỉ là dòng tiền ngắn hạn. Chính vì vậy, tôi cho rằng, dòng vốn đổ vào sản xuất - kinh doanh thời gian tới không bị ảnh hưởng”, ông Hiển nhận định.
- PGS- TS Đinh Trọng Thịnh