Dư nợ cho vay bất động sản và chứng khoán của ngân hàng vẫn đang trong phạm vi cho phép, không có căn cứ để siết chặt thêm. |
Hãm dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản?
Tuần này, một số công ty chứng khoán bắt đầu có động thái siết chặt tài khoản margin, hạn chế cho vay, thậm chí cắt hẳn margin với khách hàng. Cùng lúc, trên thị trường bất động sản, thông tin về siết tín dụng cũng gây hoang mang cho không ít nhà đầu tư.
Trước đó, cuối tháng 4/2021, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, BOT và một số lĩnh vực rủi ro khác.
Liệu có phải NHNN đang hãm dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc NHNN ra văn bản cảnh báo không có nghĩa là sẽ siết chặt thêm tín dụng chứng khoán, bất động sản.
“Chính sách quản trị rủi ro với tín dụng chứng khoán, bất động sản không có gì thay đổi, hệ số rủi ro cho vay bất động sản vẫn là 200%, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn vẫn là 40% (được kéo dài đến tháng 9/2021, thay vì bị nâng lên từ tháng 9/2020), không có việc NHNN siết thêm tín dụng bất động sản. Vừa rồi, NHNN đưa ra công văn là chỉ để cảnh báo một số ngân hàng đã cho vay chứng khoán, bất động sản hơi nhiều, yêu cầu thực hiện nghiêm các chính sách đã ban hành. Nói tín dụng bất động sản bị siết là không đúng”, ông Võ Trí Thành khẳng định.
Tại các đại hội đồng cổ đông gần đây, trả lời chất vấn của cổ đông, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, VPBank, MB, MSB… đều cho biết, tỷ trọng cho vay bất động sản chỉ chiếm 3-13%, đảm bảo an toàn. Riêng Techcombank có tỷ trọng cho vay bất động sản cao, song lãnh đạo ngân hàng này tự tin vì có các đối tác tốt (như Vingroup), các khoản vay bất động sản đều được Ngân hàng chủ động trích lập dự phòng ở mức cao…
Theo thống kê của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, dù dư nợ tín dụng chung của toàn hệ thống đang khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế, song tín dụng cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản chỉ khoảng 600.000 - 650.000 tỷ đồng, tương đương 7% tổng dư nợ nền kinh tế, tức là không quá lớn. Gần 70% dư nợ cho vay bất động sản là cá nhân vay mua nhà, sửa nhà, tức phục vụ nhu cầu ở thực của người dân.
Trên thực tế, việc người dân mua nhà để ở hay đầu cơ là rất khó tách bạch, song việc cho vay cá nhân sẽ giúp ngân hàng phân tán rủi ro. Hơn nữa, dù dư nợ tín dụng bất động sản tăng cao, nhưng khi ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ quy chuẩn về quản lý rủi ro, thì NHNN không thể tùy tiện siết chặt.
Còn về chứng khoán, tính đến hết quý I/2021, tổng dư nợ cho vay chứng khoán của các ngân hàng thương mại mới đạt 45.000 tỷ đồng, tức chỉ chiếm 0,5% tổng dư nợ toàn hệ thống. Ngoài ra, tại hầu hết ngân hàng thương mại, tổng dư nợ cho vay chứng khoán đều dưới 1% vốn điều lệ, còn xa mức trần 5% vốn điều lệ mà NHNN quy định.
Riêng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán đang có sự tăng trưởng khá nóng (quý I/2021 tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái). Tại một số công ty chứng khoán, tổng dư nợ cho vay ký quỹ đã ngấp nghé vượt trần (gấp 2 lần vốn chủ sở hữu). Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở một số ít công ty chứng khoán và các công ty này cũng đang bắt đầu “hãm phanh”. Tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, hàng loạt công ty chứng khoán đã thông qua kế hoạch tăng vốn. Nếu thực hiện thành công, dư nợ cho vay margin sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Như vậy, nếu chiểu theo quy định hiện hành, dư nợ cho vay bất động sản và chứng khoán của ngân hàng vẫn đang trong phạm vi cho phép, không có căn cứ để siết chặt thêm. Hơn nữa, NHNN đang áp dụng phân chia hạn mức tín dụng theo quý, các ngân hàng thương mại chắc chắn không dám vi phạm quy định nếu không muốn bị siết hạn mức.
Thực tế, trong văn bản vừa được gửi tới các tổ chức tín dụng, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cũng chủ yếu nhắc nhở, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tín dụng chứng khoán, bất động sản, tuân thủ các quy định hiện hành, thận trọng cấp tín dụng tại các địa bàn sốt đất…, chứ không đưa ra biện pháp nào về siết tín dụng các lĩnh vực này.
Chưa có dấu hiệu bong bóng
Trước dấu hiệu tăng nóng của thị trường chứng khoán và bất động sản, có ý kiến cho rằng, bong bóng tài sản đã hình thành và cần phải siết tín dụng để ngăn nguy cơ bong bóng vỡ. Tuy vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, bong bóng tài sản nói chung và bong bóng bất động sản ở Việt Nam chưa xuất hiện.
Ông Nghĩa cho biết, ở một số nước trên thế giới, bong bóng tài sản có thể xuất hiện khi Chính phủ các nước ồ ạt bơm tiền, lượng tiền mặt tràn ngập thị trường và chảy vào chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, ở nước ta, do ngân sách hạn chế, các chính sách hỗ trợ chủ yếu là giãn, hoãn nợ, giãn, hoãn thuế…, lượng “tiền tươi” rất ít, nên không thể hình thành bong bóng bất động sản. Chính vì vậy, NHNN không cần có thêm động thái siết tín dụng bất động sản. Hơn nữa, tín dụng bất động sản lâu nay vẫn đang được NHNN quản lý rất chặt chẽ, thận trọng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thừa nhận, hiện tượng sốt đất ảo đã diễn ra ở một số địa phương, nhưng chỉ ở phân khúc đất nền. Với tổng thể thị trường, trong bối cảnh nguồn cung ngày càng hạn chế như hiện nay, hiện tượng bong bóng khó xảy ra. Tuy nhiên, người dân sẽ có thể phải chấp nhận mặt bằng giá mới cao hơn.
Thị trường chứng khoán thu hút mạnh mẽ dòng tiền từ đầu năm đến nay, giá nhiều cổ phiếu tăng trên dưới 100%. Tuy vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không có dấu hiệu bong bóng, mà phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp.
Cụ thể, thống kê của FiinGroup cho thấy, trong tổng số 534 doanh nghiệp niêm yết trên sàn, lợi nhuận tăng trưởng hết sức khả quan. Trong đó, riêng lợi nhuận của 19 ngân hàng niêm yết tăng tới gần 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cũng cho hay, lợi nhuận gần 600 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I/2021 tăng tới gần 68%, cao nhất là nhóm ngân hàng, cho thấy sự hồi phục tốt của doanh nghiệp. Riêng trong rổ VN30, có tới 23 doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng hơn 20%.
“So với mặt bằng chung các nước, giá cổ phiếu của Việt Nam vẫn chưa cao. Vừa qua, một số mã cổ phiếu tăng khá mạnh, nhưng không phải tăng dựng đứng, mà phản ánh đúng sức khỏe và triển vọng doanh nghiệp. Những ngành có triển vọng lợi nhuận cao thì cổ phiếu tăng tương ứng, như ngân hàng, thép… Nhiều cổ phiếu thậm chí chưa quay về đỉnh cũ trước đây, như HSG. Tóm lại, tôi cho rằng, thị trường chứng khoán đang tăng trưởng tốt và bình thường, không phải bong bóng”, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Trong khi đó, ông Võ Trí Thành cho rằng, thị trường chứng khoán phát triển là một tín hiệu tốt để đa dạng kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, tái cấu trúc thị trường vốn. Đương nhiên, tín dụng chứng khoán nếu tăng quá nóng, sẽ tiềm ẩn rủi ro và cơ quan quản lý cảnh báo là đúng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tín dụng lĩnh vực này vẫn đang được kiểm soát chặt và chưa đến mức lo ngại.
- Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS