Y tế - Sức khỏe
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 16/8: Nhiều địa phương tiếp tục giãn cách; Hà Nội thêm 20 ca mắc mới
D.Ngân - 16/08/2021 08:48
Từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc "Ai ở đâu thì ở đó".

Giảm gần 1.000 ca mắc mới

Từ 18h ngày 15/8 đến 18h ngày 16/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.652 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, 8 trường hợp nhập cảnh và 8.644 ca ghi nhận trong nước.

TP.HCM có 3.341 người mắc mới, Bình Dương 2.522 ca. Như vậy, sau 24 giờ, số ca nhiễm ghi nhận trong nước đã giảm 930 người. Số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM giảm 1.175 người. Trong khi đó, một số tỉnh có số lượng ca mắc tăng nhẹ như Bình Dương (tăng 164 người), Long An (tăng 85), Đồng Nai (tăng 42), Khánh Hòa (tăng 96).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có tổng cộng 283.696 ca nhiễm SARS-CoV-2, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu người sẽ có 2.886 ca nhiễm).

Cũng trong ngày 16/8, 4.473 bệnh nhân Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh, qua đó nâng tổng số trường hợp được điều trị khỏi tại Việt Nam lên 106.977 người.

Hiện tại, số bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực (ICU) là 590 người. Trong khi đó, 22 trường hợp nguy kịch đang phải áp dụng tim phổi nhân tạo (ECMO).

Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân hôm nay ghi nhận 368 ca tử vong tại các địa phương: TP.HCM (315), Bình Dương (29), Long An (8), Tiền Giang (4), Hà Nội (2), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hưng Yên (1), Khánh Hòa (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Thừa Thiên Huế (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 16/8 là 6.141, chiếm 2,2% số ca mắc và tương đương với tỷ lệ trên thế giới.

Trong ngày 15/8, Việt Nam cũng đã thực hiện tiêm 508.244 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Đến nay, tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm tại Việt Nam là 14.666.708, trong đó, số người được tiêm 1 mũi là 13.287.434, mũi 2 đã thực hiện là 1.379.274 liều.

Tại Hà Nội, theo CDC, số ca mắc mới từ 12h ngày 16/8 đến 18h ngày 16/8 chỉ có 1 ca mắc mới phát hiện tại cộng đồng.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 2.248 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.221 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.027 ca.

***

Theo lãnh đạo TP.HCM, tỷ lệ F0 trong cộng đồng có dấu hiệu tăng. Trước đây, tỷ lệ F0 trong khu phong tỏa gần 80%. Nhưng hôm nay, F0 mới trong cộng đồng chiếm 53% (3.342 trường hợp), trong khu phong tỏa là 41%.

Về công tác điều trị, Chủ tịch TP.HCM lưu ý 2 trụ cột là chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện. Các địa phương phải thực hiện trên cơ sở kế hoạch này.

Ngày 16/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã đến kiểm tra công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bộ Y tế thiết lập trên địa bàn TP.HCM.

Tại Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (được thiết lập ở Bệnh viện dã chiến số 13), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác đã đến thăm khu điều hành bệnh nhân Covid-19 nặng.

Báo cáo với Bộ trưởng, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết đến sáng 16/8, Trung tâm đang điều trị cho 98 bệnh nhân Covid-19 nặng.

Các y bác sĩ của bệnh viện cùng chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang ngày đêm cứu chữa các bệnh nhân Covid-19 nặng với kỹ thuật, chuyên môn và máy móc tốt nhất.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đưa hơn 300 y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế từ Hà Nội vào trung tâm này triển khai các hoạt động điều trị bệnh nhân.

Cùng đó, bệnh viện cũng đưa hàng chục tấn trang thiết bị, phương tiện phòng hộ vào TP.HCM.

Trung tâm có 200 giường hồi sức bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập, 200 giường bệnh nhân thở ô-xy còn 100 giường dành để theo dõi bệnh nhân khi đã chuyển nhẹ.

Bổ sung 50.000 lọ thuốc giãn cơ

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế cũng đã đến kiểm tra tiến độ hoàn thiện các hạng mục phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 của Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 do Bệnh viện Trung ương Huế chịu trách nhiệm tại Bệnh viện dã chiến số 14.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết các bác sĩ đã vượt những khó khăn, thiếu thốn, phải xa gia đình vào làm nhiệm vụ đồng hành cùng thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Người đứng đầu ngành Y tế mong các thầy thuốc tiếp tục nỗ lực hơn nữa để chăm sóc, điều trị để người bệnh nặng hồi phục và nhanh chóng ra viện, giảm tỷ lệ tử vong.

Trước những báo cáo về thiếu máy thở, thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc giãn cơ của các trung tâm, Bộ trưởng đã yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cùng các vụ/cục của Bộ Y tế điều phối ngay trang thiết bị, thuốc, làm sao để các thầy thuốc có vũ khí đánh giặc tốt nhất, người bệnh được điều trị nhanh nhất.

Chiều 16/8, 50.000 lọ thuốc giãn cơ đã được Bộ Y tế điều phối tới Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai.

Bộ trưởng Bộ Y tế rất quan tâm đến vấn đề ô-xy cho người bệnh. Do đó, tại buổi kiểm tra, ông Long đã yêu cầu các Trung tâm ICU phải luôn đảm bảo trữ lượng ô-xy, khí nén trong các bồn chứa.

Về đề xuất có thêm nguồn nhân lực chuyên môn, Bộ trưởng giao Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, phối hợp cùng các địa phương điều phối ngay nhân lực vào các trung tâm này.

Bắc Ninh phát hiện chùm ca bệnh phức tạp, Bộ Y tế ra công văn khẩn

Sáng 16/8, Bộ Y tế ban hành công văn hỏa tốc số 1198 về việc điều tra, xử lý trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, gửi UBND Bắc Ninh và Hà Nội.

Công văn này được đưa ra sau khi Bắc Ninh phát hiện chùm ca bệnh 9 người là nhân viên giao hàng tại tỉnh này, chấm dứt 21 ngày không ghi nhận F0. Nam bệnh nhân có lịch trình tiếp xúc với các F1 khác tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị UBND TP.Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, lập danh sách tất cả người tiếp xúc gần, có liên quan bệnh nhân.

Lãnh đạo Hà Nội và Bắc Ninh có trách nhiệm thông báo danh sách các trường hợp trên cho địa phương liên quan để phối hợp truy vết, cách ly y tế kịp thời, đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần.

Các địa phương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các trường hợp nguy cơ (người thân, đồng nghiệp, ca tiếp xúc gần…), xét nghiệm khẳng định và trả lời kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Bộ Y tế yêu cầu Hà Nội và Bắc Ninh giám sát chặt chẽ hàng ngày tình hình sức khỏe và cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định với tất cả trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan các F0. Nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở, ngành y tế cần lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Ngoài ra, những nơi bệnh nhân cư trú, sinh hoạt, đến, ở, làm việc, giao nhận hàng, phương tiện di chuyển cần được khoanh vùng nhanh và khử trùng triệt để.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chặt, tuyệt đối không để lây lan trong khu cách ly, lây ra cộng đồng. Các phương tiện truyền thông đại chúng cần được tăng cường thông tin để người dân chủ động khai báo.

Các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu người đến khám bệnh thực hiện các quy định phòng dịch; cán bộ y tế, khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao cần cảnh giác, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế.

Theo báo cáo từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam, ngày 14/8, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận chùm ca bệnh Covid-19 tại huyện Lương Tài. Ca bệnh chỉ điểm là nam nhân viên giao hàng, 27 tuổi, ở thôn Đông Hưng, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài.

Ngày 6/8, người này có tiền sử dịch tễ giao nhận tại kho khu vực 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, tiếp xúc khoảng 10 nhân viên kho hàng. Ngày 13/8, bệnh nhân khởi phát với triệu chứng ho, mệt mỏi. Một ngày sau anh đến phòng khám sàng lọc Covid-19 của Trung tâm Y tế huyện Lương Tài, kết quả test nhanh và rRT-PCR là dương tính với SARS-CoV-2.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện qua sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng với tổng số 9 trường hợp dương tính với Covid-19 đều là nhân viên giao hàng. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Hiện tại, toàn bộ huyện Lương Tài với hơn 100.000 nhân khẩu được thiết lập vùng cách ly y tế. Thời hạn cách ly kéo dài 14 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 15/8.

Thông tin mới về thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nanocovax

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc xem xét bổ sung địa bàn thử nghiệm vắc-xin Nanocovax.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, về chủ trương, Bộ Y tế ủng hộ việc mở rộng địa bàn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nanocovax.

Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế nhận được đề nghị của một số tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax do Công ty cổ phần Y sinh học dược Nanogen nghiên cứu phát triển, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu việc mở rộng địa bàn nghiên cứu cần đảm bảo an toàn, khoa học, khả thi, tuân thủ đạo đức nghiên cứu, hồ sơ nghiên cứu phải được nhóm nghiên cứu xây dựng và đệ trình Bộ Y tế phê duyệt sau khi được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thẩm định và chấp thuận.

Bộ Y tế nhấn mạnh việc cấm sử dụng vắc-xin đang trong quá trình thử nghiệm cho mục đích sử dụng thí điểm hoặc mục đích thương mại.

Đến nay vắc-xin Nanocovax là vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Trước khi thử nghiệm giai đoạn vắc-xin Nanocovax đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020, giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021 và giai đoạn 3 từ ngày 11/6/2021.

Theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vắc-xin Nanocovax nhằm đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vắc-xin đối với cộng đồng và được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước với 13.000 người; chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng. Giai đoạn 3 chia làm 2 pha là pha 3a và pha 3b.

Liên quan đến vắc-xin này, mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc cấp phép khẩn cấp cho vắc-xin Nanocovax theo thẩm quyền, bảo đảm quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả và rút gọn, cắt giảm các thủ tục hành chính. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về chất lượng, tính an toàn vắc-xin Nanocovax khi được cấp phép.

Dở bỏ phong tỏa tại Bệnh viện Phổi Hà Nội

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), vừa công bố Quyết định gỡ phong tỏa Bệnh viện Phổi Hà Nội sau 21 ngày thiết lập khu vực cách ly y tế.

Theo ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, việc gỡ phong tỏa đã được thực hiện từ 20h ngày 15/8.

Ông Thường cho biết dự kiến, thứ 5 (ngày 19/8), bệnh viện đón bệnh nhân trở lại, sau khi các khoa, phòng làm vệ sinh, sắp xếp hệ thống đón tiếp, sàng lọc, triển khai test nhanh kháng nguyên đầy đủ.

Trong thời gian tới, cơ sở y tế này sẽ tổ chức xét nghiệm 100% người vào bệnh viện gồm bệnh nhân, người nhà và các trường hợp đến công tác.

Trước đó, ngày 25/7, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên và nhanh chóng cách ly y tế toàn bộ cơ sở, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm tất cả người có mặt tại đây.

Đến 18h cùng ngày, bệnh viện chính thức thông báo tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân. Công tác truy vết, điều tra dịch tễ sau đó được bệnh viện thực hiện nhanh chóng, phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương.

Ông Thường cho hay, thời điểm đó, số lượng người nhiễm virus được bệnh viện phát hiện khá nhiều. Hai tuần sau, số ca nhiễm giảm dần và không tăng thêm. Các trường hợp này cũng được phân loại rất rõ ràng, đảm bảo cách ly, không lây nhiễm chéo.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, chùm lây nhiễm liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội đến nay có tổng cộng 78 người dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp cuối cùng thuộc chùm lây nhiễm này được ghi nhận vào 18h ngày 13/8 tại khu cách ly tập trung.

***

Sáng 16/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 15/8 đến 6 giờ ngày 16/8, Thành phố ghi nhận 20 ca mắc mới.

Trong số 20 ca mắc mới có 2 ca phát hiện tại cộng đồng và 18 ca phát hiện trong khu cách ly. Như vậy từ 6 giờ ngày 15/8 đến 6 giờ ngày 16/8, Hà Nội ghi nhận 47 ca bệnh (9 ca ghi nhận tại cộng đồng, 38 ca ghi nhận tại khu cách ly).

Để phòng chống dịch, từ ngày 9/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan lấy mẫu xét nghiệm đợt 1 cho 300.000 người. 

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 2.222 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.204 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.018 ca.

Để phòng chống dịch, từ ngày 9/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan lấy mẫu xét nghiệm đợt 1 cho 300.000 người. 

Trong đó, 186.000 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ và 114.000 mẫu là người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao. Thông qua chiến dịch này, thành phố đã phát hiện tổng cộng 31 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ trên số lượng vắc-xin phòng Covid-19 được cấp để chỉ đạo phòng y tế, trung tâm y tế và các đơn vị liên quan phân bổ vắc-xin hợp lý, trong đó ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng thuộc hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa thiết yếu, vận tải và logistics theo quy định.

Một số địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách

Chiều 15/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký Văn bản số 2718/UBND-VX nêu rõ, từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc "Ai ở đâu thì ở đó" nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. 

TP.HCM yêu cầu người dân tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi thành phố cho tới khi hết thời gian giãn cách, trừ những trường hợp được UBND thành phố phối hợp các tỉnh, thành phố đưa về quê theo nhu cầu. 

TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố đến ngày 25/8. 

Tỉnh Vĩnh Long giãn cách xã hội đến ngày 25/8; người dân không ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

Tỉnh An Giang kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi 9 huyện, thành phố; thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg, thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 16/8 đến ngày 25/8. 

Tỉnh yêu cầu từ 18 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau, người dân không được phép ra đường bộ và trên sông, trừ trường hợp thật cần thiết. 

Tỉnh Cà Mau kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 5 ngày, tính từ 0 giờ ngày 16/8. 

Sóc Trăng không tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, thay vào đó là linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với từng địa phương kể từ 0 giờ ngày 16/8.

Tiếp nhận phần mềm chuyển đổi số hiện đại chống dịch Covid-19

Ngày 15/8, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đã nghiệm thu, bàn giao phần mềm quản lý thống kê báo cáo và giải pháp xét nghiệm hỗ trợ sở y tế các địa phương. 

Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, quản lý việc khai báo y tế phòng dịch Covid-19 của người dân, Cục Công nghệ thông tin đã giới thiệu ứng dụng hệ thống Việt Nam khỏe mạnh tại địa chỉ www.vietnamkhoemanh.vn.

Đây là dự án được triển khai khẩn trương nhằm tập trung các giải pháp quản lý toàn diện từ khai báo y tế, đăng ký xuất nhập cảnh, thị thực, quản lý cách ly, truy vết, xét nghiệm, vắc-xin, khai báo tại các điểm đến, khai báo di chuyển.

Hệ thống được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu từ các hệ thống tiên tiến đã được các quốc gia phát triển thành công, đặc biệt, nhận được tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia đã triển khai ứng dụng Trace Together cho người dân và chính phủ Singapore.

Qua thực tế triển khai thí điểm, phân hệ xét nghiệm của ứng dụng hệ thống Việt Nam khỏe mạnh đã giảm ít nhất 50% nhân lực y tế và hỗ trợ báo cáo thống kê trực tuyến cho các cơ quan phòng, chống dịch.

Phần mềm báo cáo thống kê đã triển khai đầu tiên tại Bắc Ninh và nay đã ứng dụng, phát huy hiệu quả tại gần 20 tỉnh, thành phố.

Tin liên quan
Tin khác