Trong số 3.898 ca Covid-19 mới sáng ngày 23/7, TP.HCM có 3.302 bệnh nhân. Trong số ca mắc mới, Lai Châu ghi nhận người mắc Covid-19 đầu tiên và có liên quan TP.HCM.
Số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam đã vượt qua hơn 74.000 ca. |
Tính đến sáng 23/7, Việt Nam có tổng cộng 78.269 ca Covid-19. Trong đó, 2.129 ca nhập cảnh và 76.140 bệnh nhân trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước từ 27/4 đến nay là 74.570, trong đó, 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.
9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
Trong ngày 22/7, Việt Nam có 43.720 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 4.411.659. Trong đó, số tiêm một mũi là 4.077.099 liều, mũi 2 là 334.560.
Bộ Y tế dự kiến lập gần 30 trung tâm hồi sức tích cực của vùng và 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TP.HCM. Mỗi trung tâm có 500-1000 giường bệnh.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập những cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại khu ký túc xá, trường học, sân vận động..., với trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.
Dù có nhiều nỗ lực phòng chống song dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, chưa đạt đến đỉnh dịch. Công tác chống dịch còn một số tồn tại khi trong thời gian giãn cách, một số nơi vẫn tập trung đông người. Kết quả xét nghiệm có lúc trả còn chậm, chưa kịp tách F0 ra khỏi cộng đồng ảnh hưởng đến việc khoanh vùng, truy vết.
Công tác điều phối bệnh nhân F0 đến các bệnh viện điều trị thời gian đầu còn chậm, gặp nhiều lúng túng, phần nào ảnh hưởng công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong ba tình huống mà thành phố đề ra trước đây, đến thời điểm này phù hợp hơn với tình huống hai, tức là phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, thậm chí tăng cường một số giải pháp, một số địa bàn phải siết chặt hơn.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM cũng đang chuẩn bị cho những giải pháp tăng cường trong thời gian tới.
TP sẽ tập trung tuyên truyền, vận động giám sát để người dân, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn, giữa nhà với nhà, người với người nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh.
Đối với một số khu vực nguy cơ rất cao, đông dân cư, giãn cách chưa bảo đảm, thành phố sẽ tính toán biện pháp phù hợp nhằm giãn dân để mọi người ít tiếp xúc hơn.
Bên cạnh thực hiện triệt để giãn cách, TP.HCM sẽ tập trung cao cho việc phân loại, phân tầng quản lý chăm sóc điều trị F0. Cùng với đó, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là cho khu phong tỏa, nhóm gia đình khó khăn sẽ được tăng cường.
Tại Hà Nội, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, những ngày qua diễn biến dịch tại Hà Nội và các địa phương phức tạp; chủng Delta lây nhiễm rất nhanh; nên toàn thành phố phải có kế hoạch chuẩn bị để chủ động trước những diễn biến xấu, không để bị động, bất ngờ.
Ông Dũng yêu cầu nâng mức nguy cơ trong các kịch bản phòng, chống dịch từ thành phố xuống cơ sở; ưu tiên tập trung chuẩn bị phương án điều trị khi số lượng F0 tăng cao, nhất là điều trị bệnh nhân nặng; coi hạn chế rủi ro, bảo vệ tính mạng người dân là nhiệm vụ ưu tiên số 1.
Để làm được điều đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã giao cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Thay vì kịch bản bố trí 5.000 giường bệnh điều trị F0 hiện tại, phải chuẩn bị phương án bố trí 10.000 giường, 20.000 giường và khi cần thiết có thể tăng mức cao hơn.
Đi kèm với mỗi kịch bản phải bảo đảm chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và con người; có phương án dự trữ hoặc huy động tương ứng, không để bị thiếu giường bệnh, thiếu máy thở, thiếu thuốc men, thiếu y bác sĩ, điều dưỡng...
Trước mắt, nâng số giường bệnh dự phòng tại các cơ sở y tế thành phố quản lý bao gồm cả hệ thống công lập và tư nhân.
UBND thành phố làm việc ngay với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý trên địa bàn để phối hợp thực hiện công tác chuẩn bị điều trị F0; triển khai củng cố, mở rộng các khoa hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Nâng cao năng lực điều trị phải được chuẩn bị đồng bộ với giải pháp phân luồng, phân loại bệnh nhân để tiếp nhận kịp thời, cấp cứu nhanh, điều trị hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro tính mạng cho người dân.
Yêu cầu chuẩn bị ngay việc thiết lập các bệnh viện dã chiến, Bí thư Thành ủy nêu rõ nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này là các lực lượng quân đội, công an vận hành bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn; ngành y tế chịu trách nhiệm chuyên môn, điều trị.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, trước hết phải chuẩn bị ngay về địa điểm, rà soát để trưng dụng một số nhà chung cư chưa bàn giao, nhà thi đấu, trung tâm văn hóa thể thao... phục vụ thiết lập bệnh viện dã chiến.
Ngành Y tế phải có phương án bố trí đủ số lượng cán bộ y bác sĩ, huy động sinh viên các trường y, dược tham gia vào hệ thống điều trị của thành phố, huy động hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố khác. Số lượng bảo đảm phù hợp với các kịch bản giường bệnh, bệnh viện dã chiến; được đánh giá cụ thể về chất lượng để có phương án đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện ngay.
Đồng thời, phải tăng cường năng lực xét nghiệm, có phương án xét nghiệm diện rộng cho kết quả nhanh.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo bố trí các khu cách ly trên địa bàn, bảo đảm phương án sẵn sàng cách ly cho từ 30-50 nghìn người.
Địa điểm cách ly ưu tiên ở ngoại thành nơi có không gian thoáng rộng, tách biệt với dân cư; giao cho các đơn vị quân đội lên phương án sử dụng trường học, ký túc xá, khu quân sự thành cơ sở cách ly, điều trị tập trung cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ.
Liên quan tới tiến độ sản xuất vắc-xin trong nước, chiều 22/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chủ trì cuộc họp đánh giá, xem xét đề xuất cấp phép khẩn vắc-xin Nano Covax Covid-19 của Công ty Nanogen.
Công ty Nanogen cho biết sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng để báo cáo Bộ Y tế vào tuần sau.
***
Cần Thơ: Tạm ngừng hoạt động Siêu thị Go!
Ngày 22/7/2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ (CDC Cần Thơ) đã có công văn gửi Sở Y tế, Sở Công thương và UBND quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) đề xuất tạm ngừng hoạt động đối với Công ty TNHH EB Cần Thơ (Siêu thị Go!, địa chỉ: Lô số 1, Khu dân cư Hưng Phú 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng).
Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam (KCN Trà Nóc 1, TP. Cần Thơ) đã bị áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 |
Theo CDC Cần Thơ, tính đến ngày 22/7/2021, tại Công ty đã xảy ra 03 trường hợp mắc COVID-19, 44 ca F1 và 111 ca F2. Các trường hợp mắc là nhân viên bảo vệ và nhân viên vệ sinh của Công ty. Qua nhận định, các nhân viên trên có tầm hoạt động khá rộng, tiếp xúc nhiều đối tượng và khách hàng nguy cơ lây nhiễm cao.
CDC Cần Thơ đã hướng dẫn Công ty rà soát lập danh sách theo dõi các nhân viên thuộc F1 đang được cách ly tập trung tại các khu các cách ly trên địa bàn. Các trường hợp F2, hướng dẫn liên hệ địa phương tại nơi cư trú khai báo y tế theo đúng qui định. Tiếp tục truy vết, xác định các trường hợp liên quan. Tổ chức xét nghiệm sàng lọc nhanh tất cả nhân viên nhân Công ty theo từng bộ phận. Cách ly nhân viên tại Công ty và bố trí chỗ ở cho nhân viên theo qui định.
Từ tình hình trên, CDC Cần Thơ đề nghị Công ty TNHH EB Cần Thơ tạm ngừng hoạt động 14 ngày để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, kể từ ngày từ 0 giờ ngày 23/7/2021.
Trong một diễn biến liên quan, theo đề nghị của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và CDC Cần Thơ, ngày 22/7/2021, UBND quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã ra Quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam (Địa chỉ: Lô 44 Khu Công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thuỷ) để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và ngăn chặn việc lây nhiễm trong cộng đồng liên quan ca nhiễm COVID-19. Thời gian phong tỏa từ 16 giờ ngày 22/7/2021 đến khi có thông báo mới.
Theo Quyết định trên, trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa, tất cả công nhân, người lao động không được ra, vào khu phong tỏa (trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương); tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
UBND quận Bình Thủy giao cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Bình Thủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Trà Nóc có trách nhiệm phân công các thành viên thiết lập ngay chốt kiểm soát và thực hiện kiểm soát 24/24 giờ toàn bộ vùng cách ly y tế trên và tuân thủ thực hiện cách ly y tế theo đúng các quy định hiện hành. Đồng thời, hỗ trợ Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa theo quy định.
Theo đại diện Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, tại Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam đã ghi nhận 5 trường hợp F0.
***
Đồng Tháp khẩn trương xây dựng thêm 02 bệnh viện dã chiến tại Tân Hồng và Hồng Ngự
Sáng 22/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang và lãnh đạo các đơn vị liên quan đã đến khảo sát và kiểm tra tiến độ xây dựng Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại huyện Tân Hồng và huyện Hồng Ngự, tiếp theo 2 bệnh viện dã chiến triển khai tại TP. Cao Lãnh cơ bản hoàn thành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ ba từ trái qua) đến kiểm tra triển khai xây dựng bênh viện dã chiến tại huyện biên giới Hồng Ngự. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp |
Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trực tiếp thị sát, tăng cường kiểm tra, đôn đốc phòng chống dịch quyết liệt trên toàn tuyến biên giới của tỉnh, nhất là các chốt kiểm dịch trên tất cả đường mòn lối mở tại các huyện vùng biên .
Theo đó, mỗi bệnh viện dã chiến có quy mô 500 giường, nhằm phục vụ kịp thời công tác cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị cho người mắc bệnh Covid-19. Dự kiến, mỗi bệnh viện có tổng mức đầu tư là 25,7 tỷ đồng, thời gian hoàn thành trong năm 2021, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Đồng Tháp làm chủ đầu tư.
Bệnh viện dã chiến gồm các hạng mục xây dựng: Khu chăm sóc, điều trị người bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình, Khu nghỉ nhân viên kỹ thuật, Khu tiếp nhận và hậu cần y tế, các hạng mục phụ và hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị…
Phó Chủ tịch Trần Trí Quang đề nghị các Sở ngành liên quan phối hợp với các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự đẩy nhanh tiến độ xây dựng 02 bệnh viện dã chiến để đảm bảo thời gian hoàn thành theo kế hoạch đề ra, nhằm đáp ứng cho việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn trong mọi tình huống.
Theo báo cáo của Tiểu ban Thông tin tuyên truyền, từ 18 giờ ngày 22/7 đến 06 giờ ngày 23/7, Đồng Tháp ghi nhận 31 ca mắc mới. Trong đó, 21 ca trong khu vực phong tỏa, thuộc Ấp 2, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh; 10 ca trong cộng đồng, liên quan chốt kiểm soát khu vực phong tỏa của công ty thủy sản ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh. Cộng dồn: 1.728 ca (từ ngày 24/6 là 1.698 ca).
***
Thêm 1,2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca về đến Việt Nam
Ngày 23/7, AstraZeneca đã chuyển về TP.HCM thêm 1.228.500 liều vắc-xin Covid-19.
Đây là lần giao vắc-xin thứ năm và cũng là lượng vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Hiện, hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam hơn 3,1 triệu liều, tương đương với khoảng 37% tổng lượng vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca trong nước. Số còn lại đến từ Cơ chế COVAX và viện trợ song phương giữa chính phủ các nước.
Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, AstraZeneca Việt Nam và các Thị trường châu Á mới nổi cho biết, lượng vắc-xin mà chúng tôi đã mang về trong tháng 7/2021 cho thấy nỗ lực tăng tốc cung ứng của AstraZeneca nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho cuộc chiến chống lại đại dịch của Việt Nam.
Tổng cộng đã có gần 8,6 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam, hiện chiếm 76% nguồn cung vắc-xin Covid-19 trên cả nước.
Với nguồn vắc-xin Pfizer, Bộ Y tế cho biết Pfizer đã đồng ý tăng số lượng vắc-xin Covid-19 cung cấp cho Việt Nam trong quý III từ 3 triệu lên 3,5 triệu liều và đồng ý cung cấp thêm thêm 20 triệu liều sau đó, nâng tổng số liều vắc-xin Pfizer dự kiến cung cấp cho Việt Nam là 51 triệu liều, tăng 20 triệu liều so với kế hoạch.
Như vậy, ngoài 105 triệu liều đã cam kết, đã ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được thì dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến có tổng cộng 175 triệu liều.
Đến nay Việt Nam đã nhận hơn 10,6 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó có gần 8,6 triệu liều là AstraZeneca; 2 triệu liều vắc-xin Moderna, 194.200 liều vắc-xin Pfizer...
Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh, trong quý III sẽ có khoảng hơn 26 triệu liều vắc-xin và quý IV là khoảng 65,5 triệu liều về Việt Nam. Tổng cộng 2 quý là khoảng hơn 91,5 triệu liều, trong đó có khoảng 20 triệu liều vắc-xin Pfizer dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.
***
Biến chủng Delta là một trong những virus gây bệnh đường hô hấp mạnh nhất
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho rằng biến chủng Delta của Covid-19 là một trong những virus gây bệnh đường hô hấp mạnh nhất mà các nhà khoa học từng thấy.
Bà Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ. Ảnh: AFP |
Theo dữ liệu mới nhất của Mỹ, biến chủng Delta rất dễ lây lan, chủ yếu là bởi những người bị nhiễm Delta có thể mang virus trong đường mũi gấp 1.000 lần so với những người bị nhiễm chủng ban đầu.
"Biến chủng Delta mạnh hơn và dễ lây truyền mạnh hơn nhiều so với các chủng trước đây", Giám đốc CDC Mỹ, bà Rochelle Walensky nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hôm 22/7. "Đây là một trong những loại virus gây bệnh đường hô hấp mạnh nhất mà chúng tôi biết, và những gì tôi từng thấy trong 20 năm công tác của mình", bà Rochelle Walensky nhấn mạnh.
Biến chủng Delta lây lan nhanh chóng tại Mỹ thời gian qua, chiếm hơn 83% các ca nhiễm ở Mỹ, tăng vọt từ mức 50% ghi nhận trong tuần đầu tiên của tháng 7.
Số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày trong tuần qua ở Mỹ tăng khoảng 53%, lên mức 37.674. Số người nhập viện vì Covid-19 tại Mỹ cũng tăng 32%, lên khoảng 3.500 người mỗi ngày và số ca tử vong cũng tăng 19% lên khoảng 240 người mỗi ngày.
"Loại virus này chưa có dấu hiệu dừng lại, và nó vẫn đang tìm kiếm những người dễ bị lây nhiễm tiếp theo", bà Walensky cho biết.
Virus này đang tấn công các hạt có tỷ lệ tiêm phòng thấp ở Mỹ, trong khi các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cao ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm mới thấp hơn.
Ba bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp, gồm: Florida, Texas, và Missouri, chiếm 40% tổng số ca mắc mới trên khắp nước Mỹ, ông Jeff Zient, người đứng đầu nhóm phản ứng chống Covid-19 của Nhà Trắng cho biết. Riêng bang Florida chiếm tới 1/5 tổng số ca mắc mới ở Mỹ trong tuần thứ hai liên tiếp.
Tại các bệnh viện ở Mỹ, có đến 97% số người nhập viện có triệu chứng nhiễm Covid-19 đã không được tiêm vaccine, còn 99,5% tổng số ca tử vong do virus này cũng rơi vào những người không được tiêm phòng.
Trong tuần qua, 5 bang của Mỹ có số ca nhiễm cao nhất, ghi nhận tỷ lệ người mới được tiêm phòng cao hơn so với mức trung bình cả nước.
"Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng khác của đại dịch, với các ca nhiễm gia tăng trở lại và công suất hoạt động của một số bệnh viện đã tới ngưỡng. Chúng ta cần xích lại gần nhau", Giám đốc CDC Mỹ lưu ý.
***
TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội với nhiều biện pháp tăng cường
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1/8 với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
Toàn cảnh buổi họp Sơ kết |
Báo cáo tại buổi họp Sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 chiều 23/7, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, mặc dù Thành phố đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao. Đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế.
Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố; vẫn còn tình trạng đưa thông tin xấu, bịa đặt, gây hoang mang dư luận ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về Thành phố tăng. Đồng thời việc ngừng hoạt động 03 chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn nên giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.
Việc thực hiện của các doanh nghiệp đối với mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ, hầu hết các doanh nghiệp đều đáp ứng được các yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện, một số lao động ban đầu đồng thuận nhưng sau đó lại không muốn tham gia; có tình trạng một số trường hợp chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hàng ngày, điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Việc hỗ trợ cho các đối tượng còn hạn chế do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các quận, huyện phải tăng cường nhân lực để vừa đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa đảm bảo công việc chuyên môn nên tiến độ chi hỗ trợ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn. Nhiều chủ sử dụng lao động phải tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội nên việc lập danh sách đề nghị hỗ trợ lao động tự do còn chậm.
Trước những kết quả trên, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1/8 với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Theo ông Dương Anh Đức, Thành phố sẽ tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.
Ngân hàng, chứng khoán phải bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết. Riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.
Siết chặt hoạt động của doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.
Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn. Kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời, Thành phố sẽ siết chặt công tác quản lý khu phong tỏa với mục tiêu tiên quyết là không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa. Thực hiện khoanh vùng khu phong tỏa phù hợp đáp ứng các tiêu chí về dịch tễ; hàng ngày theo dõi số lượng F0 phát sinh mới tại từng khu phong tỏa, qua đó kịp thời phát hiện nguy cơ lây nhiễm chéo và có giải pháp khắc phục ngay.
Tiếp tục nâng cao năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, nhân lực để đảm bảo luôn làm chủ trong mọi tình huống; trong đó chú trọng huy động đội ngũ y bác sĩ về hưu, lương y, hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch.
Chủ động rà soát và bảo đảm nhân lực; danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, oxy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu; thiết bị, kít xét nghiệm và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch gia tăng.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chăm lo cho người nghèo, người yếu thế. Tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch giảm quy mô sản xuất hợp lý, đảm bảo khoảng cách an toàn trong nhà máy, thực hiện nghiêm việc tự đánh giá an toàn.
Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đáp ứng phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ); có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng mô hình vừa cách ly, vừa sản xuất.
Tổ chức hoạt động trở lại các chợ truyền thống đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chợ và tiểu thương.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác theo dõi các F0 tại tầng 1, tầng 2 theo hệ thống 5 tầng điều trị và kịp thời xử lý ngay khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng. Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 trong công tác điều phối và vận chuyển bệnh nhân kịp thời, giảm tử vong.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để kịp thời điều động đội ngũ nhân lực và trang thiết bị tốt nhất cho các bệnh viện tầng 5; tăng cường các máy thở chức năng cao cho bệnh viện này để điều trị bệnh nhân nặng; song song đó phối hợp Bộ Y tế thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP.HCM.
***
Khánh Hòa lên kế hoạch tiêm vắc-xin COVID-19 cho 26.000 người
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin COVID-19 đợt 4 cho các đối tượng có nguy cơ và cộng đồng.
Khánh Hòa đang nỗ lực dập dịch. |
Theo đó, tỉnh Khánh Hòa tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo thứ tự được ưu tiên. Cụ thể, người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch; công an, quân đội; cán bộ ngoại giao của Việt Nam; hải quan, người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên, học sinh...
Dự kiến trong đợt này, Khánh Hòa sẽ tiêm cho 26.850 người. Sau đó, căn cứ vào lượng vắc-xin Bộ Y tế cung cấp, Tỉnh sẽ tiêm mũi 2 cho những người vừa được tiêm mũi một đợt này.
Việc tiêm chủng sẽ được triển khai tiêm ở các bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, điểm tiêm cố định và tiêm lưu động. Các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố sẽ là đầu mối tổ chức triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho các đối tượng trên địa bàn mà mình quản lý.
Từ ngày 23/6 - 22/7, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 795 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, có 3.787 trường hợp F1, 148.607 trường hợp F2, 7 ca tử vong.
Ngành y tế dự báo trong thời gian đến, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đối với thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh; thực hiện Chỉ thị số 15 đối với các huyện, thành phố còn lại, thời gian thực hiện trong vòng 14 ngày, kể từ 0h sáng 23/7.
***
Hà Nội xây dựng kịch bản 10.000 ca mắc
Thay vì kịch bản bố trí 5.000 giường bệnh điều trị F0 hiện tại, Hà Nội phải chuẩn bị phương án bố trí 10.000 giường, 20.000 giường bệnh.
Ngoài TP.HCM dịch Covid-19 đang phức tạp, hiện Hà Nội diễn biến dịch khó lường khi số ca mắc tăng nhanh.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có 656 trường hợp mắc, riêng từ ngày 5/7 đến trưa 23/7 là 397 trường hợp.
Những ngày gần đây số mắc Covid-19 của Hà Nội liên tục gia tăng, có ngày lên đến 64 ca. Đáng chú ý, Hà Nội cũng phát hiện hơn 20 ca dương tính thông qua lấy mẫu các trường hợp sốt, ho tại cộng đồng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, Hà Nội sẽ còn những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng.
Đây là điều không thể không tránh khỏi. Thời gian qua TP.Hà Nội giống như “vùng trũng” về dịch, rất nhiều người từ Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, từ các nơi đổ về.
Tại thời điểm hiện nay Hà Nội vẫn cần cũng như có thể tiếp tục làm được các biện pháp như tập trung công tác xét nghiệm, truy vết.
“Không xét nghiệm tràn lan nhưng xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung những nhóm nguy cơ để đánh giá tình hình dịch bệnh từ đó đưa ra những quyết định kịp thời”, chuyên gia khuyến cáo.
Theo đó, cần xét nghiệm hết những trường hợp có biểu hiện ho sốt không chỉ là những trường hợp sốt đến bệnh viện mà sốt ở nhà, sốt đi mua thuốc ở các cửa hàng thuốc.
Những người có những biểu hiện ho, sốt, khó thở thì cần khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm sàng lọc để xác định có bị nhiễm SARS-COV-2 hay không.
Thực tế những ca Hà Nội phát hiện vừa qua đều có biểu hiện ho sốt, từ đó mới lần ra ổ dịch. Đó là những ca có thể không phải là F0 mà là những ca chỉ điểm.
Tiếp đến là xét nghiệm ở những nhà máy, khu chung cư, chợ, các khu có sự giao lưu đi lại tiếp xúc đông người.
Với người dân theo ông Phu, hơn bao giờ hết sự cộng tác của mỗi người dân là chìa khóa quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19.
Mỗi người dân cần phát huy việc thực hiện tốt 5K, nhất là trong lúc này, người dân không đi các tỉnh, không tập trung đi chợ, đến chỗ đông người không cần thiết; đặc biệt là với người già, người có bệnh lý nền.
Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng đưa ra lời khuyên với tất cả những trường hợp có biểu hiện ho, sốt mà không có triệu chứng nặng, không nên vội vàng đến các cơ sở y tế điều trị tuyến trên, cũng không tự ý mua thuốc về uống, thay vào đó hãy chủ động khai báo với cơ quan y tế để được tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm miễn phí.
Nói rõ hơn về điều này, theo chuyên gia, phản ứng vội vàng chạy đến bệnh viện trong trường hợp không bị nhiễm Covid-19 rất có thể sẽ khiến một người khỏe mạnh bình thường đứng trước nguy cơ bị lây nhiễm từ bệnh viện hoặc những người đến bệnh viện nếu không có những biện pháp phòng, chống nghiêm túc.
Ngược lại, trường hợp người bị nhiễm lại đến bệnh viện vô hình chung sẽ lại trở thành nguồn lây cho cả người nhà, bệnh viện và cả bệnh nhân.
Nếu không may Covid-19, các cơ quan y tế sẽ có những phương pháp tư vấn điều trị, cho người bệnh, đồng thời có biện pháp giúp người bệnh chủ động phòng, chống được sự lây lan dịch bệnh cho người thân và lây ra cộng đồng.
Ở thời điểm này, khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở người dân hãy liên hệ ngay với cơ quan y tế để được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí. Đây là trách nhiệm của mỗi người dân với chính sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Bên cạnh đó, các nhà thuốc cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế, khai báo trung thực, thông báo ngay khi phát hiện có trường hợp ho, sốt tới nhà thuốc để các cơ quan y tế kịp thời có biện pháp ứng phó", ông Phu khuyến cáo.
Về phía chính quyền Hà Nội, theo Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thay vì kịch bản bố trí 5.000 giường bệnh điều trị F0 hiện tại, phải chuẩn bị phương án bố trí 10.000 giường, 20.000 giường và khi cần thiết có thể tăng mức cao hơn.
Đi kèm với mỗi kịch bản phải bảo đảm chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và con người; có phương án dự trữ hoặc huy động tương ứng, không để bị thiếu giường bệnh, thiếu máy thở, thiếu thuốc men, thiếu y bác sĩ, điều dưỡng...
Bí thư Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo bố trí các khu cách ly trên địa bàn, bảo đảm phương án sẵn sàng cách ly cho từ 30-50 nghìn người. Địa điểm cách ly ưu tiên ở ngoại thành nơi có không gian thoáng rộng, tách biệt với dân cư.
***
Hơn 7.000 ca mắc Covid-19 trong ngày
Theo Bộ Y tế, trong ngày 23/7 có 7.307 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 7.295 ca ghi nhận trong nước.
Số ca mắc Covid-19 tại TP. HCM cao nhất với 4.913 ca, Bình Dương (608), Long An (602), Đồng Nai (217), Tây Ninh (212), Đồng Tháp (129), Tiền Giang (95), Hà Nội (70), Bà Rịa - Vũng Tàu (58), Khánh Hòa (51), Đà Nẵng (47), Bình Thuận (47)…
Tính đến chiều ngày 23/7, Việt Nam có tổng 81.678 ca mắc, trong đó có 2.141 ca nhập cảnh và 79.537 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 77.967 ca, trong đó có 12.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
[Tiếp tục cập nhật]