Y tế - Sức khỏe
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 29/7: Hà Nội có 13 ca mắc mới; Thiết lập khẩn cấp 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM
D.Ngân - 29/07/2021 09:04
Theo bản tin 6h ngày 29/7 của Bộ Y tế, 21 tỉnh, thành phố ghi nhận thêm người nhiễm SARS-CoV-2.

Hơn 4.000 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh

Theo Bộ Y tế, trong ngày 29/7, cả nước ghi nhận 7.594 ca mắc mới gồm một ca nhập cảnh và 7.593 ca ghi nhận trong nước.

TP.HCM vẫn dẫn đầu về số ca mắc với 4.592, Bình Dương (1144), Long An (499), Đồng Nai (325), Bà Rịa - Vũng Tàu (185), Đồng Tháp (157), Tây Ninh (139)…

Tính đến chiều 29/7, Việt Nam có 128.413 ca mắc gồm 2.208 ca nhập cảnh và 126.205 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 124.635 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, trong ngày 4.323 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và 233 ca tử vong (số 631-863) từ ngày 19-26/7 tại 7 tỉnh, thành phố.

TP.HCM từ ngày 24-26/7: 189 ca tử vong; Khánh Hòa từ ngày 19-26/7 có14 ca; Long An từ ngày 25-26/7, 10 ca; Đồng Nai từ ngày 23-26/7, 8 ca; Bến Tre từ ngày 20-25/7, 6 ca; Vĩnh Long từ ngày 20-26/7, 4 ca; Bình Dương từ ngày 20-22/7, 2 ca.

Với tình hình dịch phức tạp tại TP.HCM, để kiểm soát dịch Bộ Y tế đã giao các bệnh viện tuyến trung ương thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.

***

Trong chuyến công tác tại TP.HCM chiều 29/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới thăm người dân khu phong tỏa ở huyện Hóc Môn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian qua, TP.HCM đã đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu, thiết thực, hiệu quả để giảm thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh. TP.HCM là đô thị trên 10 triệu dân nên khó khăn "gấp vạn lần các địa phương khác".

Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, chính quyền cần nắm rõ và phân công công việc cụ thể để sớm phát hiện tác nhân gây nguồn bệnh, truy vết kịp thời, giải tỏa cách ly nghiêm túc; tiếp tục nâng cao trách nhiệm với người dân, hạn chế trường hợp tử vong đến mức thấp nhất.

Chủ tịch nước đồng ý với chủ trương của Thành phố là tiếp tục giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa. Tuy vậy, TP.HCM cần tiếp tục thực hiện đồng bộ biện pháp để bảo vệ tính mạng của người dân, coi đây là mục tiêu trên hết, trước hết.

***

Hà Nội: Số ca mắc trong ngày giảm

Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc mới từ 12 giờ ngày 29/7 đến 18 giờ ngày 29/7 ghi nhận 7 trường hợp mắc mới đều phát hiện tại cộng đồng.

Như vậy, từ 18 giờ ngày 28/7 đến 18 giờ ngày 29/7, ghi nhận tổng cộng 46 trường hợp mắc mới.

Trước đó, trong ngày 28/7 số ca mắc mới ở Hà Nội là 65 trường hợp; ngày 27 là 76 trường hợp.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 981 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 602 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 379 ca.

***

Đà Nẵng khởi động chương trình tiêm vắc-xin quy mô lớn toàn thành phố

Ngày 29/7, tại Cung Thể thaoTiên Sơn, ngành y tế Đà Nẵng chính thức khởi động chương trình tiêm vắc-xin quy mô lớn, dành cho nhân viên y tế, nhân lực trong lĩnh vực thiết yếu...

Đợt này, tổng số liều vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ cho Đà Nẵng là 33.600 liều vắc-xin Moderna, được cấp thành 2 đợt để tiêm chủng đủ 2 mũi cho 16.800 người. Cung thể thao Tiên Sơn Đà Nẵng sẽ là điểm đầu tiên khởi động quy trình tiêm chủng diện rộng, sau đó sẽ là Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Đà Nẵng.

Trước đó, Đà Nẵng cũng tiêm vắc-xin Pfizer cho hơn 200 bệnh nhân mãn tính thường xuyên điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Ung bướu.

Dự kiến tiếp theo đó sẽ là hàng chục điểm tiêm khác được tổ chức với quy mô tương tự trên toàn Thành phố, đảm bảo chủ động tiêm nhanh nhất có thể khi các đợt vắc-xin được phân bổ về.

Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, với 33.600 liều vắc-xin Moderna, thì thời gian thực hiện mũi tiêm thứ nhất từ 29/7 – 5/8, mũi thứ 2 dự kiến tiêm vào khoảng thời gian từ 28/8 – 5/9.

Đối tượng được ưu tiên tiêm chủng tại Đà Nẵng đợt này là người làm việc trong các cơ sở y tế; nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đang làm việc tại phòng khám tư nhân; lực lượng phòng, chống dịch, người làm việc tại khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết điều tra dịch tễ, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên; người làm trong cơ quan lãnh sự và lực lượng hải quan.

Ngoài ra, còn có những người cung cấp dịch vụ thiết yếu như: vận tải, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, ngân hàng, bưu chính, công nhân các công ty Môi trường đô thị và Công ty thoát nước, điện lực... Tất cả mọi người đều trật tự, tuân thủ 5K đặc biệt là giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn trong mùa dịch Covid-19.

Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, mục tiêu là đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc-xin, đặc biệt phải đảm bảo phòng chống lây nhiễm bệnh trong quá trình tổ chức tiêm chủng.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, điểm tiêm tại Cung thể thao Tiên Sơn là nơi làm thí điểm, sau đó Đà Nẵng sẽ có thêm 10 điểm tiêm được tổ chức bài bản theo mô hình tương tự để triển khai tiêm diện rộng cho người dân toàn Thành phố.

“Khi mô hình điểm tiêm thuần thục và an toàn, mỗi ngày Đà Nẵng sẽ phấn đấu tiêm cho khoảng 20.000 người, đáp ứng lượng vắc-xin phân bổ về”, bà Yến nói.

***

Bến Tre chi 850 triệu đồng đưa 2.500 công dân từ TP.HCM về tỉnh

Ngày 29/7, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản phê duyệt kinh phí để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tiếp nhận công dân từ TP.HCM về quê trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, kinh phí được phê duyệt với dự toán là 350.000.000 đồng, gồm: Chi hỗ trợ tiền ăn, nước uống đưa công dân từ TP.HCM về khu cách ly tập trung tại các huyện, thành phố (100.000 đồng/người x 2.500 người): 250.000.000 đồng; các chi phí khác phát sinh (chi xăng xe, công tác phí, băng rôn…) là 100.000.000 đồng (thanh toán theo thực tế phát sinh và chi theo quy định hiện hành).

Nguồn kinh phí cân đối từ nguồn sự nghiệp đảm bảo xã hội năm 2021 đã phân bổ.

Cùng ngày, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre được trích từ nguồn kinh phí kinh doanh để hỗ trợ cho công dân tỉnh Bến Tre có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống, làm việc và học tập tại TP.HCM có nguyện vọng trở về quê trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Mức hỗ trợ 200.000 đồng/người bằng tiền mặt với số lượng khoảng 2.500 người, dự toán kinh phí hỗ trợ là 500.000.000 đồng. Trước mắt đề nghị Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre tạm ứng kinh phí cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổ chức chi hỗ trợ ngay khi tiếp nhận công dân từ TP.HCM về tỉnh Bến Tre.

UBND tỉnh Bến Tre giao Sở Lao động thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre; Ban Liên lạc đồng hương Bến Tre tại TP.HCM triển khai thực hiện việc hỗ trợ cho công dân tỉnh Bến Tre có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống, làm việc và học tập tại TP.HCM có nguyện vọng trở về quê (khẩn trương rà soát, lập danh sách và tổ chức chi hỗ trợ), việc hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, chặt chẽ, đúng đối tượng.

***

Thiết lập khẩn cấp 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM

Sáng ngày 29/7, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với Thành uỷ, UBND TP.HCM về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế giao các Bệnh viện tuyến trung ương thiết lập 3.000 giường hồi sức trên địa bàn TP.HCM, Giám đốc các bệnh viện trung ương sẽ làm giám đốc các bệnh viện hồi sức Covid-19 này.

Theo đó, ngoài Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (bệnh viện này đã đi vào hoạt động và đang tập trung điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch), Bộ Y tế sẽ cùng với Thành phố thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực khác để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng.

Bộ Y tế giao ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 của Bộ Y tế trên địa bàn quận Thủ Đức với quy mô 500 giường. Đồng thời, Bộ Y tế cũng giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Việt - Đức về điều trị hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng.

Giám đốc Trần Bình Giang cho biết ngay chiều qua đã đưa ê-kip gây mê hồi sức của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức vào TP.HCM , đồng thời chuẩn bị sẵn 30% nhân lực của Bệnh viện để sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế giao thiết lập Trung tâm hồi sức Covid-19 quy mô 500 giường tại TP.HCM.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn sẽ kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bộ Y tế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 của TP.HCM với quy mô 500 giường.

Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai sẽ cử các chuyên gia đầu ngành, trong đó có đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực đã có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Ninh; Bắc Giang, Hải Dương… vào làm việc tại Bệnh viện hồi sức này. Ngay trong chiều nay, đoàn sẽ lên đường bay vào TP.HCM.

Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13.

Ngoài ra, Giám đốc các Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện K được giao nhiệm vụ sẵn sàng chung sức thiết lập thêm một Trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần.

Giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương cho rằng tuỳ theo tình hình thực tế có thể điều phối nhân lực phù hợp, đồng thời đề nghị TP.HCM cần lên phương án cụ thể về nhân lực, để các chuyên gia về hồi sức của các bệnh viện do Bộ Y tế điều động vào cùng tập huấn chia sẻ về chuyên môn để bắt tay ngay vào công việc.

Về cơ sở vật chất cũng vậy, dựa trên các điều kiện đã có của các bệnh viện thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực để thiết lập thêm dần đáp ứng công năng điều trị.

Một vấn đề được quan tâm tại buổi làm việc là “đảm bảo oxy để điều trị bệnh nhân nặng”, Th.S Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế khẳng định, nguồn cung cấp khí oxy cho điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện không thiếu.

Vụ đã làm việc với các nhà cung ứng và yêu cầu phải đảm bảo sản xuất, đáp ứng cho nhu cầu phòng chống dịch. Một số đơn vị sản xuất đặc thù cho biết sẽ chuyển đổi công năng để sản xuất oxy, khí nén khi cần.

Riêng tại TP.HCM, hiện có 10 đơn vị đang cung ứng oxy cho Thành phố. Để thiết lập thêm 3 Trung tâm Hồi sức tích cực theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Vụ đã trao đổi với các nhà cung cấp và chiều hôm nay (29/7) các nhà cung cấp sẽ cùng các chuyên gia của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương sẽ tiến hành khảo sát và lên phương án triển khai cung ứng.

Về vấn đề cung ứng thuốc đảm bảo cho điều trị, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường khẳng định đến nay, việc cung ứng thuốc vấn đảm bảo phục vụ điều trị.

Đối với một số thuốc đặc thù, dịch chuyền, Cục Quản lý Dược đã thông tin, đề nghị các cơ sở điều trị rà soát lại ngay và báo cáo lại Cục Quản lý Dược để Cục điều tiết trong cả nước cho phù hợp, nhằm đảm bảo thuốc cho điều trị.

Về công tác khám chữa bệnh, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết có 10 bệnh viện tuyến trung ương đang hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục đã yêu cầu các bệnh viện tuyến trung ương khác sẵn sàng hỗ trợ nhân lực, thiết bị cần thiết cho TP.HCM khi có yêu cầu.

***

Hà Nội: 26 ca mắc mới

Số ca mắc mới từ 6 giờ ngày 29/7 đến 12 giờ ngày 29/7 ghi nhận 26 trường hợp mắc mới trong đó 7 ca tại cộng đồng và 19 tại khu cách ly tập trung.

Như vậy, từ 18 giờ ngày 28/7 đến 12 giờ ngày 29/7, ghi nhận tổng cộng 39 trường hợp mắc mới.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 974 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 705 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Thông qua tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng mới đây, Thành phố đã phát hiện thêm tổng cộng 182 trường hợp nhiễm Covid-19.

***

Hơn 600.000 liều vắc-xin AstraZeneca chuyển tới TP.HCM

Sáng 29/7, AstraZeneca đã chuyển về TP.HCM thêm 659.900 liều vắc-xin Covid-19. Đây là lần giao vắc-xin thứ sáu và là lần thứ tư liên tiếp trong tháng 7 thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Hiện, thỏa thuận này đã mang về cho Việt Nam gần 3,8 triệu liều, tương đương với khoảng 41% tổng lượng vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca trong nước. Tổng cộng đã có gần 9,3 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam qua hợp đồng với VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ giữa chính phủ các nước, hiện chiếm 62% nguồn cung vắc xin Covid-19 trên cả nước.

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, AstraZeneca Việt Nam và các Thị trường châu Á mới nổi cho biết, trong tháng 7 này, chúng tôi đã liên tiếp mang về Việt Nam gần 3,4 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho cuộc chiến chống lại đại dịch của Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế, WHO, UNICEF và VNVC để đưa vắc-xin về Việt Nam một cách nhanh chóng và an toàn nhất có thể, để người dân sớm được trở lại cuộc sống bình thường và đoàn tụ với gia đình”, ông Nitin Kapoor nêu.

***

Bộ Y tế cho biết tính từ 19h ngày 28/7 đến 6h ngày 29/7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 2.821 ca mắc mới trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 119.863 ca.

Các tỉnh, thành phố có thêm người nhiễm virus là TP.HCM (1.715), Bình Dương (406), Long An (179), Đồng Nai (159), Tây Ninh (139)…

Như vậy, tính đến sáng 29/7, Việt Nam có 123.640 ca mắc trong đó có 2.207 ca nhập cảnh và 121.433 ca mắc trong nước. 

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 119.863 ca, trong đó có 24.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

So với số liệu công bố trong bản tin tối 28/7, tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 ở nước ta giảm 876 ca. 

***

Trong ngày 28/7, 307.273 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 5.321.839 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.825.209 liều, mũi 2 là 496.630 liều.

Về tình hình điều trị, tổng số ca khỏi bệnh 27.457 người. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 211 người. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 17 người.

***

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 28/7/2021, Chính phủ Anh công bố viện trợ 415.000 liều vắc-xin cho Việt Nam.

Trước đó, ngày 26/7/2021, Chính phủ Czech cũng đã công bố viện trợ cho Việt Nam 250.000 liều vắc-xin

Đây là những sự hỗ trợ rất kịp thời và quý báu của các nước dành cho Chính phủ và Nhân dân Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung nguồn lực phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, thể hiện quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cộng hòa Séc và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh.

***

Để ngăn cản dịch lây lan tại các tỉnh phía Nam, chiều 28/7, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố phía nam về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu, các tỉnh, thành phố phải lo được lưu thông, phân phối mặt hàng thiết yếu cho từng người dân, có chính sách hỗ trợ thật sự thiết thực hiệu quả đến từng người dân, dứt khoát không để người dân thiếu nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Ở các khu vực người dân thực hiện Chỉ thị 16, trong điều kiện dịch thấm sâu, phải tổ chức hệ thống giám sát quản lý y tế ở cộng đồng thật dày và hoạt động thật trơn tru.

Mỗi người dân ở tại cộng đồng của mình có lực lượng và chính quyền địa phương, trong đó nòng cốt là y tế và được phân công theo dõi quản lý sức khỏe đến từng gia đình, từng đối tượng có nguy cơ để bất kỳ ai có triệu chứng liên quan đến Covid-19 đều được báo cáo, được hỗ trợ y tế kịp thời kể cả những triệu chứng của các bệnh khác.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, ở những nơi doanh nghiệp chưa hoạt động, nhu cầu người dân về quê là nhu cầu chính đáng, các tỉnh, thành phố nên có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ tổ chức đưa đón bà con về quê chu đáo.

Riêng các tỉnh không tổ chức đưa bà con về quê thì phải có biện pháp tuyên truyền cho bà con tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch nơi địa phương đang sinh sống, tuyệt đối không để bà con vì tỉnh không tổ chức được mà bằng mọi cách vi phạm quy định tìm đường về quê.

Hà Nội ghi nhận thêm 13 trường hợp mắc mới

Sáng nay, 29/7, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 13 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2, trong đó có 9 ca mắc tại cộng đồng và 4 trường hợp tại khu cách ly tập trung.

Như vậy, tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 948 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 588, số mắc là đối tượng đã được cách ly 360. 

Hiện tại còn 679 trường hợp tại 11 chùm ca bệnh, trong đó có 08 chùm ca bệnh không rõ nguồn lây là: Sàng lọc ho sốt tại cộng đồng nguyên phát (34), ho sốt tại cộng đồng thứ phát (138), nhà thuốc Đức Tâm (62), Nguyễn Khuyến, Đống Đa (77), Tân Mai, Hoàng Mai (85), Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng (36), B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng (30), Bệnh viện Phổi Hà Nội (43).

Để ngăn chặn dịch, Hà Nội bắt đầu tiêm vắc-xin cho người dân tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả ba loại vắc-xin gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

Đây là chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, sẽ kéo dài hơn 9 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022).

Trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (từ 18 đến 65 tuổi) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. 

Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc-xin.

Tin liên quan
Tin khác