Thêm 16.305 ca Covid-19
Theo thông tin lúc 18h ngày 15/1, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 16.378 ca nhiễm mới, trong đó 73 ca nhập cảnh và 16.305 ca ghi nhận trong nước tại 60 tỉnh, thành phố. Trong đó, 12.695 ca được phát hiện trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca bệnh trong ngày là: Hà Nội (2.810), Đà Nẵng (874), Hải Phòng (814), Khánh Hòa (654), Bình Phước (651), Trà Vinh (646), Bình Định (581), Bến Tre (567).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.950 ca/ngày.
Hôm nay, Hà Nội có 2.810 ca nhiễm, giảm 219 ca so với hôm qua. Thành phố này vẫn đứng đầu cả nước về số lượng ca nhiễm.
Trong 7 ngày qua, Hà Nội có tổng cộng 20.280 ca, trung bình mỗi ngày có 2.897 F0 mới. Đà Nẵng và Hải Phòng đứng thứ 2 và thứ 3 cả nước về số lượng ca nhiễm và tỷ lệ gia tăng ca mới khá cao.
Nhiều ngày qua, Đà Nẵng liên tiếp vượt kỷ lục mới về tổng số ca mắc trong ngày. 874 ca trong ngày 15/1 là số lượng F0 mới cao nhất trong 24 giờ kể từ khi dịch bùng phát ở thành phố này.
Trong khi đó, số ca ở Hải Phòng vượt mốc 800 và lại có chiều hướng gia tăng trở lại sau 5 ngày ghi nhận trung bình ở mức 400-500 ca nhiễm.
Tỉnh Trà Vinh có 646 ca mắc mới trong ngày, cao hơn hôm qua 363 ca. Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu giảm nhẹ số lượng ca nhiễm so với hôm qua, lần lượt là 130 và 90.
Đáng chú ý, số ca nhiễm ở TP.HCM giảm ở mức kỷ lục (364 ca) sau gần 6 tháng bùng phát dịch (từ đầu tháng 7/2021), thấp nhất kể từ khi thành phố này bùng phát dịch
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.007.862 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch bùng phát lần 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận là 2.001.625 ca.
Đến nay, Bộ Y tế ghi nhận 50 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).
Hơn 50.000 F0 được công bố khỏi bệnh
Theo số liệu của Bộ Y tế, trong ngày 15/1, có 51.744 người được công bố khỏi Covid-19. Đây là số lượng xuất viện cao thứ 2 kể từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam đến nay (ngày cao nhất tại Việt Nam có hơn 81.000 người xuất viện).
Từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng người khỏi Covid-19 dao động ở mức khá cao. Tổng số được điều trị khỏi là 1.717.964 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế là 5.750 ca, trong đó có 4.057 người thở ô-xy mask, 829 người ô-xy dòng cao, 134 người thở máy không xâm lấn, 710 bệnh nhân thở máy xâm lấn và 20 người cần can thiệp ECMO.
Từ 17h30 ngày 14/1 đến 17h30 ngày 15/1 ghi nhận 139 ca tử vong. TP.HCM có 16 ca, trong đó có 5 ca từ các tỉnh chuyển đến là Gia Lai (1), Long An (2), Đồng Nai (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
Những người khác có địa chỉ tại Hà Nội (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), Cần Thơ (12), Tiền Giang (10), Kiên Giang (10), Sóc Trăng (8 ), Vĩnh Long (8 ), Tây Ninh (6), An Giang (6), Bến Tre (6), Long An (4), Cà Mau (4), Trà Vinh (3), Khánh Hoà (3), Bình Dương (2), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (2), Bình Định (1), Đồng Nai (1), Bắc Giang (1), Đắk Lắk (1), Đắk Nông (1), Bình Phước (1), Bình Thuận (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.480 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
Hà Nội thêm 2.810 F0
Chiều 15/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 14/1/2022 đến 18 giờ ngày 15/1/2022 Hà Nội ghi nhận 2.810 ca bệnh.
Bệnh nhân phân bố tại 492 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Thanh Trì (132); Đông Anh (125); Đống Đa (119); Hoàng Mai (115); Gia Lâm (96).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 88.387 ca. Hiện nay Hà Nội duy trì cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình). Hà Nội vẫn có 7 quận/huyện cấp độ 3; 23 quận/huyện/thị xã cấp độ 2. Hiện tại, thành phố này có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất và số bệnh nhân nặng cũng tăng nhanh.
***
Đây là tuần thứ 2 liên tiếp, TP.HCM duy trì tình trạng "vùng xanh", dịch Covid-19 thuộc cấp độ 1 (mức bình thường mới). Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần là 34. Tỉnh An Giang cũng vừa công bố cấp độ dịch "vùng xanh".
Thái Bình triển khai tiêm gần 78 nghìn liều vắc-xin ngừa Covid-19
Từ sáng (15/1), tỉnh Thái Bình tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, đây là đợt thứ 34 địa phương thực hiện tiêm vắc-xin cho các đối tượng được chỉ định, với tổng số 77.910 liều vắc-xin Moderna.
Mục tiêu đề ra là tiêm phủ mũi 1, mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi (mũi 2 là vắc-xin AstraZeneca, Vero Cell hoặc Moderna).
Ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, đợt này không tiêm cho các đối tượng được xác định là trường hợp F1 bởi đang thực hiện cách ly, không thể đến các điểm tiêm chủng.
Sở yêu cầu các bệnh viện thực hiện theo kế hoạch, trường hợp còn dư số vắc-xin được phân bổ thì thực hiện tiêm cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bảo đảm đúng đối tượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm.
Đây là đợt tiêm quan trọng, liên quan đến hiệu lực, hiệu quả của vắc-xin đối với hệ miễn dịch cơ thể, vì vậy tỉnh Thái Bình quán triệt rõ: Đối với việc tiêm mũi nhắc lại cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Moderna trên nguyên tắc người tiêm tại địa điểm nào thì thực hiện tiêm tại địa điểm đó.
Riêng đối với các cơ quan, doanh nghiệp tiêm ở Bệnh viện Phụ sản tỉnh thì chuyển đến tiêm tại Trường cao đẳng Y tế Thái Bình.
Rút kinh nghiệm các đợt tiêm trước, khi tại điểm tiêm thường không cập nhật ngay thông tin vào phần mềm, thậm chí bỏ qua quy trình này bởi lý do “mất nhiều thời gian”.
Sở Y tế tỉnh Thái Bình yêu cầu phải thực hiện in trả phiếu kết quả tiêm chủng trên phần mềm cho người được tiêm vắc-xin để tiện theo dõi và có căn cứ để triển khai các đợt tiêm tiếp theo.
Dự kiến, tỉnh Thái Bình kết thúc tiêm gần 78 nghìn liều vắc-xin trong ngày 18/1/2022, bố trí tiêm vào tất cả các buổi tối cho kịp tiến độ đề ra.
Còn theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, đến nay địa phương đã thực hiện được 2.583.753 mũi tiêm an toàn. Trong đó, số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 1 mũi vắc-xin đạt 98,26% ; số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi vắc-xin đạt 98,02%; người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 3 là 10,32%.
Đà Nẵng khẩn trương phân loại, điều trị F0 tại nhà
Ngày 15/1, Sở Y tế Đà Nẵng có văn bản khẩn hướng dẫn phân loại, thực hiện cách ly điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú khi những ngày qua số ca mắc Covid-19 tại TP.Đà Nẵng tăng vọt, riêng ngày 14/1, thành phố ghi nhận 765 F0, trong đó có 499 ca cộng đồng.
Văn bản khẩn của Sở Y tế Đà Nẵng cập nhật điều kiện, quy trình, tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả công tác cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú đến các đơn vị liên quan.
Cụ thể, yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và nhân lực để thiết lập các trạm y tế lưu động trên địa bàn, bảo đảm công tác cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú, trong đó đặc biệt chuẩn bị đủ nguồn nhân lực.
Sở Y tế quy định F0 khi được phát hiện phải được nhân viên y tế đánh giá ngay về tình trạng cấp cứu, mức độ nguy cơ, xem xét cách ly phù hợp…
Về tiêu chuẩn F0 để thực hiện cách ly, điều trị tại nhà/nơi lưu trú là có độ tuổi từ 3 đến không quá 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên.
Điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà phải bảo đảm có khu vực cách ly (buồng, phòng, tầng, nhà...) riêng với khu vực sinh hoạt chung với các đối tượng không phải F0. Đối với F0 ở phòng trọ, phải có phòng vệ sinh riêng trong phòng trọ.
Trường hợp không đủ điều kiện cơ sở vật chất nhưng có nguyện vọng cách ly, điều trị tại nhà thì F0 hoặc gia đình phải ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Xem xét chuyển cách ly, điều trị tại cơ sở y tế đối với các trường hợp F0 được phân loại nguy cơ cao theo Quyết định số 5525 của Bộ Y tế, theo đó: Người từ 65 tuổi trở lên hoặc từ 3 tháng tuổi trở xuống; người từ 50 - 64 tuổi chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày; SpO2 từ 94% đến 96%.
Chuyển cách ly, điều trị tại cơ sở y tế đối với F0 có tình trạng cấp cứu. Những trường hợp đặc biệt, nhân viên y tế của trạm y tế hoặc Trung tâm Y tế quận, huyện hội chẩn với Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang để quyết định chuyển điều trị tại cơ sở y tế.
Hà Nội còn hơn 58.000 F0 đang điều trị
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 29/4/2021 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội ghi nhận 85.577 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (không tính ca nhập cảnh và ca ghi nhận tại các bệnh viện trước ngày 30/9/2021).
Hơn một nửa F0 tại Hà Nội phát hiện qua test nhanh. |
Trong số 2.993 ca dương tính ghi nhận trên địa bàn thành phố trong ngày có 325 trường hợp được xác định bằng xét nghiệm RT-PCR, số còn lại xác định bằng test nhanh kháng nguyên.
Tính từ ngày 15/12/2021 đến nay đã có 48.578 trường hợp dương tính được xác định bằng test nhanh kháng nguyên tại 30 quận, huyện, thị xã.
Công tác điều tra truy vết đã xác định thêm 1255 trường hợp F1. Các ca bệnh và khu vực liên quan đến các bệnh nhân đều được tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hiện toàn Thành phố còn 4/1288 điểm đang phong tỏa. Hiện tại có 58.195 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly.
Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (135), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (218), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3299), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1385), cơ sở thu dung quận, huyện (5844), theo dõi cách ly tại nhà (47.314). Tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 325 người.
Về công tác tiêm chủng, trong ngày 9/1/2022, toàn Thành phố tiêm được 138.989 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 là 13.607.695 mũi tiêm; 235.741 mũi bổ sung và 1.354.371 mũi vắc-xin nhắc lại.
Kết quả tiêm chủng cho người trên 18 tuổi đã đạt được tỷ lệ 99,5% mũi 1 và 99,1% mũi 2; tỷ lệ tiêm cho người trên 50 tuổi đạt 98,9% mũi 1 và 97,4% mũi 2; trẻ từ 12-14 tuổi đạt tỷ lệ 99,7% mũi 1, 94,1% mũi 2; trẻ từ 15-17 tuổi đạt tỷ lệ 99,4% mũi 1 và 94,9% mũi 2.
Cùng với các đơn vị tiêm chủng của thành phố, các bệnh viện trung ương và bộ ngành trên địa bàn đã tiêm được 1.400.323 mũi, trong đó (824.495 mũi 1; 575.828 mũi 2) cho đến hết ngày 14/12/2021.
Hiện tại các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành Y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
3 tầng điều trị F0 tại Hà Nội
Theo hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, Thành phố Hà Nội đang phân thành 3 tầng điều trị cho các F0 dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ.
Cụ thể: Tầng 1 dành điều trị cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình, gồm: Các trường hợp từ 50- 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vắc-xin; trường hợp từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vắc-xin, không có triệu chứng cần can thiệp y tế.
Các trường hợp ở tầng 1 được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
Tầng 2 dành điều trị cho các trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, gồm: Các trường hợp từ 65 tuổi trở lên và đã tiêm đủ liều vắc-xin; trường hợp có mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc-xin; Trường hợp từ 50- 64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vắc-xin; trường hợp phụ nữ có thai và mới sinh con từ 42 ngày trở xuống; trẻ em từ 3 tháng tuổi trở xuống.
Những trường hợp này được điều trị tại các bệnh viện thuộc tầng 2.
Tầng 3 dành điều trị cho các trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, gồm: Các trường hợp từ 65 tuổi trở lên và chưa tiêm đủ liều vắc-xin; trường hợp mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc-xin; trường hợp có tình trạng cấp cứu chuyên khoa.
Những trường hợp này được điều trị tại các cơ sở: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện tuyến trung ương.
Với những trường hợp đặc biệt cũng phân các cơ sở tiếp nhận cụ thể như:
Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng được tiếp nhận tại Bệnh viện Bắc Thăng Long nếu thuộc tầng 1 và tầng 2; trường hợp thuộc tầng 2 và tầng 3 do Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và các bệnh viện trung ương tiếp nhận.
Với các trười hợp người bệnh đang điều trị HIV, lao, cơ sở tiếp nhận điều trị ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Phổi Hà Nội; ở tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.
Với các trường hợp có bệnh lý tâm thần, người đang cai nghiện tại cộng đồng, cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội phối hợp) và bệnh viện trung ương;
Người bệnh mắc các bệnh lý chuyên khoa khác như: Răng hàm mặt, mắt, tai mũi họng… cần can thiệp y tế thì cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 là các Bệnh viện đa khoa tầng 2; cơ sở điều trị tầng 3 là: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện Trung ương.
TP.HCM tạm ngừng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến
Ngày 14/1, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản về việc tạm ngưng hoạt động Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3, số 5, số 10 và Bệnh viện Dã chiến Củ Chi từ 19/1.
Cơ quan này cho biết tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố bước đầu được kiểm soát, số ca mắc mới và tử tiếp tục giảm. Hiện số lượng người bệnh điều trị tại các cơ sở y tế dã chiến chiếm khoảng 10% đến 30% công suất giường bệnh.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Nhằm tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP.HCM sẽ sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến thu dụng điều trị Covid-19 trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán.
Nhân viên y tế, nhân viên khác sẽ tạm thời trở về công tác tại đơn vị chủ quản. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị giám đốc các bệnh viện luôn sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch trong vòng 24 giờ khi sở y tế chỉ đạo kích hoạt lại hoạt động của các bệnh viện dã chiến.
Khi tạm ngừng hoạt động, người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện trên nếu đủ điều kiện xuất viện được trở về nhà. Trường hợp cần tiếp tục điều trị sẽ được điều chuyển đến các bệnh viện điều trị Covid-19 khác trên địa bàn.
Trong thời gian 4 bệnh viện dã chiến trên tạm ngừng hoạt động, các cơ sở khám, chữa bệnh khi có người bệnh cần chuyển tuyến sẽ liên hệ bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và của thành phố để chuyển bệnh.
Các bệnh viện dã chiến vẫn duy trì hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán căn cứ tình hình người bệnh thực tế tại đơn vị, xây dựng kế hoạch phân công nhân viên y tế, luân phiên đến công tác. Các bệnh viện phải luôn sẵn sàng và kịp thời tiếp nhận, điều trị, chăm sóc người bệnh.
Hiện nay, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 là đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị, chăm sóc người nhập cảnh dương tính, người nhiễm biến chủng Omicron. Sở Y tế TP.HCM sẽ điều động bổ sung nhân viên y tế đến luân phiên hỗ trợ điều trị, chăm sóc người bệnh.
Việt Nam ghi nhận 51 ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 51 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM(13), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).
Trong số các ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron tại Việt Nam, đa phần là các ca không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ như sổ mũi, ho có đờm... Hơn 1 nửa trong tổng số các ca bệnh này đều đã ra viện.
Tuy nhiên tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.