Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 15/2: Bộ Y tế nói về việc cho phép karaoke hoạt động
D.Ngân - 15/02/2022 08:37
Bộ Y tế vừa có ý kiến về đề xuất cho phép karaoke, vũ trường hoạt động trở lại.

31.787 ca Covid-19 mới ghi nhận tại 62 tỉnh, thành

Tính từ 16h ngày 14/2 đến 16h ngày 15/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 31.814 ca nhiễm mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 31.787 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.384 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, TP (có 22.870 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (-595), Nghệ An (-272), Bình Phước (-250). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+465), Quảng Ninh (+354), Bình Định (+273).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 27.330 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 198 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.572.087 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.045 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.564.888 ca, trong đó có 2.239.456 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (516.477), Bình Dương (293.201), Hà Nội (176.043), Đồng Nai (100.141), Tây Ninh (88.836).

9.326 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.242.273 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.926 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 2.222 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 305 ca; thở máy không xâm lấn là 94 ca; thở máy xâm lấn là 289 ca; ECMO là 16 ca.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 86 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.122 ca, chiếm tỷ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.808.038 mẫu tương đương 77.963.670 lượt người, tăng 42.810 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 14/02 có 525.064 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 186.479.340 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.226.500 liều, tiêm mũi 2 là 74.769.707 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 32.483.133 liều.

Hà Nội số ca F0 lên đến 3.972, 798 ca cộng đồng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong 24 giờ qua TP ghi nhận 3.972 ca Covid-19 mới trong đó có 798 ca cộng đồng.

Bệnh nhân phân bố tại 487 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Đây là ngày ghi nhận số ca bệnh Covid-19 cao nhất từ trước tới nay ở Thủ đô. Trong 2 tuần trở lại đây, số ca mỗi ngày được báo cáo giao động từ 2.700-3.500 ca.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (186); Đông Anh (175); Chương Mỹ (155); Bắc Từ Liêm (143); Nam Từ Liêm (141).

Từ ngày 29/4/2021 đến nay Hà Nội có 179.217 ca Covid-19.

Theo Sở Y tế, hiện toàn TP có gần 96.000 F0 đang điều trị, trong đó có hơn 91.500 người đang điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm 95%).

Hơn 760 ca đang điều trị tại các cơ sở thu dung của TP và quận/huyện. Ngoài ra, 3.273 ca đang điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3), số còn lại 338 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Căn cứ vào mức độ dịch

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có công văn trả lời Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho ý kiến về dự thảo Công văn tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (theo công văn số 353/BVHTTDL-VHCS ngày 28/1). 

Bộ Y tế vừa có ý kiến về đề xuất cho phép karaoke, vũ trường hoạt động trở lại.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung vào nội dung dự thảo công văn một số nội dung.

Theo Bộ Y tế, việc hoạt động trở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực có hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. 

Ngoài ra, nơi thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường thường là nơi có không gian kín nên dễ xảy ra lây nhiễm Covd

-19. Do vậy, theo góp ý của Bộ Y tế, khi hoạt động trở lại cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, phòng chống lây nhiễm tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường (khử khuẩn, thông khí, …). 

"Lưu ý, với người tham dự cần thực hiện nghiêm 5K, tiêm phòng vắc-xin đủ liều, không cung cấp dịch vụ cho người đang có các triệu chứng mắc Covid-19 (ho, sốt…)", công văn của Bộ Y tế nêu.

Cùng đó, địa phương, nơi cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường cần có kế dự phòng, đáp ứng với các tình huống dịch bệnh có thể xẩy ra trong khu vực cung cấp dịch vụ để khoanh vùng gọn, không để lây lan rộng ra cộng đồng (nếu ghi nhận ổ dịch). 

Trước đó, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch có dự thảo công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sau thời gian tạm đóng cửa phòng dịch Covid-19.

Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Xây dựng phương án cho phép các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường được hoạt động trở lại khi đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ.

Bộ này cũng đề nghị các tỉnh, thành tổ chức triển khai phương án kiểm tra, rà soát, thẩm định và chỉ cho phép hoạt động đối với cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện và kịp thời điều chỉnh hoạt động của các đơn vị phù hợp với cấp độ dịch ở địa phương... 

Đặc biệt cần tăng cường công tác thanh tra, quản lý, chấn chỉnh, xử lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường không chấp hành các quy định phòng, chống dịch.

TP.HCM sẵn sàng tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết về kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP.HCM về kế hoạch tiêm ngay khi có thể triển khai.

Thống kê cho biết hiện số trẻ sinh sống tại TP.HCM từ 5 đến 11 tuổi có khoảng 970.000 em. Trong số này, 950.000 trẻ đã đi học, 20.000 trẻ chưa đi học.

Số trẻ đi học sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo thống kê danh sách, số trẻ con lại do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê danh sách. 

Theo dự kiến, trong vòng 30 ngày sẽ hoàn tất quá trình tiêm mũi 1. Thời gian để tiêm mũi 2 cũng trong 30 ngày. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm sẽ do Bộ Y tế quy định.

Trong thời gian chờ Bộ Y tế hướng dẫn và UBND TP.HCM ban hành kế hoạch, HCDC đã chủ động tập huấn, hướng dẫn địa phương giám sát công tác tiêm chủng, bảo quản vắc-xin và xử lý những trường hợp tai biến… để chuẩn bị tốt nhất khi triển khai. 

Được biết, việc tiêm vắc-xin cho trẻ là không bắt buộc, phải có sự đồng thuận. Trong trường hợp gia đình trẻ không đồng ý, trẻ vẫn được đi học bình thường. Tuy nhiên, địa phương, nhà trường cũng như ngành Y tế cố gắng thuyết phục phụ huynh đồng thuận cho trẻ tiêm vắc-xin.

Đại diện HCDC lo ngại, sắp tới, việc trẻ đi học lại sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Do đó, ngành Giáo dục và Y tế luôn cảnh giác, chuẩn bị tốt nhất về quy trình xử lý, giám sát khi có F0, F1, cố gắng không để xảy ra lây lan dịch trong nhà trường.

Hà Nam kiểm soát dịch khi đang lan rộng

Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn biến rất phức tạp, số ca F0 trong cộng đồng ngày càng gia tăng…

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, trong ngày 14/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 201 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Qua đó nâng tổng số bệnh nhân trên địa bàn tỉnh ghi nhận đến thời điểm này lên 8.246 ca.

Qua đánh giá cấp độ dịch Covid-19 vừa cập nhật, toàn tỉnh Hà Nam có 4 xã, phường cấp độ 3 (nguy cơ cao) gồm: Liêm Chính (Phủ Lý); Đồng Văn, Duy Minh (Duy Tiên); Nguyễn Úy (Kim Bảng); 9 xã, phường, thị trấn cấp độ 2 (nguy cơ trung bình); 96 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp).

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần số ca F0 trên địa bàn tỉnh Hà Nam tăng mạnh. Hôm nay là ngày thứ 6 liên tiếp Hà Nam ghi nhận trên 200 F0. Hiện toàn tỉnh còn 3.859 ca mắc Covid-19 (2.425 bệnh nhân đang chờ cấp mã), trong đó 23 ca nặng phải chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. 

Số bệnh nhân còn lại đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến của tỉnh, các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 trên địa bàn và điều trị tại nhà.

Do số F0 tăng nhanh nên Hà Nam đã chính thức đưa Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP.Phủ Lý (đặt tại xã Tiên Hiệp) đi vào hoạt động. 

Như vậy tất cả 6/6 huyện, thị, thành phố của tỉnh Hà Nam đều có từ 1-2 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Riêng tại TP.Phủ Lý (địa phương ghi nhận số ca mắc cao nhất toàn tỉnh Hà Nam với 1.847 bệnh nhân) hiện đang xây dựng các kịch bản, phương án sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch xảy ra trong thời gian tới. 

Đồng thời tiếp tục áp dụng biện pháp thu dung, điều trị F0 tại nhà, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, quản lý các trường hợp F0, F1.

Ngành Y tế tỉnh Hà Nam đề nghị các cơ quan, tổ chức và người dân chủ động test tầm soát để phát hiện sớm F0 trong cộng đồng.

Phú Thọ khi nhận số ca mắc cao kỷ lục

Theo ngành Y tế Phú Thọ, trong 24 giờ qua, toàn tỉnh ghi nhận 1.054 ca mắc Covid-19 mới. Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất kể từ khi bùng phát dịch tại địa phương này.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Phú Thọ, nguyên nhân tình hình dịch bệnh tăng nhanh trong những ngày đầu năm mới là do lượng người từ các tỉnh, thành phố khác trở về quê, cũng như tham gia các hoạt động giao thương, lễ hội liên tỉnh trước, trong và sau dịp Tết tăng đột biến. 

Các hoạt động đi lại, thăm thân, giao lưu ăn uống trong dịp Tết mặc dù đã hạn chế nhiều so với các năm trước, song vẫn còn khá phổ biến.

Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, không tuân thủ thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vẫn tụ tập đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng, chưa chủ động tự giác khai báo y tế để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Trước tình hình trên, ngành y tế Phú Thọ đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới cộng đồng về phòng, chống  dịch Covid-19 với thông điệp chủ đạo là: “5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”. Đề cao ý thức, trách nhiệm cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức thường trực 24/7, giám sát chặt chẽ, cập nhật thông tin, đánh giá, dự báo nguy cơ, chủ động tham mưu và đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch một cách quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả. 

Trong đó, tăng cường tổ chức xét nghiệm và hướng dẫn người dân tự xét nghiệm, đặc biệt với người có yếu tố dịch tễ, người có nguy cơ cao; quản lý chặt chẽ các F0, F1 tại cộng đồng.

Đẩy nhanh tiến độ thực tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và tổ chức tiêm mũi vắc-xin tăng cường và nhắc lại cho người dân từ 18 tuổi trở lên, phấn đấu tối thiểu đạt 99% trong quý I (hiện tỷ lệ tiêm đạt 98,4%). 

Lập kế hoạch và tổ chức tiêm vắc-xin cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi theo hướng dẫn và tiến độ cấp vắc-xin của Bộ Y tế.

Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định cách ly đối với các trường hợp F0, F1 đang được cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà hoặc nơi cư trú. 

Các trường hợp F1 phải tuân thủ nghiêm túc thời gian cách ly theo đúng quy định (7 ngày đối với F1 đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 và 14 ngày đối với F1 chưa tiêm, chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19).

Tin liên quan
Tin khác