Hà Nội: Gần 4.900 ca mắc sau 24h
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 18/2 đến 18h ngày 19/2, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 4.869 ca Covid-19 (tăng 320 ca so với ngày trước đó), trong đó có 1.206 ca cộng đồng và 3.663 ca đã cách ly.
Cụ thể, 4.869 bệnh nhân phân bố tại 468 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (389), Hoàng Mai (355), Nam Từ Liêm (282), Bắc Từ Liêm (271), Hà Đông (244).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, là 196.416 ca.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 18/2, toàn Thành phố có 167.194 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 161.000 F0 điều trị tại nhà (tăng hơn 23.000 ca so với ngày 17/2) và 1.165 ca điều trị tại cơ sở thu dung của thành phố và các quận, huyện.
Như vậy, hiện hơn 96% F0 ở Hà Nội mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Khoảng 4% còn lại (hơn 4.500 ca) phải nhập viện điều trị, trong đó có hơn 4.200 ca điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 351 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Hôm qua, Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc Covid-19 tử vong. Đây là số tử vong thấp nhất trong những ngày gần đây. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay tại Hà Nội là 893 người.
Số ca mắc trên cả nước giảm nhẹ sau 24h
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 41.980 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 12 ca nhập cảnh và 41.968 ca trong nước tại 61 tỉnh, thành phố (giảm 459 ca so với ngày trước đó, có 29.831 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Ninh Bình (giảm 1.062 ca), Vĩnh Phúc (giảm 764 ca), Hà Tĩnh (giảm 621 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (tăng 1.484 ca), Hà Nội (tăng 320 ca), Hòa Bình (tăng 304 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 34.696 ca/ngày.
Cụ thể, tính từ 16h ngày 18/2 đến 16h ngày 19/2, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 41.980 ca nhiễm mới, trong đó có 12 ca nhập cảnh và 41.968 ca tại 61 tỉnh, thành phố (gồm có 29.831 ca tại cộng đồng).
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.740.293 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 27.746 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.733.059 ca, trong đó có 2.265.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (519.144), Bình Dương (293.700), Hà Nội (193.242), Đồng Nai (100.476), Tây Ninh (88.988).
Hơn 6.800 F0 được công bố khỏi bệnh
Về tình hình điều trị, có thêm 6.840 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.268.020 ca.
Ngoài ra, có 3.017 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 2.349 ca thở ô xy qua mặt nạ, 327 ca thở ô-xy dòng cao HFNC, 97 ca thở máy không xâm lấn, 230 ca thở máy xâm lấn và 14 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 18/2 đến 17h30 ngày 19/2, cả nước ghi nhận 65 ca tử vong tại: TP.HCM (2), Đà Nẵng (9), Hà Nội (5), Hòa Bình (4 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (4),
Gia Lai (3), Hải Phòng (3), Lạng Sơn (3), Bắc Giang (2), Cần Thơ (2), Cao Bằng (2), Đồng Nai (2), Hà Nam (2), Nam Định (2), Phú Thọ (2), Phú Yên (2), An Giang (1), Bắc Ninh (1), Bình Phước (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hải Dương (1), Lào Cai (1), Quảng Trị (1), Sóc Trăng (1), Thái Nguyên (1), Thừa Thiên - Huế (1), Vĩnh Long (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 80 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.423 ca, chiếm tỷ lệ 1,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Quy định giá trần xét nghiệm
Theo Bộ Y tế, qua kiểm tra về nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, đã ghi nhận một số tồn tại, hạn chế và những khó khăn, vướng mắc về quản lý nhà nước trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế đề nghị liên thông về giá nhập thiết bị y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) và ban hành giá trần xét nghiệm Covid-19 tại cơ sở tư nhân. |
Để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét bổ sung biên chế cán bộ làm công tác thanh tra y tế từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là đối với cơ quan thanh tra Bộ Y tế, do hiện nay lực lượng cán bộ quá ít trong khi phải thực thi nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh gần đây.
Nghiên cứu, xem xét bổ sung biên chế cán bộ làm công tác quản lý trang thiết bị y tế từ Trung ương đến địa phương để triển khai công tác hậu kiểm về đăng ký lưu hành, đủ điều kiện sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế nói chung và phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu ban hành thông tư hướng dẫn về hoạt động cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng cho lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, trong đó có quy định tiêu chuẩn chuyên gia đánh giá phải có trình độ chuyên môn về lĩnh vực trang thiết bị y tế.
Đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng rà soát, chấn chỉnh hoạt động đánh giá, cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng cho lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 13485:2016.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các sở y tế chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng trên địa bàn (công an, quản lý thị trường....) tăng cường hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh TTBYT nói chung và các test xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2.
Hà Nội tăng cường cấp thuốc kháng virus cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà
UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại, hoàn thành trong quý I/2022;
Rà soát và bổ sung giường điều trị Covid-19 tại các bệnh viện của Thành phố, đáp ứng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tăng cường các biện pháp giảm tỷ lệ tử vong; tăng cường việc cung cấp bảo đảm túi thuốc gói thuốc C (thuốc kháng virus) cho các bệnh nhân tại các tầng điều trị, đặc biệt là những người điều trị tại nhà.
Đồng thời, hoàn thiện phương án tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế cấp xã, phường, thị trấn theo diễn biến dịch bệnh để tránh bị quá tải và chủ động trong mọi tình huống phát sinh;
Có phương án huy động thêm lực lượng y tế tư nhân, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng, các cán bộ y tế đã nghỉ hưu cùng tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Chủ tịch TP.Hà Nội cũng yêu cầu ngành Y tế khẩn trương phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác xét nghiệm sàng lọc, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong trường học;
Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các nhà trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các trường học; xây dựng, thực hiện phương án bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống Covid-19 của các trường đại học, cao đẳng.
Thành phố cũng tăng cường vận hành Tổng đài 1022 và phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã bảo đảm tiếp nhận mọi thông tin, phản ánh của người dân liên quan đến phòng, chống dịch, an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ, phát thuốc kịp thời cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà.
TP.HCM yêu cầu rà soát lại năng lực chăm sóc F0 tại nhà
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi UBND, phòng y tế, trung tâm y tế các quận, huyện và TP.Thủ Đức, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố về nâng cao năng lực tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong bối cảnh số ca Covid-19 mới có chiều hướng tăng nhẹ sau Tết Nguyên đán và sau khi học sinh đi học trực tiếp.
Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức xây dựng kế hoạch đảm bảo khả năng chăm sóc F0 tại nhà của từng phường, xã, thị trấn trên địa bàn và khả năng tiếp nhận, điều trị Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị thuộc tuyến huyện.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND phường, xã, thị trấn xây dựng phương án đảm bảo công tác y tế phục vụ phòng chống dịch theo từng cấp độ dịch.
Với cơ sở chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà, UBND cấp xã sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức và quy chế phối hợp giữa trạm y tế cấp xã với các cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà. Theo dõi sát số ca mắc mới, số F0 cách ly tại nhà để kịp thời kích hoạt mạng lưới chăm sóc F0 tại nhà.
Căn cứ nhân sự dự kiến của các cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, UBND cấp xã xác định số lượng hộ gia đình có khả năng chăm sóc, quản lý khi có ca F0 để đánh giá tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc.
Sở Y tế Thành phố cũng đề nghị cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà khi tiếp nhận thông tin của người dân khai báo có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính phải đánh giá tình trạng lâm sàng và khai thác yếu tố dịch tễ.
Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác định là F0 theo quy định của Bộ Y tế, cơ sở chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà thực hiện lại xét nghiệm cho người bệnh bằng xét nghiệm nhanh do Bộ Y tế cấp phép.