Hà Nội: Ngày thứ 9 số ca mắc giảm
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 19/3 đến 18h ngày 20/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 19.065 ca Covid-19 (giảm 2.006 ca so với ngày hôm qua), trong đó có 6.346 ca cộng đồng và 12.719 ca đã cách ly.
Đây là ngày thứ 9 liên tiếp, thành phố có số ca mắc giảm. Quận Hà Đông là địa bàn ghi nhận nhiều F0 nhất trong 24 giờ qua.
Cụ thể, 19.065 bệnh nhân phân bố tại 423 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.129); Hoàng Mai (1.017); Hai Bà Trưng (958); Sóc Sơn (929); Đống Đa (914)…
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội, tính từ ngày 29-4-2021 cho đến nay là 1.171.344 ca.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 19/3, Hà Nội có 379.487 ca dương tính SARS-CoV-2 đang điều trị, theo dõi, giảm hơn 61.800 ca so với hôm qua.
Trong đó, 275 ca điều trị tại khu cách ly, 3.348 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm hơn 0,88% tổng số ca đang điều trị, theo dõi), số còn lại 375.864 người đang điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm hơn 99%).
Ngày 19/3, Hà Nội ghi nhận 4 ca tử vong. Đây cũng là số ca tử vong trong ngày thấp nhất được ghi nhận trong thời gian qua. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1.297 người.
Về công tác tiêm chủng, tính đến hết ngày 19/3, Hà Nội có 81,3% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi nhắc lại vắc xin Covid-19. Bên cạnh đó, gần 100% người cần tiêm mũi bổ sung đã được tiêm chủng.
Giảm hơn 9.400 ca mắc sau 24h
Nước ta có thêm hơn 141.000 ca Covid-19, Hà Nội có số ca nhiễm giảm nhiều nhất
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 141.151 ca nhiễm mới, trong đó có 2 ca nhập cảnh và 141.149 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố (giảm 9.457 ca so với ngày trước đó).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hà Nội (giảm 2.006 ca), Nghệ An (giảm 1.766 ca), Hải Dương (giảm 1.214 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (tăng 3.502 ca), Bắc Giang (tăng 358 ca), Vĩnh Long (tăng 216 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 164.328 ca/ngày.
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 7.958.048 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 80.561 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 7.950.382 ca, trong đó có 4.100.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.170.170), TP.HCM (582.747), Bình Dương (359.557), Nghệ An (345.848), Hải Dương (314.225).
Về tình hình điều trị, có thêm 111.635 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 4.103.028.
Ngoài ra, còn 3.968 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 3.291 ca thở ô xy qua mặt nạ, 278 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 113 ca thở máy không xâm lấn, 281 ca thở máy xâm lấn và 5 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 19/3 đến 17h30 ngày 20/3, nước ta ghi nhận 63 ca tử vong tại 31 tỉnh, thành phố.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 71 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.880 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho trẻ
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 1722/VPCP-KGVX ngày 19/3/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiêm, mua và thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc nghiên cứu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho người lớn và mũi 3 cho trẻ em và tiêm cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi; có kế hoạch mua và thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước, bảo đảm khoa học, an toàn và hiệu quả.
Với trẻ từ 5 đến 12 tuổi, trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/2/2022 của Chính phủ về việc mua vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định.
Được biết, hiện Bộ Y tế đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ Năm Du lịch quốc gia-Quảng Nam 2022;
Xây dựng dự thảo Hướng dẫn sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm phát hiện người nhiễm SARS-CoV-2 tại bệnh viện trong tình hình mới;
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị Covid-19, trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để bảo đảm sử dụng thuốc được an toàn.
TP.HCM dừng hoạt động bệnh viện hồi sức Covid-19 lớn nhất
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về tình hình dịch Covid-19 và công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM ngày 19/3, hiện số F0 điều trị tại 3 tầng đã vượt thời điểm tháng 12/2021. Tuy nhiên, số ca thở máy xâm lấn và tử vong vẫn ở mức thấp.
Hiện, TP.HCM đang điều trị 63 ca thở máy xâm lấn, trong đó có 60/63 ca có bệnh nền (chiếm 95%). Trong đó, 42/63 ca không báo y tế địa phương khi biết mình nhiễm bệnh và không điều trị bằng thuốc kháng virus Molnupiravir trước khi nhập viện (chiếm 66,6%).
Sở Y tế cho biết, Bệnh viện Hồi sức Covid-19, đóng tại Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) ngưng nhận bệnh nhân từ ngày 18/3. Đây là bệnh viện hồi sức đầu tiên và có số giường bệnh lớn nhất tại TP.HCM với quy mô 1.000 giường.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đi vào hoạt động từ tháng 7/2021 ở thời điểm dịch bùng phát trên diện rộng tại thành phố. Bệnh viện chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch có quy mô lớn nhất cả nước. Giai đoạn cao điểm, Bệnh viện đã điều trị cho trên 700 bệnh nhân.
Sau khi ngừng nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, ngành Y tế Thành phố vẫn tiếp tục duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến số 13, 14, và 16.
Các Bệnh viện dã chiến số 14, 16, Bệnh viện Đa tầng Tân Bình, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục duy trì giường hồi sức để điều trị người bệnh mắc Covid-19 nặng.
Sở Y tế đề nghị tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa phải thành lập khoa hoặc đơn vị điều trị Covid-19 để tiếp nhận các trường hợp có bệnh lý cấp tính kèm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Phú Thọ: F0 khai báo y tế trên mạng
Ngày 19/3, Phú Thọ là địa phương ghi nhận ca mắc Covid-19 nhiều thứ 3, sau Hà Nội và Nghệ An.
Nhằm thực hiện các biện pháp chủ động, quản lý rủi ro phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Cổng thông tin F0 (f0.phutho.vn) giúp người dân khai báo y tế trên mạng.
Người dân ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, truy cập trên Internet vào địa chỉ f0.phutho.vn để tự thực hiện khai báo thông tin gửi đến trạm y tế địa phương. Trong ngày, trạm y tế chuyển khu dân cư xác minh thông tin để xác nhận điều trị cho F0.
Hằng ngày, F0 vào phần cập nhật tình hình sức khỏe, khi có dấu hiệu bất thường, cơ quan y tế sẽ kịp thời hỗ trợ; đồng thời, gửi kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sau 7 ngày điều trị, để cơ quan y tế xác nhận hoàn thành điều trị hoặc có hướng dẫn cụ thể tiếp theo đối với những trường hợp chưa có xét nghiệm âm tính.
Trên Cổng Thông tin f0.phutho.vn, người dân cũng có thể nhận bản điện tử quyết định cách ly, giấy xác nhận hoàn thành cách ly, đăng ký nhận giấy bảo hiểm xã hội.