Hải Phòng ca mắc tăng cao kỷ lục với hơn 1.800 ca mắc/ngày
Tính từ 16h ngày 1/1 đến 16h ngày 2/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.948 ca nhiễm mới, trong đó 34 ca nhập cảnh và 16.914 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.092 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 11.948 ca trong cộng đồng).
Hôm nay Hải Phòng cũng vượt mốc 1.000 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ, xếp sau Hà Nội với 1.804 F0.
Các tỉnh, thành phố khác ghi nhận số lượng ca bệnh cao trên mốc 500: Vĩnh Long (1.280), Tây Ninh (946), Bình Phước (782), Khánh Hòa (780), Cà Mau (619), Bình Định (576), Hải Dương (545).
TP.HCM tiếp tục có những dấu hiệu tích cực khi ngày có số ca nhiễm Covid-19 trong ngày dưới 500 ca với 384 F0.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Tháp (-265), Bình Thuận (-189), TP.HCM (-185).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+1.688), Hải Dương (+545), Hà Nội (+297).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.479 ca/ngày. Theo Bộ Y tế, nước ta chưa ghi nhận thêm người nhiễm biến chủng Omicron. Trước đó, 20 ca nhiễm biến chủng này được phát hiện đều là người nhập cảnh, được cách ly tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (5).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.763.040 ca nhiễm. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.757.254 ca.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (504.197), Bình Dương (290.921), Đồng Nai (98.060), Tây Ninh (77.002), Hà Nội (49.631).
221 ca tử vong, hơn 6.000 bệnh nhân diễn biến nặng
Từ 17h30 ngày 1/1 đến 17h30 ngày 2/1, nước ta ghi nhận 221 ca tử vong. TP.HCM có 30 trường hợp, trong đó 4 ca từ các tỉnh chuyển đến gồm Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Vĩnh Long (1), Cần Thơ (1).
Số ca tử vong tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (41 ca trong 2 ngày), An Giang (17), Vĩnh Long (16), Đồng Tháp (15), Cần Thơ (15), Tiền Giang (11), Hậu Giang (9), Tây Ninh (8), Hà Nội (8), Sóc Trăng (7), Bình Dương (7), Kiên Giang (7), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Khánh Hòa (5), Bạc Liêu (4), Bình Thuận (3), Cà Mau (3), Nam Định (2), Trà Vinh (2), Nghệ An (1), Đắk Lắk (1), Hà Giang (1), Gia Lai (1), Long An (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 224 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.831 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, trong ngày, thêm 14.420 ca được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.372.696 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.746 ca, trong đó: thở ô-xy qua mặt nạ: 4.771 ca, thở ô-xy dòng cao HFNC: 988 ca, thở máy không xâm lấn: 148 ca, thở máy xâm lấn: 815 ca, ECMO: 24 ca.
Trong ngày 1/1, nước ta có 592.352 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 152.818.575 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.716.536 liều, tiêm mũi 2 là 69.065.759 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 6.036.280 liều.
Số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội đã vượt 2.000 ca/ngày
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 1/1 đến 18h ngày 2/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.045 ca Covid-19, trong đó có 555 ca tại cộng đồng, 1.462 ca tại khu cách ly và 28 ca tại khu phong tỏa. Huyện Đông Anh là địa bàn ghi nhận số ca nhiễm cao nhất (với 232 ca) trong 24 giờ qua.
Như vậy, sau 10 ngày liên tục ghi nhận từ 1.700-1.900 ca/ngày, số ca nhiễm mới tại Hà Nội tiếp tục gia tăng lên tới hơn 2.000 ca/ngày.
Cụ thể, 2.045 bệnh nhân mới ghi nhận trong 24 giờ qua được phân bố tại 326 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (232); Thanh Xuân (227); Thanh Trì (225); Gia Lâm (163); Hoàn Kiếm (148); Ba Đình (147); Hoàng Mai (132).
Riêng 555 ca cộng đồng ghi nhận tại 191 xã, phường thuộc 29/30 quận, huyện. Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Gia Lâm (78); Hoàng Mai (65); Thanh Trì (64); Đông Anh (36); Long Biên (35); Sóc Sơn (33).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4 đến nay) là 52.725 ca, trong đó có 17.578 ca ghi nhận ngoài cộng đồng và 35.147 ca đã được cách ly.
Sớm tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi
Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 9629/VPCP-KGVX ngày 31/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.
TP.HCM có quy trình khẩn cách ly người nhập cảnh để đối phó Omicron. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, cập nhật thường xuyên để kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm số lượng vắc-xin đủ tiêm cho các lứa tuổi theo tiến độ được giao;
Trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, Bộ Y tế tiến hành ngay các thủ tục cần thiết theo quy định để mua vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo cụ thể vắc-xin tiêm và nhận trong tháng 1 năm 2022, kế hoạch bảo đảm đủ vắc-xin để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên để hoàn thành mũi 3 trong Quý I năm 2022, bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
TP.HCM có quy trình khẩn cách ly người nhập cảnh để đối phó Omicron
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn ban hành quy trình 5 bước để giám sát, quản lý cách ly y tế cho người nhập cảnh sau khi Việt Nam ghi nhận một số ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron.
Theo đó, điều kiện cách ly tại nơi lưu trú gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất - kinh doanh... phải bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế.
rường hợp nơi lưu trú (nhà ở) không đáp ứng các điều kiện cách ly, người lưu trú phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định.
Người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phải thực hiện quy trình 5 bước.
Bước 1: Đăng ký "Mã QR cá nhân": Người nhập cảnh cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid để tạo "Mã QR cá nhân".
Trong trường hợp người nhập cảnh không sử dụng được ứng dụng PC-Covid thì truy cập Cổng thông tin An toàn COVID-19 TPHCM tại địa chỉ https://antoan-covid.tphcm.gov.vn để tạo "Mã QR cá nhân" (đây là mã QR thống nhất với hệ thống PC-Covid).
Khuyến khích người nhập cảnh chủ động đăng ký để có "Mã QR cá nhân" trước khi lên máy bay nhập cảnh Việt Nam.
Bước 2: Xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người nhập cảnh ngay sau khi nhập cảnh.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí khu vực thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 và phối hợp với các hãng hàng không quốc tế hướng dẫn người nhập cảnh đến điểm thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại sân bay; sử dụng "Mã QR cá nhân" để cung cấp thông tin cho đơn vị xét nghiệm.
Đơn vị xét nghiệm thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người nhập cảnh, trả kết quả xét nghiệm cho họ và nhập kết quả vào phần mềm CDS theo quy định.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính: Lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển người nhập cảnh đến bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 12 để cách ly, điều trị.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các hãng hàng không hướng dẫn người nhập cảnh đến điểm kiểm soát để thực hiện các thủ tục rời khỏi sân bay về nơi lưu trú.
Bước 3: Khi di chuyển về nơi lưu trú trong suốt quá trình người nhập cảnh phải thực hiện nghiêm quy định 5K.
Phương tiện đón người nhập cảnh chỉ bao gồm tài xế và người nhập cảnh. Các trường hợp khác đi đón người nhập cảnh không được ngồi cùng phương tiện với người nhập cảnh (trừ trường hợp là người nước ngoài, cần có người phiên dịch đi cùng).
Phương tiện vận chuyển người nhập cảnh hạn chế dừng, đỗ dọc đường. Trường hợp đặc biệt, khẩn cấp phải dừng đỗ dọc đường thì phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Bước 4: Theo dõi sức khỏe và khai báo y tế mỗi ngày:
Nơi tiếp nhận phải xác nhận người nhập cảnh đã đến địa điểm lưu trú bằng cách quét "Mã QR cá nhân" của họ ngay sau khi đến điểm lưu trú. Việc khai báo y tế và xác nhận điểm lưu trú được thực hiện hằng ngày trong thời gian cách ly.
Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng PC-COVID, thực hiện đầy đủ quy định 5K (đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn tay thường xuyên, không đến nơi đông người, không tụ tập); thực hiện xác nhận điểm lưu trú.
Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng thì báo ngay trạm y tế để xử lý theo quy định.
Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19: Tự theo dõi sức khỏe, không tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 3 ngày sau nhập cảnh.
Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin phòng Covid-19: Cách ly tại nơi lưu trú trọng 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế): Được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc. Cha/mẹ/người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm; phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng chống dịch như đối với người nhập cảnh.
Bước 5: Lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho người nhập cảnh trong thời gian cách ly y tế tại nơi lưu trú.
Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2: Tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính: Đơn vị xét nghiệm bảo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM điều phối mẫu đến Viện Pasteur TP.HCM thực hiện giải trình tự gen.
Đồng thời, báo cho Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức nơi người bệnh cách ly để vận chuyển người nhập cảnh đến Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (nếu người bệnh không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ) hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (nếu người bệnh có dấu hiệu suy hô hấp).
Hà Nội dịch Covid-19 có dấu hiệu đi ngang
Ở lần cập nhật cấp độ dịch gần nhất vào ngày 31/12, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).
Thành phố có 2 huyện ở cấp độ 1 (màu xanh); 18 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam - tăng 2 khu vực so với cách đây một tuần).
Phân loại theo cấp xã, phường, Hà Nội có 190 đơn vị ở cấp độ 1; 278 địa bàn ở cấp độ 2 và 111 xã, phường ở cấp độ 3.
Những khu vực có số ca mắc tăng nhanh trong 2 tuần qua là Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất cho thấy Hà Nội hiện có 17.764 F0 tự theo dõi tại nhà, 4.141 ca ở khu cách ly và 4.626 trường hợp nhiễm nCoV phải điều trị tại bệnh viện.
Trong số này, 2.686 người diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, Thành phố đang điều trị cho 1.603 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 337 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 277 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 18 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 11 người thở máy không xâm lấn, 29 ca thở máy xâm lấn và 2 bệnh nhân phải lọc máu.
Mới đây, lãnh đạo UBND Hà Nội đã yêu cầu quận, huyện, thị xã căn cứ vào cấp độ dịch để áp dụng biện pháp hành chính phù hợp.
Chính quyền địa phương tăng tối đa công suất thu dung điều trị F0 tại xã, phường, tại nhà khi đủ điều kiện; rà soát lại trang thiết bị y tế tại trạm y tế lưu động, như ô-xy, thuốc, thiết bị đo SpO2, xem xét cần thiết thì có thể bố trí phòng cấp cứu.
Đơn vị toàn thành phố thường trực 24/24 đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời tình huống; giám sát chặt người về từ vùng có dịch, tăng cường rà soát phát hiện biến chủng mới Omicron.
Ngành Y tế củng cố hệ thống y tế cơ sở, tăng cường thành lập trạm y tế lưu động, đặc biệt trong khu công nghiệp, phường đông dân cư; huy động cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên ngành y khi cần thiết.
Trong khi đó dịch tại TP.HCM duy trì cấp độ 2. Trong số 22 địa bàn cấp quận/huyện, 16 đơn vị đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), 6 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình) và không có địa phương nào ở cấp độ 3.
16 địa phương có dịch ở cấp độ 1 gồm: Quận 3, 5, 6, 7, 8, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, TP Thủ Đức. Sáu địa phương ở cấp độ 2 là quận 1, 4, 10, 11, Bình Thạnh, Tân Phú.
Đối với 312 phường, xã, thị trấn, 192 đơn vị đạt cấp 1; 116 nơi đạt cấp 2 và 4 đơn vị cấp 3.
Như vậy, địa bàn duy nhất ở TP.HCM tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận Tân Phú (từ cấp 1 lên cấp 2); 8 huyện giảm cấp độ dịch là quận 5, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Bình Chánh (từ cấp 2 xuống cấp 1).
Đến nay, TP.HCM đã bao phủ được 2 mũi vắc-xin Covid-19 cho 99,15% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Thành phố cũng đã tiêm tổng cộng 1.218.812 mũi 3 vắc-xin cho các nhóm nguy cơ.
UBND TP.HCM mới đây đã yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các ca mới phát sinh và xử lý theo kịch bản được xây dựng. Các quận, huyện, TP.Thủ Đức cũng cần nhắc nhở xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý người nhập cảnh theo quy định mới.
TP.HCM tập trung cao độ cho việc tiêm vắc-xin, phấn đấu hoàn thành mũi 3 cho người trên 18 tuổi trong tháng 1/2022, đặc biệt chú ý người trên 50 tuổi, người có bệnh nền.