Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 2/3: Tăng kiểm tra việc niêm yết giá thuốc điều trị Covid-19
D.Ngân - 02/03/2022 10:02
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá thuốc điều trị Covid-19, tránh tình trạng tăng giá, găm hàng trục lợi.

Việt Nam ghi nhận hơn 110.000 ca Covid-19 trong 24 giờ qua

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 110.301 ca nhiễm mới, trong đó có 21 ca nhập cảnh và 110.280 ca ghi nhận trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (tăng 11.537 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Nội (tăng 1.791 ca), Thanh Hóa (tăng 896 ca), Bắc Ninh (tăng 765 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Lào Cai (giảm 642 ca), Gia Lai (giảm 299 ca), Cao Bằng (giảm 280 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 88.033 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 3.709.481 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 37.552 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.702.080 ca, trong đó có 2.513.968 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (538.861), Hà Nội (300.387), Bình Dương (299.327), Đồng Nai (101.588), Tây Ninh (91.384).

Còn gần 4.000 F0 nặng đang điều trị

Về tình hình điều trị, có thêm 36.902 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.516.785.

Ngoài ra, hiện có 3.949 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 3.238 ca thở ô xy qua mặt nạ, 337 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 77 ca thở máy không xâm lấn, 288 ca thở máy xâm lấn và 9 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 1-3 đến 17h30 ngày 2-3, cả nước ghi nhận 114 ca tử vong.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 97 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.452 ca, chiếm tỷ lệ 1,1% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Hà Nội phát hiện thêm hơn 15.000 ca Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 1/3 đến 18h ngày 2/3, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 15.114 ca Covid-19 (tăng 1.791 ca so với ngày hôm qua), trong đó có 5.476 ca cộng đồng và 9.638 ca đã cách ly.

Cụ thể, 15.114 bệnh nhân phân bố tại 512 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (884); Hoàng Mai (878); Sóc Sơn (859); Nam Từ Liêm (834); Bắc Từ Liêm (829); Long Biên (808); Mê Linh (773); Thanh Trì (727); Hoài Đức (693); Thanh Xuân (562).

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 1-3, số bệnh nhân đang điều trị là 600.499 ca, trong đó có 592.992 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm hơn 98,7%); 1.170 người cách ly tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố và của quận, huyện, thị xã; 5.977 người điều trị tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3 của thành phố và 360 người điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Đến nay, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi tại Hà Nội là 478.360 người.

Ngày 1/3, Hà Nội ghi nhận 18 người mắc Covid-19 tử vong. Như vậy, tổng số người tử vong do Covid-19 (tính từ 27/4/2021 cho đến nay) là 1.102 người.

Tăng kiểm tra việc niêm yết giá thuốc điều trị Covid-19

Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19 để tránh việc mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không có nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá thuốc điều trị Covid-19, tránh tình trạng tăng giá, găm hàng trục lợi.

Công văn được ban hành trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tăng cao. Mới đây, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cho 3 thuốc kháng virus có dược chất Molnupiravir điều trị Covid-19. 

Để tránh việc mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không có nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị những biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19. 

Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19 đúng quy định. 

Ngoài việc tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bản các quy định về kê đơn, bán thuốc theo quy định, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược).

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh/thành chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị Covid-19 bất hợp lý.

Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thuốc điều trị Covid-19 có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn.

Tuân thủ đầy đủ các quy định về mua, bán thuốc điều trị Covid-19 và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai; thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP) theo đúng quy định của Bộ Y tế và các quy định khác trong kinh doanh dược...

Bộ Y tế phê duyệt tiêm vắc-xin Pfizer liều 0,2 ml cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Tại Quyết định số 457/QĐ-BYT, Bộ Y tế quy định về thành phần hoạt động, nồng độ/hàm lượng của vắc-xin này được sửa đổi đối với người từ 12 tuổi trở lên và đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. 

Cụ thể, đối với vắc-xin Pfizer cho người từ 12 tuổi trở lên, mỗi liều 0,3 ml chứa 30mcg vắc-xin mRNA Covid-19 (được bọc trọng các hạt nano lipid);

Đối với vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg vắc-xin mRNA Covid-19 (được bọc trọng các hạt nano lipid).

Ngoài ra, quy cách đóng gói đối với vắc-xin cho người từ 12 tuổi trở lên như sau: 1 khay chứa 195 lọ; mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 25 lọ; mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 10 lọ; mỗi lọ chứa 6 liều.

Đối với vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: 1 khay chứa 195 lọ; mỗi lọ chứa 10 liều; 1 hộp chứa 10 lọ; mỗi lọ chứa 10 liều.

Dạng bào chế đối với vắc-xin cho người từ 12 tuổi trở lên, bao gồm: Hỗn hợp dịch đậm đặc pha tiêm và hỗn dịch tiêm; đối với vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.

Vắc-xin này được sản xuất bởi Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ); BioNTech Manufacturing GmbH (Đức); Pharmacia and Upjohn Company LLC (Hoa Kỳ) và Hospira Incorporated (Hoa Kỳ).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến nay, nước ta đã tiếp nhận được hơn 77 triệu liều vắc-xin Pfizer.

Hiện có 98,6% học sinh 12-17 tuổi đã được tiêm mũi 1 và 93,1% tiêm 2 mũi. Bộ Y tế đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm phòng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo Bộ Y tế, Chính phủ cũng đã có quyết định đồng ý cho Bộ Y tế mua 21,9 triệu liều vắc-xin của Pfizer để tổ chức tiêm cho các trẻ trong nhóm tuổi này. Bộ Y tế cơ bản đã thực hiện xong thủ tục và đề nghị cấp chậm nhất là đến 30/4/2022 để Việt Nam đẩy nhanh việc bao phủ tiêm vắc-xin cho trẻ em.

5 tỉnh, thành chuyển cấp độ dịch từ “vùng xanh, vùng vàng” sang thành “vùng cam”

Cập nhật đánh giá cấp độ dịch Covid-19 của các tỉnh, thành phố trên Cổng thông tin Bộ Y tế mới nhất cho thấy, cả nước hiện có 5 tỉnh, thành tăng cấp độ dịch, chuyển từ cấp độ 1 “vùng xanh” và 2 “vùng vàng” lên cấp độ 3 “vùng cam”, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Phú Thọ và Yên Bái.

Việt Nam hiện có 39 tỉnh, thành phố thuộc “vùng xanh” - cấp độ 1 về dịch Covid-19, giảm 6 địa phương so với tuần trước đó; 19 tỉnh, phố thuộc “vùng vàng”- cấp độ 2 về dịch Covid-19.

Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch theo phạm vi xã, phường, thị trấn, hiện cả nước có 5.410 (51%) xã thuộc cấp độ 1, 2.939 xã thuộc cấp 2; 1.871 xã thuộc cấp độ 4 và 365 xã thuộc cấp độ 4.

Tin liên quan
Tin khác